27/02/2011 07:10 GMT+7

Trở về từ Libya: Mừng đoàn tụ nhưng lo nợ nần

Đ.BÌNH - M.QUANG - T.PHÙNG
Đ.BÌNH - M.QUANG - T.PHÙNG

TT - 3g50 ngày 26-2, 181 lao động Việt Nam ở Libya về đến sân bay Nội Bài trong niềm vui vô hạn của mình và người thân. Càng gần đến giờ chuyến bay SHJ-1655 hạ cánh (3g50), sự hồi hộp, phấp phỏng càng hiện rõ.

QnYp55HB.jpgPhóng to
Anh Trần Văn Minh, một trong những lao động đầu tiên ở Libya về đến Việt Nam, rót nước mời ông Lê Văn Lương đến hỏi thăm con trai của mình là anh Lê Văn Huy vẫn còn kẹt ở Libya - Ảnh: Tuấn Phùng

Thêm 96 lao động trở về Việt Nam từ Libya181 lao động tại Libya về nước an toànLibya: hơn 5.000 người VN chưa sơ tán

Bởi đây là lần thứ ba phía doanh nghiệp và cảng vụ sân bay thông báo thay đổi giờ hạ cánh “chuyến bay không thường xuyên” đưa lao động Việt Nam từ Libya về. Trước đó, chuyến bay này được thông báo sẽ hạ cánh trong khoảng 3g-4g40 ngày 25-2, rồi lại thông báo chậm đến 22g25 cùng ngày. Và tiếp tục bị lùi giờ đến tận 3g50 ngày 26-2...

Nước mắt ngày về

4g10, vừa nhác thấy anh trai Đỗ Quang Tin sau mấy lớp cửa kính, Thu Huyền (người có mặt ở sân bay từ mờ sáng 25-2) cố bật thật cao, vẫy tay gọi. 10 phút sau, những lao động đầu tiên bước qua cửa, trong đó có Tin, Huyền nhào vào ôm chầm lấy anh với hai hàng nước mắt lăn dài... Tại Hà Tĩnh, biết tin anh Tuyền về đến Hà Nội, mẹ anh, bà Đặng Thị Vân (62 tuổi), đã đứng bên quốc lộ 1A suốt buổi chiều để đón.

Tại cơ sở đào tạo của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconex Mec) cách sân bay gần 2km, dù vẫn còn bơ phờ, hốc hác sau hành trình dài hơn 30 giờ trên máy bay nhưng ánh mắt mọi người ánh lên niềm vui đoàn tụ.

Nguyễn Văn Trí (25 tuổi, quê Cửa Lò, Nghệ An) nói: “Tuy mất sạch hành lý ở Tripoli nhưng về đến đây lành lặn thế này là sung sướng lắm rồi”. Anh Nguyễn Quang Thuận (33 tuổi, TP Hải Dương) kể: “Công trường và khu ở của lao động Việt Nam ở Sarjai, cách thủ đô Tripoli khoảng 15km nên khi xảy ra bạo loạn ở Benghazi cũng rất lo. Dù nhà thầu AG (Brazil) đã thuê cảnh sát bảo vệ công trường và công nhân nhưng sau đó tình hình trở nên hỗn loạn và lao động Việt Nam phải tự lo thân mình. Khi đó, ngoài đường biểu tình, đánh nhau, đốt phá, nhiều trụ sở công ty có lao động Việt Nam, nhiều công trường bị đốt phá, cướp bóc. Người nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, phải chạy vào nhà thờ, bờ biển để tránh liên lụy. Cũng may AG đã thuê được một máy bay của Bồ Đào Nha để đưa tốp lao động đầu tiên về nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - giám đốc Vinaconex Mec, trong số 182 lao động này có 176 người của công ty ông. Còn lại là năm lao động của Công ty Bách Nghệ Toàn Cầu và một lao động Trung Quốc. Ngay khi xuống sân bay, Vinaconex Mec đã cấp cho mỗi người 1 triệu đồng và tổ chức ba chuyến xe đưa các lao động ra bến xe để về quê đoàn tụ với gia đình.

Nỗi lo nợ nần

Chiều 26-2, bạn bè, người thân tập trung ở nhà anh Trần Văn Minh (36 tuổi, P.Hải Tân, TP Hải Dương). Mừng hội ngộ nhưng trong câu chuyện của mọi người luôn ám ảnh mối lo về khoản nợ 50 triệu đồng vay ngân hàng để đi lao động tại Libya của anh Minh.

Anh Minh cho biết ở Libya, anh làm công nhân xây dựng cầu đường cho Công ty AG cách Tripoli (thủ đô Libya) 20km. Sang được hơn hai tháng chưa kịp gửi tiền lương về thì biểu tình, bạo loạn xảy ra. Sau khi công ty bị người biểu tình tràn vào cướp phá nhà kho, lãnh đạo công ty quyết định cho mọi người nghỉ việc và thuê máy bay đưa về nước dù chưa nhận được đồng lương nào. Tuy họ hứa sẽ gửi tiền lương về Việt Nam nhưng với tình hình công ty bị cướp phá như thế không biết còn có tiền để gửi không”.

* Mang thực phẩm, thức uống hỗ trợ người lao động

Sáng 26-2, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Ban chỉ đạo quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu để kịp thời giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình di tản lao động Việt Nam về nước. Sở chỉ huy này sẽ được đặt tại Tunisia, nơi gần Tripoli nhất.

Ông Hưng cho biết hiện nay lao động Việt Nam di tản theo nhiều hướng khác nhau như Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, Ai Cập, Malta... Dù vậy, vẫn còn một số tập trung ở khu vực quanh thủ đô Tripoli của Libya chưa đi được. Sở chỉ huy tiền phương sẽ làm việc trực tiếp với nước sở tại và các doanh nghiệp sử dụng lao động để tìm phương án sơ tán số lao động này.

Chiều 26-2, từ Cairo (Ai Cập), đại sứ Phạm Sỹ Tam cho biết các công ty đang rất tích cực cùng với đại sứ quán đưa lao động về. Trong ngày 26-2 có 310 người rời Cairo và dự kiến hôm nay 27-2 có khoảng 400 người nữa được đưa về Việt Nam. Chiều 26-2, một nhóm khác gồm khoảng 45 người cũng đã báo Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo là họ cách biên giới khoảng 1.000km. Tuy đảm bảo được an toàn, nhưng theo đại sứ Tam, các lao động đều trong tình trạng mệt mỏi vì phải di chuyển hàng ngàn kilômet trong nhiều ngày với điều kiện lương thực hạn chế.

Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong đêm 26 và ngày 27-2, các đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam gồm đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động lên đường đến các nước Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hi Lạp... Các đoàn công tác sẽ mang theo lương thực, nước uống để hỗ trợ người lao động, đồng thời chỉ đạo và hỗ trợ công tác sơ tán với nỗ lực đưa người lao động Việt Nam về nước.

* Lúc 1g33 ngày 26-2, một lao động của Công ty Sona ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình điện thoại cho PV Tuổi Trẻ biết anh cùng hàng trăm lao động Việt Nam và hàng trăm lao động Thái Lan vừa bước lên chuyến xe cuối cùng rời khỏi khu vực sân bay quốc tế Tripoli để ra cảng lên tàu đi Malta. Một cán bộ Công ty Sona xác nhận đến chiều 26-2, toàn bộ 1.300 lao động của công ty đã được di tản khỏi khu vực Tripoli để lên tàu sang Malta.

Theo cục phó Cục Lao động ngoài nước Đào Công Hải, đến nay đã có 4.500 lao động trên tổng số 10.400 lao động Việt Nam di tản khỏi Libya. Cũng theo ông Hải, bảy nước có lao động đang làm việc tại Libya đã đề nghị Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) bỏ ra 90 triệu USD xây dựng các trại tị nạn khắp Libya để đón lao động vào ở trong thời gian chờ phương án về nước. Các nhóm công tác ở năm quốc gia xung quanh Libya sẽ hỗ trợ giấy thông hành giúp các công dân Việt Nam, lao động mất hồ sơ, giấy tờ tùy thân để nhanh chóng về nước.

H.GIANG - Đ.BÌNH - HỒ VĂN - LÊ NAM

gxZ3qhlV.jpgPhóng to
Anh Phạm Thanh Sơn với cánh tay trái bị gãy từ Libya trở về - Ảnh: T.T.D.

Ông Vũ Văn Lợi (46 tuổi, Nam Định), một trong 96 lao động trở về từ Libya trên chuyên cơ QR 688 của Hãng hàng không Qatar, cho biết khi bạo loạn xảy ra, 106 lao động của Công ty Lilama 10 dừng việc và ở tại chỗ để chờ di tản khỏi thành phố Missurata. Ngày 23-2, công ty yêu cầu các tài xế chở anh em di tản đến sân bay quốc tế Tripoli nhưng tất cả họ (người Libya) đều từ chối vì sợ chết. Cuối cùng 95 lao động phải thuê 12 chiếc taxi để di tản khỏi vùng bạo loạn.

“Quãng đường chạy loạn từ công trường đến sân bay Tripoli dài 240km không dành cho những người yếu tim, bởi trên đường đi đầy kẻ bạo loạn và cảnh chết chóc” - ông Lợi kể. Trên đường đi, đoàn taxi của họ gặp hai nhóm bạo loạn đối lập diễu hành trên các đường phố (bên chống và bên ủng hộ chính phủ). Trên quãng đường đó, họ bị chặn lại ở bốn trạm kiểm soát do các nhóm bạo loạn nói trên canh giữ và một trạm của cảnh sát đầy súng ống. Cứ mỗi trạm bị chặn lại, những lao động của Lilama 10 như muốn ngưng thở chờ đợi vì các “lính gác” trên tay đầy gậy gộc, dao quắm với vẻ mặt đằng đằng sát khí. Tuy nhiên sau mấy phút trao đổi với tài xế taxi, biết trên xe toàn là người Việt Nam nên những kẻ bạo loạn đều cho qua.

Anh Trần Hồng Quân nói thêm: “Sợ nhất là cảnh vượt qua đám người tị nạn không có vé máy bay để vào sân bay. Toàn bộ 95 anh em chúng tôi kẻ trước người sau nối tay nhau thành một đoàn tiến vào cửa sân bay, dù có cảnh sát hộ tống nhưng vẫn phải đi trong sợ hãi vì hai bên toàn những người tị nạn sẵn sàng nhảy bổ vào chúng tôi giật lấy vé máy bay”. Cuối cùng sau những phút giây hoảng sợ, 95 lao động đã vào trong cửa sân bay. Chưa hết, trong hai đêm ở sân bay, ngoài cái lạnh thấu xương, 95 lao động của Lilama 10 và hàng ngàn lao động khác của Việt Nam còn hứng chịu những cơn mưa đá trong khi không có áo mưa hay bất cứ thứ gì để che. Thức ăn thì chỉ toàn mì gói sống và bánh mì mang theo cùng với nước lã cầm hơi từ hệ thống vòi nước tại sân bay.

“Thật ra chúng tôi có vé khứ hồi của Hãng hàng không Qatar bay ngày 23-2, nhưng do trục trặc nên chuyến bay dự định không thể đáp xuống được. Đến ngày 24-2, ban giám đốc bên Việt Nam cùng với đối tác đã thuê được chuyến bay MHS 2161 (Air Memphis) đáp xuống sân bay đón chúng tôi. Máy bay vừa cất cánh cũng là lúc sân bay Tripoli thông báo đóng cửa, không cho bất cứ chuyến nào đáp xuống nữa” - anh Hoàng Hải Long (Hà Nội) kể.

Trong đoàn 95 lao động của Lilama 10 quá cảnh tại Tân Sơn Nhất, anh Phạm Thanh Sơn (Hà Nội), một lao động với cánh tay trái đang bó bột do bị gãy tay trước ngày di tản khỏi vùng bạo loạn, được những người đi chung hỗ trợ ra khỏi sân bay.

Theo anh Sơn, ba ngày ở sân bay Tripoli đợi máy bay, anh bị cơn đau ở cánh tay gãy hành hạ đến muốn xỉu vì không có thuốc giảm đau. Đã vậy, phải luôn thấp thỏm lo sợ những kẻ chạy loạn không có vé máy bay làm bậy. “May thay cũng đã thoát khỏi vùng bạo loạn” - anh Sơn nói mà giọng vẫn còn run.

Kỹ sư hóa dầu Công ty dầu khí OXY Lê Hồng Quang kể: “Ngày 23-2 công ty thuê máy bay từ Malta sang Tripoli đón các nhân viên. Sáng 23-2, mọi người lên xe ra phi trường. Cách sân bay chừng 2km, xe chúng tôi không thể nào chạy được nữa vì phía trước là một biển người các quốc tịch, màu da... đang giẫm đạp lên hành lý, xe cộ... để tìm cách tiến về phía sân bay. Khi chỉ còn cách cửa sân bay chừng 10 bước chân, chúng tôi không thể nào bước vào vì cửa hẹp, cảnh sát, quân đội đang đứng chặn, mới bước lên được một bước thì lại bị biển người lôi sang hướng khác...

Lọt qua cửa, cảnh tượng lúc này mới kinh khủng: tại cửa mấy thi thể nằm ngay dưới đất. Trong nhà ga đầy rác rưởi, người ta đánh nhau để giành ghế ngồi, thức ăn, nước uống... Chuyến bay của chúng tôi dự kiến bay lúc 20g ngày 23-2 nhưng đến 11g hôm sau mới cất cánh. Tôi kịp nhắn tin về báo với vợ 30 phút nữa lên máy bay, sau đó điện thoại di động không còn liên lạc được nữa. Tôi không có visa nên cơ quan nhập cảnh Malta yêu cầu quay về Tripoli làm thủ tục... Sau khi năn nỉ và đóng 60 euro, tôi được cấp tạm visa transit (thị thực quá cảnh) để sang Rome, từ đây về Doha rồi về Việt Nam”.

Đ.BÌNH - M.QUANG - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên