13/07/2017 14:15 GMT+7

Tái chiếm Mosul - Kỳ 1: Mosul thất thủ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cách đây hơn ba năm, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đánh chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Lần đầu tiên chúng đã kiểm soát hoàn toàn một tỉnh của Iraq. Toàn đất nước Iraq rúng động.

*** Error ***
Dòng người tản cư khỏi Mosul ngày 12-6-2014 - Ảnh: AP

 

“Nếu chúng ta không ngăn chặn (chúng) ở ranh giới tỉnh Nineveh, cuộc tiến công (của ISIL) có thể mở rộng trên toàn lãnh thổ Iraq

Chủ tịch Quốc hội Iraq Osama al-Nujaifi

Ngày 6-6-2014, IS lúc bấy giờ còn mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã tấn công thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, cách thủ đô Baghdad 350km. Trận đánh chỉ kéo dài bốn ngày. Mosul thất thủ, kế đến toàn tỉnh Nineveh rơi vào tay quân khủng bố.

Ngày đen tối của Iraq

Rạng sáng 6-6-2014, quân ISIL tấn công Mosul từ nhiều hướng. Năm tên đánh bom liều chết tấn công kho đạn ở hướng nam Mosul. Tối cùng ngày, quân đội Iraq tuyên bố đã kiểm soát 90% thành phố. Phần lớn quân ISIL rút ra sa mạc hay trà trộn trong dân địa phương.

Giao tranh tiếp tục diễn ra từng đợt trong hai ngày kế tiếp. Lúc 16h ngày 9-6-2014, ở hướng tây Mosul, một phần tử ISIL lái xe bồn chở đầy chất nổ đánh bom liều chết trước khách sạn lớn nơi quân đội và cảnh sát lấy làm chỗ đóng quân.

Tối cùng ngày, hàng trăm tay súng tấn công dinh tỉnh trưởng tỉnh Nineveh. Sau đó chúng tiếp tục di chuyển về hướng nam đánh các mục tiêu quan trọng như doanh trại quân đội, sân bay, trại giam. Giao tranh diễn ra suốt đêm. Rạng sáng 10-6-2014, chúng chiếm toàn bộ thành phố Mosul.

Các đơn vị quân đội và cảnh sát Iraq tan rã hoàn toàn. Cấp trên ra lệnh di tản.

Suốt ngày 10-6-2014, quân ISIL phát ra rả câu “Nhà nước, Nhà nước Hồi giáo” trên loa phát thanh. Chiêu tuyên truyền này càng làm cho các binh sĩ và cảnh sát Iraq mất tinh thần. Cờ đen của ISIL tung bay trên khắp các công sở.

ISIL đã chiếm được nhiều chiến lợi phẩm của quân đội bỏ lại và kho tiền mặt từ các ngân hàng ở Mosul. Tỉnh trưởng tỉnh Nineveh khẳng định chúng đã chiếm được khoảng 425 triệu USD tiền ngân hàng.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi thông báo toàn tỉnh Nineveh đã rơi vào tay quân khủng bố. Bộ Nội vụ thông báo: “Thành phố Mosul - thủ phủ tỉnh Nineveh từ nay đã nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và đã rơi vào tay quân nổi loạn dòng Sunni.

Chúng đã thông qua loa phát thanh cho biết chúng đến để giải phóng Mosul và chúng chỉ đánh những người tấn công chúng. Các binh sĩ và cảnh sát đã cởi bỏ binh phục... Các chốt gác của quân đội và cảnh sát trong thành phố bị bỏ không...”.

Chính quyền người Kurd cho biết hơn 10.000 binh sĩ Iraq đã chạy vào lánh nạn trong khu vực tự trị của người Kurd.

Hàng ngàn người dân cuống cuồng tản cư khỏi Mosul. Có người lo sợ quân đội tổ chức phản công. Nhiều người khác là giáo dân Công giáo hay tín đồ dòng Shiite lại sợ bị quân ISIL (dòng Sunni) bức hại.

Theo Tổ chức Di dân quốc tế, đã có nửa triệu dân tản cư khỏi Mosul.

Chuyện kể của tỉnh trưởng

Vào thời điểm Mosul thất thủ, ông Atheel al-Nujaifi (56 tuổi) giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Nineveh. Anh cả của ông chính là Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi. Tối 9-6-2014, ông đã thoát khỏi vòng vây của quân ISIL, sau đó chạy sang Irbil thuộc khu tự trị người Kurd ở miền bắc cách Mosul khoảng 100km.

Sau này ông thuật lại ngày 6-6-2014, hay tin ISIL đã tập trung quân ở hướng tây Mosul, ông đã gọi điện cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nineveh. Quân đội trả lời đã sẵn sàng chiến đấu.

Hai ngày sau đó, ông gọi đến Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mosul. Lãnh sự báo lại đang trú ở nơi an toàn trong lãnh sự quán. Ông nhắn nhủ trong thời điểm nguy hiểm này lãnh sự nên chuẩn bị trước mọi tình huống.

Đến khi quân ISIL tiến vào Mosul và chiếm được ba khu phố, hai sĩ quan quân đội trong bộ tham mưu đến Mosul và trấn an rằng tình hình nằm trong vòng kiểm soát.

Sáng 10-6-2014, họ tiếp tục khẳng định: “Tất cả trong vòng kiểm soát. Trong một giờ nữa chúng tôi sẽ tái chiếm thành phố. Chúng tôi đã có kế hoạch rồi”.

Thế nhưng chưa đầy một tiếng sau, họ lên máy bay trực thăng “đánh bài chuồn” khỏi Mosul. Sau khi Mosul thất thủ, lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị quân ISIL bắt giữ.

Khi tháo chạy khỏi Mosul, quân đội Iraq bỏ lại tất cả gồm xe quân sự, vũ khí, 4.000 khẩu súng máy hạng nặng, pháo binh và trực thăng.

Ông Atheel al-Nujaifi cho biết quân đội hoàn toàn không phối hợp gì với chính quyền tỉnh, bởi thế ông không hay biết quân đội rút đi. Trong khi đó, quân ISIL tiến vào thành phố như chỗ không người. Lực lượng của chúng không đông nhưng được các phần tử dòng Sunni giúp đỡ.

Sau khi quân đội di tản chiến thuật khỏi Mosul, các đơn vị chiến đấu người Kurd đã lập phòng tuyến để ngăn chặn đà tiến công của ISIL. 250.000 quân người Kurd đã được triển khai.

Chiếm được tỉnh Nineveh, ISIL đã hoàn thành mục tiêu phối hợp thông suốt hai mặt trận ở Iraq và Syria. Chúng nhanh chóng tiến quân về Baghdad và chỉ bị đánh chặn cách Baghdad khoảng 50km về hướng bắc.

Ngày 19-6-2014, tức gần hai tuần sau khi chiếm Mosul, ISIL đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tuyên bố đặt thủ đô tại Raqqa (Syria).

Cảnh sát Iraq bắn pháo vào IS ở Mosul tháng 10-2016- Ảnh: Reuters
Cảnh sát Iraq bắn pháo vào IS ở Mosul tháng 10-2016 - Ảnh: Reuters

Chiến dịch tái chiếm Mosul

Hai năm 4 tháng sau ngày thành phố Mosul rơi vào tay quân ISIL, Chính phủ Iraq quyết định tái chiếm Mosul.

Quân đội Mỹ đánh giá có từ 3.000-5.000 quân IS cố thủ bên trong Mosul, gồm 1.000 quân dự bị là các tay súng nước ngoài và số còn lại được triển khai ở khu vực xung quanh. Phần lớn quân IS là công dân Iraq cư trú trong khu vực.

Phía Iraq tấn công giải phóng Mosul gồm khoảng 100.000 quân gồm các đơn vị quân đội, cảnh sát, lực lượng người Kurd, các đơn vị dân quân dòng Shiite và dòng Sunni cùng với pháo binh, xe tăng. Trong đó có 40.000 binh sĩ quân đội và 40.000 binh sĩ người Kurd.

Đơn vị mũi nhọn của quân đội Iraq là sư đoàn “con cưng” lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố. Sư đoàn này từ 2.000-2.600 quân, chia thành ba lữ đoàn và 13 tiểu đoàn. Trong tấn công, quân đội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị người Kurd và dân quân tự vệ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai từ 1.500-2.000 quân chiến đấu bên cạnh lực lượng người Kurd và dân quân dòng Sunni.

Liên quân bán quân sự Hashd al-Sha’bi (Các đơn vị động viên nhân dân) mới thành lập năm 2014 theo dòng Shiite. Nhóm mạnh nhất trong liên quân là Ketaeb Hezbollah (Đạo quân bên Thượng đế) do Iran hậu thuẫn.

Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu giữ vai trò yểm trợ về không quân cho quân đội Iraq trong chiến dịch. Tổng cộng có khoảng 7.000 binh sĩ của liên minh quốc tế triển khai ở miền bắc Iraq, trong đó có gần 5.000 binh sĩ Mỹ, chủ yếu thuộc sư đoàn không vận 101.

Liên minh quốc tế lập bộ chỉ huy tại căn cứ ở Qayyarah, cách Mosul khoảng 20km.

Tuyên bố tái chiếm trong 24 giờ

Mosul thuộc tỉnh Nineveh nằm bên bờ sông Tigris, là thành phố lớn thứ hai của Iraq sau thủ đô Baghdad. Mosul tọa lạc cách Baghdad 350km, cách biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 100km.

Trước chiến tranh, dân số Mosul khoảng 2,7 triệu người. IS xem Mosul là cứ điểm quan trọng ở Iraq vì Mosul gần biên giới, có thể trở thành hành lang chiến lược nối thông hai mặt trận ở Iraq và Syria. Đây là nơi IS tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo.

Sau khi Mosul thất thủ, Thủ tướng Nouri al-Maliki lên truyền hình ban bố tình trạng khẩn cấp và bảo đảm “sẽ giải phóng Mosul trong 24 giờ”.

* Còn tiếp

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên