03/03/2011 22:03 GMT+7

Sơ tán gần 10.000 lao động Việt Nam khỏi Libya

CHINHPHU.VN - TTXVN
CHINHPHU.VN - TTXVN

Tính đến 15g30 ngày 3-3, 9.751 lao động đã được sơ tán khỏi Lybia. Trong vài ngày tới, dự kiến sẽ có 1 chuyến tàu biển đưa 1.121 lao động từ Libya về đến cảng Hải Phòng.

Read this on Tuoitrenews.vn

MQTFYdto.jpgPhóng to
Lao động Việt Nam tại Lybia ngày trở về - Ảnh: chínhphu.vn

Đó là thông tin mới nhất được Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Công Hải thông báo tại cuộc họp báo chiều 3-3.

Đến nay, chưa có trường hợp lao động nào bị thương vong, tất cả đều đã đến được địa điểm an toàn và đang chờ được đưa về nước. Đêm qua (2-3), chuyên cơ chuyến thứ 2 đã bay sang Tunisia để tiếp tục đón lao động Việt Nam.

Việt Nam cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong việc sơ tán và hỗ trợ lao động về nước.

Tổ chức di dân quốc tế (IOM) đã phối hợp với các cơ quan của Việt Nam sơ tán hơn 3.000 lao động. Đồng thời, dùng kinh phí 90 triệu USD lắp dựng trạm tiếp đón lao động nước ngoài để đưa về vị trí an toàn.

Văn phòng Hợp tác kinh tế Libya tại Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp danh sách, địa điểm lao động còn kẹt sâu ở Lybia để có kế hoạch giúp đỡ sơ tán.

Các nước cùng phái cử lao động sang Lybia như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan… cũng chung tay cùng với Việt Nam di tản lao động ra khỏi vùng nguy hiểm.

Về việc đón lao động tại các sân bay, ông Đào Công Hải cho biết ngoài người của các công ty xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử 3 tổ đón tiếp thay phiên nhau túc trực ở sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trong trường hợp doanh nghiệp chưa kịp hỗ trợ cho lao động, Cục sẽ ứng trước tiền để lao động mua vé tàu xe về địa phương.

Ưu tiên lao động tại Libya tìm việc ở nước khác

Cục cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương trước mắt hỗ trợ về mặt tinh thần, động viên người lao động ổn định cuộc sống.

Chậm nhất là 2 tuần sau khi tất cả lao động về nước, Cục sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thanh lý hợp đồng theo đúng quy định tại Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài quy định của Luật, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu và đề xuất với Chính phủ để có chương trình hỗ trợ cụ thể cho người lao động.

Hiện nay, Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động ở các địa phương cũng có chính sách riêng hỗ trợ lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề để lao động có cơ hội đi làm việc ở các thị trường khác và có chính sách ưu tiên cho lao động tại Libya.

Lao động Việt Nam tại Libya chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng. Cục đã phối hợp với doanh nghiệp rà soát lại các thị trường cần lao động xây dựng để giới thiệu. Ông Đào Công Hải khẳng định, nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi và tiếp tục được vay vốn để đóng phí.

8.252 lao động VN tại Lybia đã đến các nước lân cận để chuẩn bị về nước

Tính tới 15g30 hôm nay 3-3, các đối tác và chủ sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai việc đưa 9.751 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp, Algeria… Trong đó, 8.252 người đã đến được các nước này.

Cụ thể: 841 người đã sang Ai Cập; 943 người đang làm thủ tục nhập cảnh Hy Lạp; 1.519 người đã nhập cảnh Malta; 1.314 người đã sang Tunisia; 2.514 người đã sang Thổ Nhĩ Kỳ. Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Công Hải cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 3-3, tại Hà Nội.

Dự kiến, trong vài ngày tới, sẽ có một chuyến tàu biển đưa 1.121 lao động Việt Nam từ Libya về cập bến cảng Hải Phòng. Chuyến tàu này đã lên đường sáng 3-3. Song chưa thể dự báo chính xác về thời điểm về đến Việt Nam của chuyến tàu này.

Ông Đào Công Hải cho biết thêm: Sáng nay, đại diện Văn phòng Hợp tác kinh tế của Libya tại Hà Nội đã đề nghị Cục Quản lý Lao động ngoài nước thống kê danh sách lao động còn kẹt lại ở Lybia để tìm cách đưa ra khỏi biên giới.

Cũng trong hôm nay, năm đoàn công tác của Việt Nam đã có mặt tại năm quốc gia lân cận Libya, trong đó, đại bản doanh được đặt tại Tunisia.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã cử ba tổ đón lao động từ Lybia về nước, thay phiên nhau làm việc tại sân bay Nội Bài.

Những ngày qua, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã hợp tác rất tốt với các tổ chức quốc tế như Tổ chức di dân Quốc tế (IOM). Tổ chức này đã chi 90 triệu USD để lắp dựng các trạm đón tiếp lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam, để đưa về vị trí an toàn, cung cấp thực phẩm, nước uống, vận chuyển người ra sân bay…

Về việc hỗ trợ lao động từ Lybia về nước, ông Đào Công Hải cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu đầu tiên là sơ tán lao động về nước an toàn. Tiếp đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cho người lao động, trong thời gian ngắn nhất (2 tuần).

Việc thanh lý hợp đồng được thực hiện theo Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tham mưu và đề xuất một chương trình hỗ trợ cho các lao động về theo từng đối tượng (đã đi làm việc dưới 6 tháng, 1 năm hay trên 1 năm…). Nếu người lao động từ Lybia về có nhu cầu đi lao động tiếp tại các quốc gia khác, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm hỗ trợ về đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng…

Hiện các địa phương đều có cơ chế, giải pháp riêng trong chỉ đạo xuất khẩu lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị các địa phương hỗ trợ đào tạo, ưu tiên cho lao động từ Libya về nước có cơ hội đi làm việc ở nước thứ ba. Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã và đang rà soát lại các thị trường cần lao động xây dựng, vì số lao động từ Lybia về đều làm trong lĩnh vực này, ít phải đào tạo lại.

Chính phủ đã có chủ trương cho khoanh nợ đối với lao động từ Lybia về. Nếu người lao động có nhu cầu đi lao động xuất khẩu tiếp sang thị trường khác thì sẽ tiếp tục được vay vốn.

Ngày 3-3, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Chủ tịch Hội, ông Trần Ngọc Tăng đã gửi thư tới Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế, các Hội Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc gia Libya, Ai Cập và Tunisia kêu gọi giúp đỡ lao động Việt Nam tại Libya.

Mặc dù Chính phủ nước ta đã rất nỗ lực song do số lượng người quá đông, không thể di tản hết trong thời gian ngắn. Hiện vẫn còn khoảng 4.000 người Việt Nam mắc kẹt tại Libya. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong Hiệp Hội và các Hội Quốc gia Libya, Ai Cập và Tunisia tiếp tục hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cũng như hỗ trợ về tinh thần đối với những người này.

Trong những ngày qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng tích cực liên hệ với Hội Trăng lưỡi liềm đỏ các nước Libya, Ai Cập, Tunisia, Angeri, Iran, Maroc, Baranh, Arập-Xêut…, đề nghị Hội các quốc gia tại các nước này tham gia cứu trợ, hỗ trợ những người lao động Việt Nam tại Libya và tại các quốc gia lân cận.

Đối với người lao động Việt Nam tại Libya đã về nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đề nghị các tỉnh, thành Hội tới thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng người để có biện pháp trợ giúp hoặc vận động trợ giúp thích hợp trong thời gian tới.

* Tin bài liên quan:

Lập cầu hàng không giải cứu lao độngLao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súngThêm 523 lao động từ Libya trở vềCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaTrở về từ Libya: mừng và lo

CHINHPHU.VN - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên