22/08/2024 06:22 GMT+7

20 năm ân tình xứ Quảng: Con đường làng tối tăm, suất học bổng thắp lên ánh sáng

20 năm hình thành và đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ (CLB) Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng có thể xem như cánh tay nối dài của chương trình Tiếp sức đến trường.

20 năm ân tình Đất Quảng: Khi niềm tin được trao đi - Ảnh 1.

Trần Thị Thu Trang: "Học tốt và chinh phục ước mơ là lời cảm ơn tốt nhất gửi đến những nhà hảo tâm đã giúp mình" - Ảnh: NVCC

Hàng nghìn sinh viên nghèo xứ Quảng đã được tiếp sức kịp thời để cùng vượt khó, hiện thực hóa ước mơ giảng đường.

Nhiều bạn trong cả ngàn sinh viên được nhận học bổng của CLB này hiện có công việc ổn định. Nhìn lại chặng đường đã qua, họ bảo rằng không thể quên tấm lòng của các nhà hảo tâm đã đến với họ trong thời khắc bấp bênh nhất của đời mình.

Thông điệp "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" rất mạnh mẽ và cao cả. Tôi muốn nhắn các bạn tân sinh viên rằng khi gặp khó khăn đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Học tập hiệu quả, chinh phục ước mơ của mình sẽ là lời cảm ơn chân thành nhất gửi đến những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ bạn.

TRẦN THỊ THU TRANG

5 triệu đồng ngày ấy như nguồn ánh sáng

20 năm ân tình Đất Quảng: Khi niềm tin được trao đi - Ảnh 2.

Trương Thị Trang: "Tôi muốn sẻ chia với người khác trong khả năng của mình như một cách đáp đền tiếp nối" - Ảnh: B.MINH

Trương Thị Trang (quê huyện Tiên Phước) và Trần Thị Thu Trang (quê huyện Thăng Bình) là hai trong số những tân sinh viên tỉnh Quảng Nam từng nhận học bổng do CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trao. Không hẹn mà gặp, hai cô gái đều nói đó là sự giúp đỡ rất lớn, mở cánh cửa vào giảng đường.

Xuất thân từ gia đình làm nông, hai cô gái tên Trang đều chung gia cảnh cha mẹ chạy vạy, mưu sinh mới có thể lo cho con cái đến trường. Cha mẹ Thu Trang mắc bệnh về tiêu hóa, xương khớp, sức khỏe trồi sụt. Còn gia đình Trương Thị Trang từng gặp biến cố ngay khi bạn vừa nhận kết quả đậu đại học.

Cha của Trương Thị Trang trong lúc đưa trâu đi kéo xe thuê cho người khác đã bị trâu húc té đập đầu xuống đường. Được đưa vào trạm xá, cha chỉ hỏi có ai bị làm sao không, con trâu đâu rồi nhưng tạm thời không nhận ra vợ và con gái. "Bác tôi kể cha tâm sự tranh thủ kiếm tiền cho con gái vào học đại học. Tôi sốc vì cha gặp tai nạn, nghĩ xót xa cho cái nghèo của gia đình mình mà cha tôi mới bị như vậy" - Trương Thị Trang trầm ngâm.

Ngày CLB trao học bổng, Trương Thị Trang vừa trở thành tân sinh viên ngành tài chính ngân hàng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM. Cô bạn sinh năm 1996 ấy kể đã nhờ một người anh lên TP Tam Kỳ (Quảng Nam) nhận học bổng thay về đưa cho mẹ.

Đó là thời điểm năm 2014. Trang kể con đường làng quê ngày ấy heo hút, tối tăm mà số tiền 5 triệu đồng của suất học hổng cứ như nguồn ánh sáng thắp lên hy vọng cho cả nhà. "Mẹ nói chưa bao giờ cầm trong tay số tiền lớn như thế nên bất ngờ lắm, giúp tôi trang trải kỳ học đầu tiên, giảm áp lực cho cha mẹ rất nhiều" - Trương Thị Trang trải lòng.

Còn Thu Trang bảo rằng mình may mắn và biết ơn nhiều lắm vì suất học bổng đến ngay lúc chưa biết kiếm đâu ra tiền để nhập học ngành luật kinh tế Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). "Tôi như vỡ òa khi nhận tin mình được xét trao học bổng vì biết cha mẹ sẽ nhẹ bớt gánh nặng nhiều lắm. Với tôi, đó không chỉ là tiền mà còn mà niềm tin, giúp tôi an tâm hơn bước chân vào trường" - cô bạn sinh năm 1999 nói.

Tâm nguyện đáp đền tiếp nối cùng Tiếp sức đến trường

20 năm ân tình Đất Quảng: Khi niềm tin được trao đi - Ảnh 4.

Niềm vui của tân sinh viên ngày nhận học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2022 - Ảnh tư liệu: TẤN LỰC

Hai cô bạn tên Trang đã ra trường và hiện đều có việc làm ổn định. Gia đình của hai bạn cũng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thu Trang đang là chuyên viên pháp chế tại một công ty và có kế hoạch theo đuổi con đường luật sư trong thời gian tới.

Cha mẹ Thu Trang quyết tâm "có phải ăn cơm với muối, cực khổ thế nào cũng phải lo cho con đi học". Nhưng thời điểm nhận tin đậu đại học, bạn từng nghĩ xin bảo lưu kết quả, đi làm dành dụm tiền mới đi học vì lúc ấy cả nhà không đào đâu ra tiền cho bạn đóng học phí. "Học bổng Tiếp sức đến trường với tôi như một ánh sáng rực rỡ giúp tôi tự tin, yên tâm hơn. Ấy là món quà quý giá cả về vật chất lẫn tinh thần cho tân sinh viên khó khăn" - Thu Trang chia sẻ.

Nhìn lại hành trình vừa qua, Trương Thị Trang nói vẫn thấy mình thật sự may mắn trong những tháng ngày tưởng như tăm tối nhất. Cha mẹ không muốn con cái bỏ học nhưng học phí đại học là bài toán không phải với gia đình nào cũng dễ giải. 

"Cha mẹ luôn dạy chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống, thoát khỏi cái nghèo. Cha mẹ dù rất vất vả nhưng vẫn cố gắng để chị em tôi được đến trường. Chúng tôi cũng vì vậy mà luôn tự ý thức phải học thật giỏi để vươn lên" - Trương Thị Trang kể.

Hiện bạn đang theo học cao học ngành tài chính ngân hàng. Lúc mới vào TP.HCM, Trương Thị Trang xin làm thêm từ 4h30 - 12h tại một tiệm mì Quảng, sau đó đi học rồi lại đi dạy thêm từ 17h - 22h. Mỗi ngày bạn chỉ ngủ khoảng 3 - 4 tiếng và tìm mọi cách kiếm đủ tiền đi học.

Trương Thị Trang bảo so với số tiền làm thêm cao nhất 12.000 đồng/giờ thì giá trị suất học bổng Tiếp sức đến trường ngày ấy lớn vô cùng. "Tôi muốn cảm ơn báo Tuổi Trẻ và CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng cùng các nhà hảo tâm vì đã không chỉ tặng học bổng mà chính là trao cho chúng tôi niềm tin. Niềm tin ấy giúp mỗi người chúng tôi có động lực lớn hơn để không từ bỏ hành trình học tập, tự nhắc mình phải nỗ lực sống xứng đáng, trở thành những người có ích cho xã hội" - Trương Thị Trang trải lòng.

Mua nhẫn cưới tặng cha mẹ

Năm 2022, mấy chị em Trương Thị Trang rủ nhau mua cặp nhẫn cưới tặng cha mẹ. Bạn kể cha mẹ cưới nhau hơn 30 năm nhưng không hề có nhẫn cưới vì nhà quá nghèo. Giờ đây, các con muốn chăm sóc cha mẹ với suy nghĩ bù đắp phần nào những tháng ngày vất vả đã qua, cũng là để cha mẹ không phải lo toan nữa.

Sắp xếp thời gian, cô bạn vẫn thường ghé thăm mái ấm, nhà mở giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hồi sinh viên, Trang cũng từng đi dạy ở mái ấm, tham gia chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

"Tôi đã nhận được sự giúp đỡ lúc bấp bênh nhất nên giờ muốn đáp đền tiếp nối, lan tỏa và sẻ chia đến người khác trong khả năng nhỏ bé của mình" - Trương Thị Trang tâm sự.

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Giữ lời hứa với cha, làm học sinh giỏi tỉnh, đậu vào trường Đại học Ngoại thương TP.HCM- Ảnh 5.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên, hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành/ nhân vật mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

20 năm ân tình Đất Quảng: Khi niềm tin được trao đi - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Khi niềm tin được trao đi - Ảnh 3. Học sinh bật khóc khi cô giáo đưa tấm gương Tiếp sức đến trường vào tiết học

Hình ảnh một cậu bé gầy gò, quần áo lấm lem đầy bụi vác bao tải bột đá nặng trịch, đôi chân dường như đang run rẩy trong video Tiếp sức đến trường khiến các em học sinh xúc động, bật khóc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên