01/09/2024 06:15 GMT+7

Tuổi thơ theo mẹ nhặt ve chai, giờ đậu đại học mẹ ung thư giai đoạn nặng

Chiếc giường bệnh nằm ở tòa nhà cao tầng Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, nhiều ngày nay rầm rì câu chuyện người mẹ ung thư chuyển sang giai đoạn cuối lúc cô con gái duy nhất nhận giấy báo vào đại học.

Thực hiện: THÁI BÁ DŨNG - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ

Tuổi thơ theo mẹ nhặt ve chai, giờ đậu đại học mẹ ung thư giai đoạn nặng - Ảnh 1.

Huệ An với hành trình chông chênh phía trước - Ảnh: B.D.

"Từ khi tôi biết bị ung thư tới nay, tiền dồn hết để mua thuốc. Hai mẹ con chỉ ăn dằn bụng để sống. Giờ An vào đại học, thực sự tôi chỉ biết cắn móng tay chứ không biết làm sao" - bà Phan Thị Lẹ (51 tuổi, tên thường gọi là Lệ) mắt mờ đến 98%, thân thể tiều tụy, bật khóc khi ngồi trong phòng điều trị. Bên cạnh bà, cô con gái là Phan Thị Huệ An - nhân vật của Tiếp sức đến trường 2024 - cũng không ghìm được hàng nước mắt.

Tuổi thơ cùng mẹ lang bạt, nhặt ve chai

Tuổi thơ theo mẹ nhặt ve chai, giờ đậu đại học mẹ ung thư giai đoạn nặng - Ảnh 2.

Huệ An và mẹ trong bệnh viện - Ảnh: B.D.

An là con gái duy nhất của bà Lệ - người phụ nữ sống đơn thân và có một hành trình số phận buồn bã. Bà Lệ quê ở Điện Phong, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng phải xa gia đình để vào TP.HCM làm thuê, giúp việc nhà. Năm 33 tuổi, bà kể rằng do ở lâu trong gia đình người chủ ở TP.HCM, thấy bà thật thà, hoàn cảnh lại tội nghiệp nên bà được gán ghép với người con trai chủ nhà. Khi vừa mang thai Huệ An, người cha của An đột ngột qua đời ở nước ngoài.

Một thời gian, do làm ăn sa sút nên gia đình của ba Huệ An không thể giúp đỡ hai mẹ con. Bà Lệ phải ôm bụng bầu lang thang khắp phố phường ở TP.HCM để kiếm sống.

"Tôi ở trọ dọc bờ kênh, gầm cầu, rồi thuê nhà với giá rẻ nhất để tá túc qua ngày. Lúc đó, để sống được, phải đi nhặt rác ban ngày, đêm thì đi rửa bát thuê. Tới lúc sinh An được một tháng, tôi phải ôm con đi khắp nơi để kiếm sống. Con bé đau yếu và gầy trơ xương vì suy dinh dưỡng, lại đi giữa mưa nắng nên thể trạng rất yếu" - bà Lệ nhớ lại những ngày con còn bé thơ.

Mẹ ung thư không để con thất học

Năm An lên 2 tuổi, bà An có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Vùng ngực xuất hiện những cơn đau âm ỉ. Đi khám thì các bác sĩ kết luận bị ung thư vú.

Bế tắc, bà Lệ buộc phải bế con quay về quê nhà, ra thị xã gần đó thuê một phòng trọ rồi tiếp tục rong ruổi.

Năm An lên 5 tuổi, hai mẹ con lại một lần nữa quay ngược lại TP.HCM tiếp tục hành trình lang bạt, thuê trọ, nhặt đồng nát. Cũng trong năm đó, khối ung thư vùng ngực bà Lệ có dấu hiệu ứ nước.

Trong một chuyến từ thiện, cố ca sĩ Phi Nhung đã bày tỏ sự thương cảm khi nghe câu chuyện của hai mẹ con bà Lệ. Danh ca này cho bà Lệ 3 toa thuốc để tiếp tục cầm cự. Bà sử dụng và có đỡ hơn để tiếp tục tháng ngày rong ruổi mưu sinh khó nhọc của mình.

Bà Lệ nói rằng khi An vào tuổi đi học lớp 1, bà đắn đo trăn trở rồi quyết định lại về quê nhà xứ Quảng. Đời mẹ đã cực khổ, buồn sầu, bà không thể để đứa con mình thất học.

Về lại quê hương thêm một lần nữa, bà Lệ và con gái cứ lang thang nay đây mai đó. Nơi ở của hai mẹ con là những căn nhà trọ thấp ẩm, rẻ tiền nhất. Lúc họ tá túc ở xã Điện Minh, khi ở Điện An. Khi An lên lớp 2, thấy mẹ con lang bạt cơ cực quá nên người chị gái của bà Lệ, cũng sống đơn thân như em gái mình, nhà ở huyện Duy Xuyên đã cho hai mẹ con về tá túc.

An bảo rằng 18 năm qua, hình ảnh cô nhớ nhất và luôn bật khóc khi nghĩ về đó là cảnh ngồi sau chiếc xe đạp của mẹ để lang thang khắp phố xá đi lượm đồng nát, nhặt ve chai. Rồi những đêm An phải ngồi góc quán ngủ gật trong lúc mẹ bồng đi rửa bát thuê.

Con lang thang theo mẹ suốt cả một tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn, nhưng bà Lệ nói con gái mình luôn học ở mọi lúc, mọi nơi. An học khá, học đều tất cả các môn.

"Khi tôi còn khỏe mạnh thì đi làm được đồng nào dồn qua bù lại cho con. Thương con không có cha, mình cố gắng bù đắp được chừng nào hay chừng đó. Nhưng bao năm nay tôi phát bệnh rồi cứ sống lay lắt, nên cháu thiếu thốn đủ thứ. Người lúc nào cũng gầy khô, yếu rọp.

Học mọi lúc, mọi nơi, đậu vào Đại học Kiến trúc Đà Nẵng 

Tuổi thơ theo mẹ nhặt ve chai, giờ đậu đại học mẹ ung thư giai đoạn nặng - Ảnh 4.

Huệ An đi học với tiền cô giáo góp, quần áo bạn cho. Cô đỗ ngành thiết kế đồ họa, Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng - Ảnh: B.D.

18 tuổi, vừa chính thức trở thành tân sinh viên đại học, đôi mắt Huệ An luôn trĩu nặng nỗi u sầu. An nói từ nhỏ tới nay vì thấy mẹ và mình khổ cực quá nên cô âm thầm quyết chí học tập, để quyết thay đổi số phận. Dù trải qua một tuổi thơ buồn tủi, thấm đẫm những thiệt thòi số phận, nhưng chưa lúc nào Huệ An thấy lo lắng và bất lực như từ lúc biết mình đậu đại học.

"Khi biết con đậu đại học, tui trào nước mắt. Giờ mẹ tiều tụy, bệnh tật chẳng biết sống được nay mai thế nào, mạng sống còn không biết giữ được hay không chứ chưa nói chuyện đi làm mà nuôi con học đại học. Thương An đứt ruột mà bất lực, chỉ mong có phép màu hay ai đó biết mà nhận cưu mang cháu, tôi mang ơn suốt đời" - bà Lệ vừa nói vừa khóc.

An nói trước khi đăng ký vào đại học, bạn từng nghĩ rằng sẽ học xong lớp 12 rồi nghỉ học để đi rửa bát, làm công nhân kiếm tiền nuôi mẹ. Nhưng khi kể vậy thì mẹ lại bật khóc, hai mẹ con cùng ôm nhau khóc vì tủi thân.

Điều may mắn nhất cho An là trong nghèo khó luôn được thầy cô, các mạnh thường quân thương giúp cho sách vở, quần áo để học hết 12.

Huệ An vừa đậu vào ngành thiết kế đồ họa, Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng với 23,5 điểm. Cô tân sinh viên Quảng Nam này gầy gò, da vàng vì bị suy dinh dưỡng từ nhỏ.

"Mình chọn ngành thiết kế đồ họa, Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng để học vì nghĩ ngành này không cần quen biết vẫn xin được việc, ra trường có việc làm ngay để thật nhanh về nuôi mẹ. Mình sợ cảnh mẹ sẽ yếu dần từng ngày" - An nói.

Tiền học cô góp, áo quần bạn cho

Cô Võ Thị Bích Liên - giáo viên THPT Nguyễn Hiền (huyện Duy Xuyên), chủ nhiệm lớp 12/7 nơi Huệ An học THPT - kể nơi trường cô dạy có nhiều học sinh khó khăn, nhưng không có học sinh nào mà hoàn toàn không còn chỗ dựa, nơi để bám víu để đi học như Huệ An.

"Huệ An không có cha. Mẹ thì ung thư giai đoạn cuối. Cả ba năm đi học, cháu gần như không có bất cứ khoản tiền nào để đóng góp, tham gia các hoạt động mà đều từ các thầy cô giáo, bè bạn góp cho. Những bộ áo quần của An mặc cũng cô giáo, bạn bè góp mua, hoặc nhường lại cho An có để đến trường hằng ngày.

Khi lên lớp 12, An phải học thêm để ôn đại học, cô giáo bộ môn miễn phí một nửa, còn tôi góp cho cháu để được học bổ sung kiến thức. Dù nghèo tới cùng kiệt, An lại rất có năng khiếu vẽ, cháu đạt loại giỏi cả 3 năm THPT" - cô Liên nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Cả tuổi thơ theo mẹ nhặt ve chai, nhận tin mẹ ung thư giai đoạn cuối khi con vào đại học - Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình

Bố tàn tật, mẹ ung thư, hai chị em cùng vào giảng đường - Ảnh 4. Giữ lời hứa với cha, làm học sinh giỏi tỉnh, đậu vào Trường đại học Ngoại thương TP.HCM

Trời chập tối, khi nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm thì mẹ con Phương lại đội chiếc đèn pin tất tả ra đồng làng bắt ếch. 'Giờ này lũ ếch ra đi ăn đêm, mẹ con tranh thủ đi kiếm mấy con đem bán, kiếm ít đồng', mẹ của Phương động viên con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên