Toà nhà 8B Lê Trực hiện đang được tháo dỡ hạng mục vi phạm - Ảnh:Q.THẾ
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) chỉ ra việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn chậm, nguyên nhân do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.
Khó xử công trình vi phạm!?
Phần lớn các công trình xây dựng trái phép đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hoặc chuyển nhượng cho nhiều người. Do đó, việc khảo sát, lập phương án tháo dỡ thường mất nhiều thời gian để thực hiện, điển hình như việc tháo dỡ công trình 8B Lê Trực ở Hà Nội.
"Tôi đề nghị có quy định chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, các công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng để đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt", đại biểu Tuấn cũng nói.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng các vi phạm trật tự xây dựng là do hạn chế trong quản lý, khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời, ông đề nghị sửa đổi cả các luật liên quan như Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật nhà ở, Luật đầu tư…; quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép xây dựng; tăng mức xử phạt, tránh để tình trạng phạt để cho tồn tại.
Bất cập từ công trình nông thôn, miền núi không phải xin giấy phép
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi dự luật quy định các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, xây dựng khu chức năng hoặc điểm dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng, ngoài trừ các công trình trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra thực tế có một số tổ chức, cá nhân đã lơih dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn nói trên, tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô diện tích lớn, sử dụng với nhiều mục đích khác có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý.
Đại biểu này đề nghị quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp này.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng cho rằng dự luật không quy định rõ công trình nào xây dựng ở những khu vực trên được miễn giấy phép xây dựng. Hiện xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức ở gần các khu bảo tồn, di tích, hoặc ngoài ranh giới khu vực này vẫn xây dựng, gây ảnh hưởng tổng thể mỹ quan chung cho các khu. Do đó, cần bổ sung quy định về bán kính phù hợp.
Giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật khi sửa đổi Luật xây dựng, các luật liên quan đến quy hoạch tới đây cũng sẽ tiếp tục sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận