Một năm trước, khi nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2023, Trinh rụt rè, cân nặng chưa đầy 38kg với vẻ ngoài khắc khổ. Giờ thì cô gái đã biết dùng chút son môi, chuyện mà trước giờ chưa từng.
Buổi đến trường, buổi đi làm
Đi học là giấc mơ cả đời, nhưng Trinh từng đứng trước ngã rẽ, phân vân liệu có học lên đại học hay thôi. Ước mong thay đổi số phận lớn lắm, song thực tại cái nghèo còn lớn hơn. Mồ côi mẹ, cha bỏ rơi khiến cô không dám tự tin làm thủ tục nhập học. Cánh cửa giảng đường mở ngay trước mắt mà như quá tầm với của Trinh.
Và những người làm chương trình học bổng Tiếp sức đến trường biết đến câu chuyện đầy nghị lực của cô gái ốm yếu này. Tố Trinh nhận suất học bổng, tự tin đăng ký vào ngành hệ thống thông tin Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Tân sinh viên Nguyễn Thị Tố Trinh khi đó đã 20 tuổi.
Đã một năm trôi qua sau khi học bổng Tiếp sức đến trường 2023 được trao. Trinh nhớ chi tiết mình đã chi những gì với số tiền 15 triệu đồng nhận được. Đó là trả ngay 6 triệu đồng khoản vay đóng học phí kỳ đầu, 3 tháng nhà trọ hơn 3 triệu đồng, trả nợ 1,5 triệu đồng mượn người bạn để trả viện phí và tiền thuốc trước đó.
Trong ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, ấy là tháng ngày được lẽo đẽo theo mẹ đi khắp nơi bán từng tờ vé số. Rồi lúc Trinh 10 tuổi, mẹ đi xa mãi vì ung thư. Ngoài Trinh, mẹ còn tám người con khác, nhưng chỉ có cô với cậu út ở cùng cha mẹ.
Còn cha của Trinh đang sống ở một nơi nào đó tại TP.HCM. Hầu như cha con chẳng còn liên lạc với nhau.
Cũng bởi phải tự lo cho mình từ năm lớp 10, Trinh phải nghỉ rồi quay lại đi học trễ mất hai năm. Vào đại học, cô gái phải làm nhiều việc khác nhau để có thể trả tiền trọ, ăn uống và học phí. Suốt một năm qua, cô nhận làm công việc nhà cho một gia đình ở quận 10, được trả 7 triệu đồng/tháng cũng gọi là tạm đủ trang trải.
Cái khó nhất là thời gian. Lịch học ở trường nặng, mà việc làm thêm thì không thể bỏ. Trinh kể mỗi ngày sau giờ tan lớp, cô phải phi xe đến chỗ làm liền mới kịp giờ. Nhiều ngày học suốt từ sáng tới chiều mới tan, dù mệt lắm nhưng cô cũng không dám nghỉ, vì nghỉ là mất 250.000 đồng tiền làm thêm, với Trinh lớn lắm.
Trong cốp xe của cô lúc nào cũng có mì gói. Riết rồi hình ảnh Trinh vừa làm việc nhà, vừa ăn vội tô mì gói đã rất quen thuộc với anh chị chủ nhà nơi cô đang làm thêm.
Lạc quan và đầy động lực sống
Nhớ lần đầu gặp mặt, câu chuyện với Trinh bị ngắt quãng nhiều lần giữa những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt buồn tủi trên đôi gò má gầy gò của đứa con gái sớm mồ côi mẹ, cha lại bỏ rơi cùng bao khó khăn khi phải tự lập sớm.
Còn hiện tại, trước mặt chúng tôi như có một Tố Trinh khác mà cô bạn lý giải rằng có rất nhiều lý do. Số tiền 15 triệu đồng ngày ấy là khoản tiền lớn mà Trinh chưa bao giờ được cầm trên tay. Chưa kể, cảm động trước nghị lực ấy, nhà hảo tâm còn tặng Trinh chiếc laptop mới.
"Lịch học dày đặc mỗi tuần, kiến thức nặng đôi lúc cũng oải, nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Nói sao nhỉ, chỉ biết là sau khi nhận được học bổng của báo Tuổi Trẻ, tôi cảm nhận rõ ràng về sự thay đổi trong mình, thấy lạc quan và đầy động lực sống" - Trinh đang nói bỗng chựng lại vì xúc động.
Suất học bổng như chiếc phao được quăng ra ngay lúc Trinh chới với giữa dòng, giúp bạn thôi do dự mà tự tin đặt bút đăng ký nhập học dù chỉ là bước đi đầu tiên.
Trinh nói mình nhớ hoài không khí buổi lễ trao học bổng năm ngoái, cảm nhận được sự sẻ chia ân cần từ mỗi người làm chương trình học bổng Tiếp sức đến trường khi trân trọng trao phần học bổng cho bạn.
Nhưng có lẽ nguồn động lực mãnh liệt nhất đến từ chính những bạn trẻ cùng cảnh ngộ, thậm chí còn khó khăn hơn mà Trinh đã gặp tại buổi lễ ấy. Đó còn là quyết tâm buộc mình phải sống vui hơn, khỏe hơn, mạnh mẽ hơn để ít nhất phải trở thành một người tốt và tự lo được cho mình.
"Nhận học bổng đã vui, vui hơn là cảm nhận nhiều giá trị vô hình đã giúp tôi được như ngày hôm nay. Với tôi, suất học bổng ấy là vô giá" - Trinh bộc bạch.
Một năm sau vẫn được giúp từ học bổng Tiếp sức đến trường
Tố Trinh là nhân vật trong bài viết Như đóa hoa dại vươn lên giữa đời (Tuổi Trẻ ngày 21-11-2023). Giá trị của suất học bổng Tiếp sức đến trường không chỉ là 15 triệu đồng, mà ngay sau khi câu chuyện của Trinh được kể trên báo, một bạn đọc đã hỗ trợ Trinh 12 triệu đồng tiền học phí của năm đầu đại học.
Cách đây ít ngày, Tố Trinh bất ngờ nhận được 7 triệu đồng vào tài khoản với lời nhắn: "Tiền bạn đọc Tuổi Trẻ hỗ trợ T11/23".
Tiếp sức đến trường 2024: Gần 20 tỉ đồng giúp tân sinh viên vượt khó
Mời bạn đăng ký tham gia, giới thiệu tân sinh viên cần tiếp sức đến trường năm 2024
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms.
Hoặc mời bạn quét mã QR ở bên.
Hồ sơ sẽ được xét chọn thông qua hai bước.
Bước 1, tân sinh viên hoặc người giới thiệu cần điền đầy đủ thông tin về ứng viên nhận học bổng tại địa chỉ trên theo mẫu thông tin có sẵn do ban tổ chức quy định. Bước 2, ban tổ chức sẽ phỏng vấn trực tuyến hoặc phối hợp cùng địa phương xác minh trong một số trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức Đoàn - Hội các nơi cũng có thể giới thiệu tân sinh viên khó khăn để xem xét nhận học bổng này tại địa chỉ trên. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến vào ngày 20-9.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên bằng cách chuyển khoản theo thông tin dưới đây, hoặc tài trợ kinh phí, các thiết bị học tập (máy tính, balo, tập sách, gói data…), phương tiện đi lại; các khóa học ngoại ngữ, kỹ năng; tạo cơ hội việc làm thêm, chỗ trọ miễn phí… cho các tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận