14/07/2017 13:46 GMT+7

Tường thuật chiến trường của nhà báo sống sót

(SAMUEL FOREY,  báo Le Figaro) - LY LA biên dịch
(SAMUEL FOREY, báo Le Figaro) - LY LA biên dịch

TTO - Đặc phái viên của Le Figaro (Pháp), Samuel Forey, vừa được trao giải thưởng danh giá Albert-Londres 2017, là người duy nhất sống sót trong nhóm bốn nhà báo bị nạn mới đây khi đi theo đoàn quân tinh nhuệ giải phóng Mosul.

Lính đặc nhiệm của Iraq tiến vào giải phóng Mosul - Ảnh: NYT
Lính đặc nhiệm của Iraq tiến vào giải phóng Mosul - Ảnh: NYT

Ý thức tôi gào thét rồi kêu khóc. Tôi đã mất một người anh em

Samuel Forey

Anh kể lại những giờ phút bi kịch khiến ba đồng nghiệp tử nạn.

Tiến cùng đoàn quân

Tôi chợt thức giấc sau một đêm ngắn, một giấc ngủ chập chờn với những tiếng động chiến tranh - những trận bom ầm vang, tiếng lên đạn khô khốc.

Trận chiến Mosul sôi sục cách không đầy một cây số, ở trung tâm hang ổ cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Thành phố cổ, vạc dầu nóng bỏng của những trận đánh với những con ngõ quanh co, những căn nhà xiên xẹo là nơi trú ẩn của vài trăm quân thánh chiến vẫn tiếp tục chiến đấu.

 Mới 5h30, ánh sáng ban ngày đã rọi vào căn phòng nhỏ của ngôi nhà sang trọng được trung tá Mohannad el Tamimi trưng dụng.

Ông là người chỉ huy tiểu đoàn 1 của lực lượng đặc nhiệm Iraq (ISOF-1). Đơn vị đặc nhiệm đầu tiên này được lực lượng mũ xanh Mỹ đào tạo, sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ tháng 3-2003.

 Là đơn vị tinh nhuệ nhất của Iraq, tiểu đoàn đã bắt đầu cuộc tiến công vào hôm trước đó để nhổ đi thành trì cuối của lực lượng thánh chiến. 

“Một ngày xui xẻo, quân thánh chiến xuất hiện khắp nơi. Chúng tôi tiến được khoảng 100m. Một trận chiến mới khởi đầu” - trung tá Mohannad nói.  

Sở dĩ chúng tôi được đi theo để đưa tin về cuộc tiến công chung cuộc này là nhờ Véronique Robert, nữ phóng viên chiến trường, luôn có mặt ở tiền phương, có nhiều quan hệ đặc biệt với các quân nhân Pháp và Iraq nên mở được những cánh cửa tưởng chừng đóng kín.

Cô muốn làm phóng sự điều tra cho chương trình truyền hình mang tên “Đặc phái viên” về quân thánh chiến quốc tịch Pháp ở Mosul.

Còn tôi muốn chứng kiến trận chiến cuối cùng với đơn vị thiện chiến nhất của Iraq, sau ba năm viết về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

 Tôi đến Iraq lần đầu vào tháng 6-2014 khi IS vừa chiếm được Mosul. Cũng vào lúc đó tôi gặp Bakhtiyar Haddd, người hướng dẫn cho các phóng viên nước ngoài sau thời gian làm phiên dịch cho lãnh sự quán Pháp.

Tình bạn giữa chúng tôi dần thắm thiết hơn với thời gian sau những đợt chạy trốn đạn súng cối, rocket, đêm về nằm cạnh nhau kể cho nhau nghe chuyện đời và những giấc mơ hậu Mosul...

Véronique Robert sau đó được tăng viện bởi Stéphan Villeneuve, phóng viên ảnh nhiều kinh nghiệm.

Anh này khiêm tốn nói: “Ở Trung Đông cần phải học hỏi mọi thứ vì sự việc luôn khác nhau”. Cả bốn chúng tôi đều đồng ý là phải thận trọng.

Đối mặt cái chết

Vừa uống tạm xong tách trà, chúng tôi tiến về thành phố cổ trong một chiếc xe bọc thép của đơn vị 36. Mosul vào 6h sáng vừa mới tỉnh thức, trống rỗng và thinh lặng.

Chiến tranh có những tiếng động và cũng có những giây phút yên lặng. Chiến tranh truy sát cuộc sống như một ngọn lửa rừng thiêu cháy thú hoang và cây rừng. Khi cuộc chiến tạm ngưng, sự yên lặng ngự trị, mênh mông và tối cao.

 Chúng tôi tiến dần từng chút một. Những ngôi nhà trở nên san sát, những con ngõ chật hẹp hơn trông như những chồi cây lớn. Cần phải ra khỏi chiếc xe bọc thép, xe cộ không thể đi vào phố cổ được. Stéphan và tôi mở đường cùng một đội hình của đơn vị 36.

Từ đống đổ nát này sang đống đổ nát khác, chúng tôi tiến về phía một tòa nhà chỉ còn lại khung xương, trước đây là một trường học. Cả đoàn chiếm một gian nhà trống ở giữa. Ngoài kia đã là thành phố cổ rồi.

Chỗ trú ẩn rất vững chắc, nhanh chóng tiếp nhận khoảng 100 người lính. Họ đi vào từng nhóm nhỏ, lính phá mìn đi đầu tiên để giải phóng các khu vực phía trước.

Vào 7h sáng, cuộc tấn công bắt đầu được điều phối bởi thiếu tá Raji Zaghir Adb, bản đồ tác chiến trên tay: “Kiểm tra từng căn nhà một, từ từ thôi. Báo cáo vị trí thường xuyên”.

Từng người một, đội hình tiến vào phố cổ. Họ trông giống các nhà thám hiểm hơn là một đoàn quân tác chiến.

Cuộc tấn công bị đáp trả. Quân thánh chiến nổ súng dồn dập vào trường học. Súng cối, rocket, những phát súng liên tục chĩa vào chúng tôi. Trong nơi trú ẩn, tôi bắt chuyện với Stéphan: “Chào mừng đến Mosul. Ồn ã nhỉ”.   

Sau bốn tiếng dài dằng dặc, tiếng súng ngưng lại. Quân đội Iraq đề nghị chúng tôi đi theo một đội hình. Chúng tôi ra khỏi sân trường, vượt qua một cánh cổng hư nát gắn vào một bức tường bị nứt vỡ và đi vào thành phố cổ.

Từ bước nhảy này sang bước nhảy khác, chúng tôi phát hiện một thế giới khủng khiếp, chưa bao giờ phức tạp và nguy hiểm đến thế.

Trước đây quân thánh chiến tấn công bằng xe gài chất nổ - những quả bom di động lao vào toán quân. Bây giờ thì chất nổ được nhồi vào những quả mìn thủ công chỉ cần chạm nhẹ là phát nổ.

Chúng tôi lần lượt đi qua hai, ba, bốn rồi năm căn nhà. Tiền tuyến đã cận kề, và cùng với đó là sự nguy hiểm. Lại vượt qua từng lối mòn, từng căn nhà một, phơi mình trước mũi súng những kẻ bắn tỉa.

Lính Iraq ở phía sau vẫy chào chúng tôi. Gặp một chòi canh, tôi len vào. Bakhtiyar nói: “Samu coi chừng, có thể bị gài mìn đó”. Và rồi thế giới bùng vỡ.

Một bức tường không khí, sức nóng và mảnh vỡ tấn công vào tôi làm tôi trở nên điếc đặc, mù lòa.

Tôi loạng choạng trong chòi, cố gắng không dịch chuyển nhiều vì có thể còn những quả mìn khác xung quanh. Tôi tin rằng da mặt mình bị xé rách, rồi máu trào ra từ mắt.

Thông qua đám bụi tôi nhận ra các đồng nghiệp nằm dài trên đất, trước chòi bất tỉnh, da thịt cháy khét.

Tôi gào lên bằng tiếng Ả Rập: “Có ba nhà báo Pháp bị thương!”. Một người lính đến đưa tôi ra khỏi chòi, chỉ cho tôi chiếc xe bọc thép, tôi leo lên và được chở đi.

 Năm phút sau, tôi đến trạm y tế tiền phương đầu tiên, gặp được một người bạn là nữ y tá Mỹ Alex Potter, xuất hiện cứ như là một thiên thần.

Cô nói: “Anh không sao, nhưng còn những người bị thương khác không?”. Tôi giải thích trong lúc được băng tạm khuôn mặt. Một y tá nam nói: “Bình tĩnh, hôm nay anh suýt chết đấy”. Tôi nghĩ đến các đồng nghiệp, có lẽ họ cũng lừa được tử thần?

Rồi tôi trông thấy họ được đưa đến trên những chiếc băngca. Nặng lắm. Tôi lên một xe cấp cứu cùng với Véronique. Nữ y tá Alex giữ đầu Véronique, còn tôi tay phải cầm chai oxy, tay trái nắm lấy bàn tay cô.

Mỗi lần xe bị xóc, cô nắm chặt tay tôi, khuôn mặt biến dạng vì đau đớn. Véronique vẫn tỉnh táo, tôi nói với cô: “Mọi việc sẽ ổn, chúng ta được chăm sóc tốt”. Người tài xế xe cấp cứu mở đường bằng cách bắn những phát chỉ thiên.

Trạm y tế tiền phương thứ hai được điều hành bởi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, nằm cách phía nam Mosul 10km. Tôi cố tự đi về phía giường bệnh. Các nhân viên giúp tôi nằm xuống và cởi quần áo. Ngoài đôi mắt bỏng cháy, tất cả đều ổn.

Vài mảnh đạn dưới da, ở cánh tay trái và trên mặt. Điện thoại tôi rung không ngừng. Một người bạn báo tin: “Bakhtiyar chết rồi !”. Ý thức tôi gào thét rồi kêu khóc. Tôi đã mất một người anh em.

Bên cạnh, người ta lo cho Stéphan. Anh bị nặng lắm. Trên chuyến bay về một căn cứ Mỹ, Stéphan khuôn mặt bị băng kín, vây quanh là các y tá. Bị cột chặt vào ghế ngồi, tôi trút hận thù, phẫn nộ và nỗi buồn vào những gì đã trải qua. Ngọn gió từ cánh quạt trực thăng thổi vào mặt tôi một không khí nóng, bụi bặm, đầy khói và cái chết...

Stéphan Villeneuve cũng không qua khỏi đêm đó. Người phóng viên ảnh thở hơi cuối cùng tối 19-6 tại Baghdad Diplomatic Security Center, một bệnh viện gần sân bay thủ đô Iraq. Còn nữ phóng viên Véronique Robert cũng đã chết do vết thương quá nặng. 

_________________________

Kỳ tới: Chỉ còn là gạch vụn

Xem kỳ trước:

>> Kỳ 1: Mosul thất thủ

(SAMUEL FOREY, báo Le Figaro) - LY LA biên dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên