Phóng to |
Các lao động VN từ Libya trở về chuẩn bị làm thủ tục nhập cảnh - Ảnh: V.DŨNG |
Đây đều là những lao động do Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) đưa đi. Trong đó có một số lao động đã từng sống nửa tháng thấp thỏm trong các trại tập trung ở Tripoli.
Tại sân bay, ông Nguyễn Văn Thọ (39 tuổi, ở Hưng Yên) rơm rớm nước mắt nghẹn ngào: “Về đến đây là hạnh phúc lắm rồi, mấy ngày trước bạo loạn xảy ra tôi chẳng biết sống chết ra sao, không nghĩ là mình được may mắn về sớm thế này”. Ông Võ Việt Đồng (35 tuổi, ở Hưng Nguyên, Nghệ An) như chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại những ngày nằm trại tập trung ngay gần sân bay Tripoli.
Ông Đồng cho biết mới làm việc được hai tuần, chưa kịp nhận đồng lương nào thì nổ ra bạo loạn nên công trường nghỉ. Từ ngày 20-2, tất cả lao động được Công ty Odebrecht (Brazil - đối tác của Sona) cho nghỉ, dồn vào trại tập trung. “Trại của bọn mình còn tốt, lương thực được cấp đầy đủ, lại được thuê máy bay riêng cho về. Những ngày sống ở trại, chỉ lo mỗi tính mạng mình, tiếng súng cứ nổ bên cạnh”.
Anh Phạm Văn Toản (26 tuổi, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) tâm sự: “Vợ chồng tôi mới sinh con, nhà túng bấn quá, lại chẳng có nghề nghiệp gì nên nghe khuyên bảo đi xuất khẩu lao động mong đổi đời, kiếm thêm tiền nuôi con nhỏ”.
Ngoài vay mượn người thân hơn 10 triệu đồng, vợ chồng anh phải bấm bụng vay 20 triệu đồng lãi ngày để đủ tiền đi Libya. Giờ về nước tay trắng sau hơn một tháng xuất cảnh, Toản không biết sẽ lấy đâu tiền trả lãi vì mỗi ngày phải trả 400.000 đồng cho 20 triệu vay lãi ngày. “Vẫn biết về được đây lành lặn là tốt rồi, nhưng quả thật tôi vẫn không muốn về thế này. Nếu công ty không sớm trả tiền thì vợ chồng tôi biết lấy đâu tiền trả lãi, rồi lãi mẹ đẻ lãi con nữa...”.
Ông Đoàn Đại Thành, chủ tịch HĐQT Sona, cho biết toàn bộ 440 lao động đi trong chuyến bay của Hi Lạp là người do Sona cử đi. Trong số này, nhiều người đã làm được một năm trở lên nhưng cũng có nhiều lao động mới chỉ sang được hơn một tháng.
Chia sẻ với tâm trạng của lao động, ông Đoàn Đại Thành thừa nhận: “Số lao động này mới sang làm nay phải về là rất đáng tiếc. Chúng tôi tiếc cho người lao động và cũng tiếc cho cả mình vì đối tác là rất tốt, nếu không có vụ việc này thì Libya cũng là thị trường thích hợp cho người lao động giảm nghèo. Nay lao động thiệt, chúng tôi cũng chưa thể tính hết thiệt hại của mình, chắc chắn là không ít”. Về hỗ trợ, theo ông Thành, “trước mắt, Sona sẽ hỗ trợ như quy định của Chính phủ. Còn về lâu dài cũng cần Nhà nước có quy định và hỗ trợ vì lần này những hơn 10.000 lao động chứ không phải ít”.
Có cướp bóc ở khu trú ngụ của lao động VN Chiều 27-2, một bạn đọc là người thân của lao động Nguyễn Văn Thành (xóm 20, xã Đông Hòa, TP Thái Bình) cho biết anh Thành có điện về từ Libya nói khu vực anh và hàng trăm lao động đang trú ngụ tại Tripoli đã bị người dân bản địa vào cướp bóc lương thực, thực phẩm. Cùng ngày, ông Lê Văn Thanh - cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước - xác nhận có tình trạng người dân Libya cướp bóc lương thực, thực phẩm của lao động VN tại một vài nơi ở khu vực Tripoli và Missurata. Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp yêu cầu lao động không chống lại các hành động cướp bóc nhằm bảo đảm an toàn tính mạng trên hết. Theo ông Thành, nếu không có gì thay đổi, 1g30 sáng 28-2 có thêm 200 lao động bay về Hà Nội từ Malta. * Tính đến nay đã có tổng cộng trên 900 lao động VN từ Libya trở về nước. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, có hơn 5.500 lao động VN được sơ tán khỏi Libya an toàn và hiện đang ở các nước thứ 3, chủ yếu là các trại tị nạn dọc biên giới các quốc gia láng giềng với Libya. Hơn 4.500 lao động Việt Nam vẫn ở Libya và đang được di tản sang các nước khác. Hỗ trợ lao động về nước trước thời hạn Một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ cùng với đối tác lên kế hoạch giải quyết chính sách hỗ trợ đối với người lao động trở về từ Libya. Theo đó, lao động ở Libya về nước nằm trong trường hợp bất khả kháng. Việc giải quyết quyền lợi theo nguyên tắc: nếu làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới, làm trên 1/2 thời gian hợp đồng không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng. Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng về quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động về nước với nhiều lý do khách quan khác nhau sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Trong trường hợp người lao động VN ở Libya mới về nước được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề trong 12 tháng kể từ ngày về nước, lãi suất vay 0%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận