02/03/2011 07:40 GMT+7

Lao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súng

LÊ NAM (từ Cairo, Ai Cập)
LÊ NAM (từ Cairo, Ai Cập)

TT - 6g35 ngày 1-3 (giờ Ai Cập), chuyến chuyên cơ Boeing (324 ghế) số hiệu VN-A151 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Cairo. Cùng theo chuyến chuyên cơ, phóng viên Tuổi Trẻ có bài ghi nhận về tình hình di tản người lao động VN tại khu vực này.

Read this on Tuoitrenews.vn

jawrOJlA.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Việt Hải, đại diện Công ty Amco-Vinamex, nói chuyện với lao động VN tại sân bay Cairo - Ảnh: Lê Nam

Chuyến bay VN-A151 có nhiệm vụ đưa lao động VN ở Libya về nước, trên máy bay có mang theo hơn 9 tấn hàng hỗ trợ các lao động VN đang kẹt ở Ai Cập và một số nước láng giềng xung quanh Libya.

Ưu tiên tối đa cho người lao động

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết hai chuyến bay khởi hành sáng 1 và 2-3 khởi đầu cho các chuyến bay từ VN sang các nước xung quanh Libya đón những lao động VN. “Chúng tôi dành máy bay lớn nhất, có sức chở nhiều nhất để chở lao động về nước. Do ưu tiên tối đa chỗ ngồi cho người lao động, nên khi kết thúc chiến dịch các nhân viên Vietnam Airlines có thể sẽ phải về bằng ngả khác”.

Chỉ sợ không ra khỏi Libya

Sân bay quốc tế Cairo không tấp nập như chúng tôi tưởng. Tại sảnh 1 của ga đi, chúng tôi gặp Tùng (quê Sóc Sơn, Hà Nội) đang hối hả chuẩn bị bước vào khu vực soi chiếu để làm thủ tục lên máy bay. Tùng làm việc cho Công ty Amco-Vinamex, anh cho biết sắp được công ty đưa về. “Tôi sắp về nhà rồi, vui quá nhưng cũng còn mấy anh em nữa đang còn kẹt lại” - Tùng tâm sự.

Theo lời chỉ dẫn của Tùng, chúng tôi tìm xuống phòng chờ nằm âm dưới đất của sân bay quốc tế Cairo, nơi đang còn lại 160 lao động VN của Công ty Amco-Vinamex đang chờ được đưa về VN. Một trong ba nhân viên an ninh người Ai Cập cao to, vạm vỡ tay cầm súng chặn chúng tôi lại ngay cửa, yêu cầu không được vào, không chụp hình. Năn nỉ mãi chúng tôi mới được phép ngồi ngay sau lưng dãy ghế của nhóm bảo vệ để nói chuyện với các lao động VN.

Anh Vương Văn Thắng (36 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang ngồi sạc điện thoại, cho biết đoàn của anh có 375 lao động rời Qubbah (Libya) qua Ai Cập trên những chiếc xe tải nặng vào sáng sớm 24-2. Mấy trăm người ngồi trên xe mà lòng như lửa đốt, chỉ sợ không ra khỏi Lybia, ở đâu cũng nghe tiếng súng nổ. “Chẳng may có loạt đạn lạc nào vào đoàn xe thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chúng tôi chỉ nhìn nhau thầm cầu khấn tai qua nạn khỏi” - anh Thắng nói.

Trong chuyến chạy loạn, các lao động chỉ kịp mang theo những đồ dùng cần thiết và một ít lương thực. Đoàn xe chạy đến tối 24-2 thì tới cửa khẩu Sallouml (biên giới Ai Cập - Libya). “Ngoài đoàn chúng tôi, ở đó còn cả một biển người đang chờ qua biên giới” - anh Phạm Văn Hùng (40 tuổi, quê Thái Bình) kể. Theo anh Hùng, tất cả mọi người trải đồ ra nằm trên lề đường chờ người của đại sứ quán đến đón. Lương thực chỉ còn chút ít, một số anh em có tiền đi tìm mua đồ ăn nhưng chẳng mua được gì, đành phải chia nhau vài thứ còn lại. Sáng 25-2, người của đại sứ quán tới và mang theo đồ ăn. Do chưa có xe nên đoàn người lao động VN phải ở lại một đêm nữa ở biên giới Ai Cập - Libya. Ngày 26-2 mới có xe buýt chở tới sân bay quốc tế Cairo.

“Về nhà rồi”

Khi chúng tôi đến sân bay Cairo cũng là lúc anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ của Vietnam Airlines, đưa 200 lao động ra cầu thang máy bay để về nước. Qua lời anh Nam kể lại, vừa đến chân cầu thang máy bay, toàn bộ lao động VN vỡ òa niềm vui, nhiều người nhảy nhót tưng bừng, có người còn hét vang: “Về nhà rồi!”.

Nói chuyện với những lao động VN chưa có suất bay, ông Nguyễn Việt Hải - đại diện Công ty Amco-Vinamex - thông báo: “Sáng nay đã có 209 người về nước, 160 anh em còn lại yên tâm nghỉ ngơi, ráng chịu cực một ngày nữa sẽ có máy bay đưa tất cả về nước trong ngày mai (2-3). Tôi sẽ ở lại đây sát cánh cùng anh em đến khi nào người lao động cuối cùng được lên máy bay”.

Tại sân bay Cairo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng - trưởng đoàn công tác - cho biết tất cả nhân viên đại sứ quán đã được phân công đến các điểm biên giới với Libya hoặc ra các sân bay để đón lao động VN. Ông Hưng nói mẹ của đại sứ VN tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam vừa mất hôm 28-2, nhưng ông Tam vẫn phải ở lại để xử lý các vấn đề của người lao động VN. Đoàn công tác đặc biệt cũng sẽ cử người sang Malta đón các lao động VN ở đây.

● Tổng rà soát lao động VN tại Oman và Bahrain

Chiều 1-3, ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN, cho biết 500 lao động VN bị đối tác bỏ rơi kẹt lại ở vùng chiến sự Tripoli (Libya) và bị cướp hết lương thực, thực phẩm đã được di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm để di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến hôm nay số lao động này về tới VN.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, chuyến chuyên cơ của Vietnam Airlines chở 318 người hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào 23g ngày 1-3. Trước đó, có khoảng 50 lao động về đến sân bay Nội Bài và 18 lao động về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Như vậy tính đến hết ngày 1-3, gần 1.500 lao động VN đã được đưa về nước qua đường hàng không. Dự kiến ngày 2 và 3-3 sẽ có thêm 1.000 lao động về nước.

Cũng trong ngày 1-3, có 9.189 lao động VN di tản ra khỏi Libya, đến các nước láng giềng như Ai Cập, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia... Ngoài ra, khoảng 700 người tiếp cận biên giới Tunisia và Algeria, 300 người ở biên giới Ai Cập. Khoảng 1.000 lao động còn kẹt lại hải cảng Benghazi (Libya), 1.000 lao động khác còn kẹt lại Tripoli và khu vực phía nam Libya.

Đại sứ VN Nguyễn Quang Khai tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cho biết tình hình ở Oman và Bahrain không phức tạp như Libya nhưng cũng đã có bạo động. Trong khi đó tại hai nước này có khoảng 1.000 lao động VN (chừng 800 người ở Oman, 200 người tại Bahrain). “Con số lao động cụ thể và do doanh nghiệp nào đưa đi thì sứ quán không biết, họ không báo cáo cũng như đăng ký với sứ quán. Chúng tôi đã điện về cho Ban chỉ huy giải quyết tình hình công dân VN tại Trung Đông và Bắc Phi chỉ thị cho các doanh nghiệp báo cáo đầy đủ số lượng lao động, khu vực làm việc ở hai nước này” - đại sứ Khai cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cục đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Bahrain và Oman thực hiện gấp việc rà soát tổng số lao động đã đưa đi, đồng thời chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Bahrain và Oman khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình...

HỒ VĂN - MINH QUANG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thêm 523 lao động từ Libya trở vềCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaTrở về từ Libya: mừng và loEU thông qua gói trừng phạt LibyaLibya: phe chống đối tiến dần về thủ đô

LÊ NAM (từ Cairo, Ai Cập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên