Công trình 7 tầng khiến dư luận phản đối trên đèo Mã Pì Lèng - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Trả lời Tuổi Trẻ Online, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Viêt Nam, nhấn mạnh như vậy khi nhắc tới công trình nghỉ chân ở Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang được dư luận quan tâm.
* Sau vụ việc công trình vi phạm ở Mã Pì Lèng, ông có cho rằng cần xem lại xem các cơ quan quản lý ở Hà Giang đã có định hướng về mô hình các điểm nghỉ chân, nghỉ dưỡng cho người dân nếu họ muốn xây dựng những công trình này?
- Dù địa hình đồi núi, đường đèo dốc nhưng Mã Pì Lèng được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hiếm thấy, rất có triển vọng du lịch, nhưng để hút du khách tới đây, địa phương phải chăm lo về cơ sở nghỉ chân, nghỉ dưỡng. Những việc này phải thể hiện rõ trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương.
Như thông tin chủ công trình nói, lúc xây dựng còn được các cơ quan động viên. Nếu vậy, cần làm rõ các cơ quan ở địa phương đã động viên chủ nhà làm theo mô hình nào. Nếu đã định hướng làm theo mô hình cụ thể mà người dân không thực hiện, đây là vi phạm từ phía chủ công trình.
Với địa danh Mã Pì Lèng, trách nhiệm quản lý của ngành văn hoá từ cấp tỉnh xuống cấp huyện là rất lớn, cả về phát triển du lịch, quản lý di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh.
Việc xây dựng công trình trạm nghỉ chân ở Mã Pì Lèng vừa qua là công trình kiên cố, xây dựng ở địa hình đồi núi, đường xá khó khăn, nên không thể làm nhanh được. Vậy ngành văn hoá, chính quyền địa phương đã kiểm tra, cảnh báo người dân kịp thời về vi phạm trong quá trình xây dựng chưa?
Còn để xây dựng cả một công trình lớn, dư luận ầm ĩ rồi mới vào cuộc kiểm tra, mới có ý kiến xử lý, hậu quả và thiệt hại tiền của sẽ rất lớn. Từ câu chuyện này, phải làm gì để không lặp lại những công trình vi phạm như vừa rồi, đây là vấn đề rất quan trọng.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá, chính quyền cần nghiên cứu để chọn ra mô hình công trình phù hợp, từ đó khuyến khích người dân xây dựng - Ảnh: VIỆT DŨNG
* Theo ông, cần phải làm gì để không có thêm những công trình vi phạm như trạm nghỉ chân ở Mã Pì Lèng đang đề xuất phải phá dỡ?
- Cần xác định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan ở địa phương. Để kêu gọi xây dựng trạm nghỉ chân, nghỉ dưỡng phục vụ du khách, chính quyền địa phương, ngành văn hoá cần nghiên cứu, chọn ra mô hình xây dựng công trình phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, với quy định về quản lý di sản.
Vấn đề nữa là trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, các sở, ngành, phải kiểm tra, ngăn chặn kịp thời vi phạm, tránh gây thiệt hại về tiền của, tài sản như mấy vụ việc vừa qua.
Đây không phải vụ việc đầu tiên. Năm 2018, các cơ quan của huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cũng để xảy ra công trình xây dựng trái phép quy mô lớn trong vùng lõi di sản Tràng An, sau đó phải kỷ luật lãnh đạo, cán bộ, phải phá dỡ công trình, rất thiệt hại về tài sản.
* Không chỉ Mã Pì Lèng (Hà Giang), những nơi có di sản, danh lam thắng cảnh, cần lựa chọn mô hình du lịch nào để hạn chế tác động tới cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái mà vẫn thu hút được du khách, thưa ông?
- Mỗi địa phương cần xác định rõ mô hình làm du lịch, sản phẩm thu hút khách du lịch.
Vì vậy, mỗi địa phương cần dựa vào điều kiện địa hình, địa thế, khí hậu, văn hóa bản địa để chọn ra mô hình du lịch phù hợp.
Ở những tỉnh miền núi, địa hình khó khăn như Mã Pì Lèng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu đưa ra những mô hình rất cụ thể từ điểm nghỉ chân, công trình nghỉ dưỡng, sau đó mới định hướng để người dân làm theo mô hình. Đây là việc chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ở địa phương phải chủ động làm trước, từ đó mới thu hút đầu tư, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch.
Nếu không có mô hình phù hợp, rất khó tránh lặp lại những công trình xâm phạm di sản, phá vỡ cảnh quan, danh lam thắng cảnh.
Ngoài ra, để doanh nghiệp, người dân cùng đầu tư công trình phục vụ khách du lịch, địa phương cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ với các công trình như trạm nghỉ chân, nơi nghỉ dưỡng trong vùng di sản; hỗ trợ để người dân cải thiện nơi ở, công trình vệ sinh, chỗ ăn nghỉ để du khách tận hưởng được các giá trị thiên nhiên, văn hoá bản địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận