Đồ họa: NGỌC THÀNH
Từ ngày tốt nghiệp đại học đi làm đến nay tròn 19 năm. 19 năm tôi đọc báo Tuổi Trẻ. Từ báo giấy, Tuổi Trẻ Online đồng hành với tôi tới mức gắn bó, yêu thương như "người tình".
Có một Tuổi Trẻ rất... "già dặn"
Năm 2002, tôi tốt nghiệp đại học về công tác tại Đà Nẵng. Lúc bấy giờ tôi có một người bạn cùng cơ quan có thói quen uống cà phê đọc báo vào buổi sáng sớm. Tờ báo mà bạn tôi đọc là Thanh Niên. Tôi đọc ké rồi quen, rồi thích đọc báo để nắm tin tức.
Hai người cùng mua Thanh Niên đọc thì… quá phí, thế là tôi mua Tuổi Trẻ. Chỉ một thời gian, tôi đã yêu và mê Tuổi Trẻ vì chất lượng thông tin, sự nhanh nhạy, tính chiến đấu vì công bằng và phát triển xã hội, tôn chỉ mục đích phụng sự bạn đọc...
Khi trào lưu báo giấy lắng xuống, nhường chỗ cho những đốm sáng trên smartphone, tôi hiểu rằng Tuổi Trẻ cũng sẽ rất khó khăn để đứng vững trên sạp báo. Và không phụ lòng tôi, từ một trang báo mạng còn "thô sơ", chủ yếu chuyển tải bài vở trên tờ báo giấy qua thì tới nay Tuổi Trẻ Online đã thực sự là một thế lực trên mảng báo điện tử.
Mỗi khi có sự vụ nào, tôi thường mở Tuổi Trẻ Online ra để phối kiểm. Với tôi và nhiều người, Tuổi Trẻ Online không còn là một trang báo, mà là một nơi để kiểm chứng và đo lường độ chính xác của thông tin tràn ngập trên mạng.
Tới nay, Tuổi Trẻ Online đã đi vào lòng tôi như một thói quen hình thành từ thuở nào. Mỗi ngày ngủ dậy, điều đầu tiên tôi làm là mở trang chủ Tuổi Trẻ Online để đọc những dòng tin nóng bỏng. Ở đó, không quá rôm rả, không câu khách giật gân, mà tôi thấy một tờ báo chừng mực, dù "trẻ" mà "già gân" hơn cả tuổi đời 18.
Tôi không giỏi văn, viết báo không hay, nhưng may mắn là nhiều bài báo của tôi được đăng và nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc khi được chuyển lên báo online. Nhiều bài viết lọt top trang chủ khiến tôi lâng lâng, y hệt như mình chính là nhà báo vậy.
Tôi hay nói vui với mọi người rằng "Tuổi Trẻ là tờ báo tiếng Việt hay nhất thế giới". Nhiều người sẽ không đồng ý với tôi nhưng phần lớn đều thừa nhận Tuổi Trẻ là một "thương hiệu" lớn trong làng báo. Đây là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Tuổi Trẻ, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề khi Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều kỳ vọng của bạn đọc.
"Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ"
Tôi nghĩ rằng vị thế của thương hiệu Tuổi Trẻ đã "đổ nền móng" vững chắc trong lòng bạn đọc. Đây là một nền tảng mà hiện nay khi chuyển đổi lên online, tờ báo cần phải nhìn thấy được thuận lợi và bứt phá nhanh hơn. Tôi có mấy góp ý nhỏ nhân dịp Tuổi Trẻ Online tròn 18.
Thứ nhất: Tuổi Trẻ Online phải nhất định giữ được chất "đỏ, trẻ, Sài Gòn" vốn có. Đó là một tờ báo vẫn đậm chất chính luận, sâu sắc, gân guốc trong các vấn đề nóng bỏng nhưng cũng cần giữ được chất nhân văn vốn có lâu nay.
Tuổi Trẻ Online cần chuyển đổi nhanh và đưa mảng phóng sự, ký sự nhân vật với những câu chuyện xúc động về cuộc sống từ báo giấy tạo thành một mảng thế mạnh trên online. Việc này không đơn giản, nhưng sẽ có giải pháp nếu tòa soạn thay đổi cách viết, cách thể hiện để phù hợp với online.
Thứ hai: Xu thế của báo mạng là nhanh, gọn, chính xác. Nhưng hiện nay ngoài các yếu tố đó ra còn phải "đẹp, bắt mắt" nữa. Nghĩa là tòa soạn cần đầu tư rất mạnh cho khâu hình ảnh, clip, đồ họa trong các bài viết để khi click vào mỗi bài người đọc sẽ nán lại lâu hơn - nếu không là hay thì "đẹp" cũng là cái để giữ chân người xem.
Thứ ba: Tin cực ngắn, cực nóng: Tuổi Trẻ Online hãy thiết kế một mục riêng dành cho mảng này. Tức là dành cho khách hàng có thói quen "đọc lướt", chỉ cần biết sự việc xảy ra, sơ bộ thời gian địa điểm.
Thời đại này đã số hóa, việc sống nhanh cũng sẽ tất yếu có nhu cầu "đọc nhanh". Trên báo giấy đã có mục tin vắn từng rất thịnh, giờ Tuổi Trẻ Online cũng phải có, nhưng tin cực ngắn không có nghĩa là tin vụn vặt. Ngay cả những tin sự kiện lớn khi mà phóng viên chưa kịp tác nghiệp thì Tuổi Trẻ Online chỉ cần đưa lên vài dòng cho thấy có sự kiện ở đó cũng đã "đặt gạch" trên thứ tự tìm kiếm của Google.
Thứ tư: Hiện nay dù đã rất nỗ lực, nhưng Tuổi Trẻ Online nhìn chung vẫn như một ngôi biệt thự đồ sộ nhưng chưa có nhiều thứ để ngắm. Thông tin trên Tuổi Trẻ Online còn nặng nề, chưa đa dạng.
Các mảng như thế giới số, xu hướng trend mạng, thông tin về mua sắm, thị trường tiêu dùng, hay hút view nhất vẫn là thế giới nghệ sĩ… vẫn chưa được đầu tư. Đây là một mảng miếng rất lớn, có khách hàng tiềm năng mà một số tờ đã xây dựng rất thành công.
Thứ năm: Tập trung đầu tư trang Tuổi Trẻ Online thật góc cạnh, đa dạng. Tôi thấy hiện nay trên Tuổi Trẻ Online thông tin còn khá làng nhàng, mục nào cũng na ná nhau, chưa có bản sắc riêng. Chỉ có mảng "tin nóng" là nổi bật.
Tôi nghĩ rằng Tuổi Trẻ Online cũng phải tập trung theo thứ tự ưu tiên, đầu tư ít nhất 5 mảng nổi bật và trở thành thương hiệu mà người đọc không thể bỏ qua khi nhìn vào trang chủ. Đây như là một mặt tiền, show ra những thứ hay ho, đáng đồng tiền bát gạo nhất của tờ báo.
Tuổi Trẻ Online phải là một cửa hàng đồ hiệu mà ở đó, mỗi góc cửa hàng đều có bày bán những thứ hot nhất, người tiêu dùng giành nhau để chen mua nhiều nhất. Còn các mảng khác thì có thể lùi sâu vào phía trong.
Thứ sáu: Tuổi Trẻ Online hãy mạnh dạn nhập cuộc trong các cuộc đua trên nền tảng số các kho ứng dụng. Tôi hay mua điện thoại, máy tính, các thiết bị có trình duyệt và rất bất ngờ khi mở kho ứng dụng ra đều có các trang báo điện tử như VNE, Dân Trí, Vietnamnet hiển thị sẵn trên màn hình.
Có lẽ hiểu được sự ảnh hưởng của các nền tảng ứng dụng, các tờ báo này đã làm việc và mua được vị trí của mình để các nhà cung cấp nền tảng ứng dụng như Android, Appstore, Google… cho phép tích hợp phần mềm tờ báo điện tử vào kho ứng dụng.
Khi một khách hàng mua điện thoại hoặc tivi thông minh, lướt kho ứng dụng thì đã có sẵn app của tờ báo đó ở trên màn hình. Ngay cả khi chạy lại hệ điều hành thì phần mềm bung ứng dụng cũng đã có sẵn app tờ báo.
Thậm chí, một số nhà phát triển còn cài đặt sẵn các trang báo như Dân Trí, Thanh Niên trên trình duyệt Internet mặc định của thiết bị. Việc này dường như Tuổi Trẻ Online chưa chú ý, nếu chúng ta chỉ tải app lên kho ứng dụng mà không cạnh tranh để đưa logo của mình, app của mình ra trang chủ thì khách hàng sẽ không biết và không thể tới được với Tuổi Trẻ Online.
Nhân tuổi mới của mình, Tuổi Trẻ Online xin được chờ đón bài viết của bạn đọc bốn phương nói lên những tâm sự, kỷ niệm, cảm xúc của mình với tờ báo dành cho các bạn trong 18 năm qua; xin chờ đón những lời góp ý, ý tưởng, hiến kế, đặt hàng từ bạn đọc để chúng tôi phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, xứng đáng là "người bạn" của quý độc giả xa gần.
Mời bạn đọc gửi bài viết về email: bandoctto@tuoitre.com.vn, hoặc để lại bình luận dưới bài viết. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận