23/03/2023 17:18 GMT+7

Từ vụ F88, cần lấp lỗ hổng pháp lý trong hoạt động cầm đồ, cho vay tiêu dùng

Không chỉ riêng F88, dịch vụ cầm đồ thời gian gần đây phát triển nóng gây ra nhiều biến tướng và hệ lụy. Nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra những bất cập lỗ hổng pháp lý trong quản lý loại hình kinh doanh này.

Từ vụ F88, cần lấp lỗ hổng pháp lý trong hoạt động cầm đồ, cho vay tiêu dùng - Ảnh 1.

Công an khám xét chi nhánh văn phòng F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1 - Ảnh: MINH HÒA

Sau khi Công an TP.HCM thực hiện việc kiểm tra trụ sở làm việc của Công ty F88, thời gian vừa qua tại nhiều tỉnh thành công an cũng kiểm tra trụ sở của công ty này.

Theo thông tin ban đầu của cơ quan điều tra Công an TP.HCM, Công ty F88 chuyên cho vay tiền, có cả trăm nhân viên thu hồi nợ và trong thời gian qua đã đe dọa người vay, nghi có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Dịch vụ cầm đồ với lãi suất "bóp cổ" dưới dạng các loại phí

Không chỉ F88, dịch vụ cầm đồ thời gian gần đây phát triển nóng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính với cách thức tương tự như F88 đã bị phát hiện và xử lý.

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương liên tiếp xử lý những vụ việc đòi nợ kiểu khủng bố người vay, đe dọa gia đình, người thân… Những biến tướng của dịch vụ cầm đồ, cho vay tiêu dùng gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc dư luận.

Theo số liệu từ các sở kế hoạch và đầu tư, hiện Hà Nội có số lượng doanh nghiệp đăng ký dịch vụ cầm đồ nhiều nhất, hơn 5.000 doanh nghiệp; tiếp đến là TP.HCM hơn 2.700 doanh nghiệp.

Các địa phương Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi nơi từ 250 đến 700 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế nhiều công ty cầm đồ đang hoạt động bị biến tướng, gây ra các hệ lụy cho người dân có nhu cầu vay tiền.

Các cửa hàng cầm đồ hiện nay công khai cho vay với mức lãi nằm trong quy định không quá 20%/năm. Tuy nhiên, có nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ lách luật bằng cách thu lãi suất "cắt cổ" dưới dạng phí.

Người cầm cố tài sản còn phải chấp nhận các thỏa thuận, như tiền phạt, bảo hiểm, chi phí bảo quản tài sản hoặc thuê lại khiến tổng lãi suất tăng thêm đến 6-8%/tháng, khoảng 70-90%/năm.

"Kẽ hở" trong cho vay cầm đồ

Mặc dù lãi suất cao nhưng nhiều người khi có nhu cầu vay tiền vẫn chọn đến các cửa hàng cầm đồ vì thủ tục nhanh chóng và dễ dàng hơn khi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, đi cùng với ưu điểm thủ tục nhanh gọn thì hoạt động cầm đồ biến tướng cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là việc thu hồi nợ bằng những hành vi 'khủng bố', thậm chí cưỡng đoạt tài sản.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để đảm bảo cho các hoạt động cho vay này minh bạch, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân và không để xảy ra các hệ lụy.

Luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoạt động cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện, do Bộ Công an quản lý.

Các tổ chức này hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

Dù quy định pháp luật nêu rõ việc vay mượn dưới hình thức cầm đồ hiện phải tuân thủ giới hạn lãi suất, tuy nhiên thực tế có nhiều cửa hàng "lách luật" bằng các khoản phí phát sinh kèm theo. Do đó tổng lãi suất mà người vay phải trả cho các cửa hàng bị đội lên cả chục lần mức trần quy định.

Theo luật sư, sở dĩ các cửa hàng cầm đồ có thể lách luật là do "kẽ hở" trong các quy định pháp luật liên quan hoạt động cầm đồ.

"Hiện nay pháp luật chỉ quy định về mức lãi suất không được vượt quá, không có văn bản pháp lý hướng dẫn về các chi phí phát sinh khác mà chủ cơ sở cầm đồ được phép thu.

Trên hợp đồng cho vay vẫn thể hiện lãi suất trong mức cho phép, còn các loại phí phát sinh ngoài thì lại không tính vào lãi suất. Do đó cơ quan chức năng cũng khó xử lý hành vi cho vay vượt lãi suất", luật sư phân tích.

Cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng nhu cầu vay nhanh gọn của người dân là không hề nhỏ, nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đầy đủ dẫn tới hiện trạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ "lách luật" và gây nhiều hệ lụy không mong muốn.

Ngoài ra, hoạt động cho vay qua app hiện nay cũng rất phổ biến và phát sinh nhiều vụ việc gây mất trật tự từ loại hình vay này. Người vay chỉ cần cài đặt, tải lên giấy tờ tùy thân và cho phép app truy cập danh bạ. Sau đó, người của "công ty tài chính" sẽ gọi lại người vay, xác nhận thông tin là khoản vay được duyệt.

Tuy nhiên, sau khi vay mà không trả đúng hạn thì nhân viên của các đơn vị vận hành app đã có hành vi "khủng bố" bằng các cuộc điện thoại đe dọa từ người vay, đến người thân và cả đồng nghiệp…

Luật sư kiến nghị cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về các loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Lấp lỗ hổng pháp lý này để người dân vay của các dịch vụ này không phải chịu lãi suất "cắt cổ" và tạo hành lang pháp lý để các cơ sở kinh doanh hoạt động đúng, tránh gây ra những hệ lụy.

Theo thông từ Cục Cảnh sát hình sự cho thấy hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu 'khủng bố'.

Ngoài các ngân hàng và công ty tài chính được hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng thì dịch vụ cầm đồ là mô hình duy nhất được cho vay và phù hợp với các khoản vay tiêu dùng bùng nổ.

Lãi suất cầm đồ gấp năm lần so với cho vay nặng lãiLãi suất cầm đồ gấp năm lần so với cho vay nặng lãi

Sau bài 'Dịch vụ cầm đồ biến tướng' (Tuổi Trẻ ngày 9-3-2023), theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay có rất nhiều loại hình cho vay, kể cả cho vay qua web dưới giấy phép dịch vụ cầm đồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên