Lý do: mình là người Việt sống ở Mỹ, tự nhiên lại mua đồ sản xuất bên nhà, rồi mang ngược về quê tặng người thân. Những năm gần đây, khi đã chững chạc, mua hàng Việt, với tôi lại là nguồn yêu thích vô bờ bến bởi thị trường đã có sự thay đổi kinh ngạc.
Sự kinh ngạc đó có phần do thời cuộc. Kể từ khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 123 tỉ USD vào năm 2022. Việt Nam là đối tác kinh tế lớn thứ 8 của Mỹ. Vì thế, tại Mỹ, rất dễ mua đồ thể thao của Nike, Adidas, New Balance hoặc hàng hiệu tầm trung như Coach, Michael Kors được sản xuất ở Việt Nam.
Áo quần của H&M, Zara, Abercrombie, Hollister hay hiệu cá sấu Lacoste yêu thích của tôi cũng được sản xuất ở bên nhà. Mấy năm trước, tôi tự thiết kế đôi giày đi bộ của Nike, thêu tên mình luôn. Và khi được gửi tới, thấy dòng chữ "made in Vietnam", tôi nghĩ chắc bạn nào nhận đơn hàng này cũng cảm thấy rất thú vị khi làm ra đôi giày cho một người Việt.
Trong hệ thống siêu thị Mỹ, hàng Việt khá nhiều. Vào Costco, thấy hộp phở ăn liền được để ở chỗ dễ thấy nhất, hay áo quần, bánh tráng, bánh phồng tôm ở Walmart, tự nhiên thấy tự hào quá đỗi.
Quý Thanh, bạn tôi, trước khi theo chồng sang Thụy Điển, từng làm ở bộ phận quản lý chất lượng bên thứ 3 kiểm hàng trước khi xuất sang Mỹ cho Target, chia sẻ hàng may mặc của Việt Nam đứng đầu trong tất cả các quốc gia sản xuất cho Target.
Kế đến là đồ gỗ nội và ngoại thất rồi tới nến sáp, đồ chơi hay đồ gia dụng. Công ty tôi chuyên cho thuê mướn nhà nên vẫn mua rất nhiều đồ đạc như bóng đèn, thạch cao, ván ép, sơn tường... Việt.
Vào Home Depot hay Best Buy, không khó để thấy đồ gỗ và hàng điện tử gắn chữ Việt Nam. Những trang bán hàng châu Á như Umamicart, Yami, Walmart hay Weee! cũng có rất nhiều hàng hóa sản xuất trên đất Việt.
Và trong các siêu thị châu Á, có sự thay đổi ngoạn mục trong suốt gần hai mươi năm qua. Gia đình tôi sống ở ngoại ô thủ đô Washington D.C. Những ngày đầu mới tới Mỹ, đi chợ dễ dàng tìm thấy nhiều món đồ quen thuộc, nhưng "đội lốt" hàng Thái Lan hay Đài Loan với thứ tiếng Việt lủng củng, sai chính tả.
Vài năm gần đây, bánh trái, mắm muối, gia vị với nhãn tiếng Việt chuẩn, câu cú gọn gàng đã lên kệ, đánh bật những mặt hàng "đội lốt" khác về chất lượng lẫn giá cả.
Hàng chục loại mắm nêm, ruốc, sặt, lóc, linh, đặc sản từ Nam chí Bắc được bày bán. Cá, mực, tôm, cua, thủy hải sản đông lạnh ắp đầy siêu thị. Rồi mứt me, chùm ruột, hạt dưa, bánh tráng trộn, cơm cháy, mực xé khô hay phở, bún, bánh canh tươi lẫn khô toàn là hàng Việt.
Gần Tết có củ kiệu, dưa món, mứt dừa, bí, gừng bên nhà xuất sang. Cau tươi, bắp nếp, khoai môn, sả bằm, lá chuối hay các sản phẩm từ khoai môn, mì, sáp, sọ được chất đầy trong các tủ đông.
Mỗi lần có dịp ăn chay, tôi không còn phải mua chai xì dầu (nước tương) hay hũ chao mặn chát của Đài Loan nữa. Đổi lại giờ được ăn chao bùi bùi, ngòn ngọt Bông Mai hay chai nước tương Chinsu, Tam Thái Tử khá dịu.
Giữa xứ người, rưng rưng khi thấy chai chanh dây hay nước mía trộn tắc hoặc sầu riêng sản xuất ở quê nhà. Dẫu đông lạnh mang qua nhưng vẫn còn đầy hương vị.
Trà thảo dược Dr. Thanh hay trà xanh 0° luôn là món giải khát yêu thích của cháu tôi. Trung thu sắp đến, bánh của Đài Loan, Hong Kong khô cứng, nhân toàn hạt đã không còn được người Việt ngó mắt tới.
Họ tới tiệm mua bánh tự nướng, không chất bảo quản ngon hơn. Năm nay, bánh Như Lan được bán ngập tràn Facebook. Giá mắc hơn, nhưng tôi và bạn bè cũng mua một hai hộp ăn cho có không khí và hương vị quê nhà.
Và món hàng yêu thích nhất cho những người nghiện cà phê đậm đặc và thơm lừng mùi Việt như tôi, có lẽ là nhiều loại cà phê uống liền hay xay sẵn của Trung Nguyên, Vinacafe, King cafe hay Highland được bày bán khắp nước Mỹ.
Chỉ mong trái cây nhiệt đới bên nhà như sầu riêng, măng cụt, nhãn, vải, thanh long sớm sang Mỹ nhiều hơn để giá hạ bớt, ăn cho đã.
Dạo trước, chợ Việt Nam ở trung tâm Eden tại Falls Church (Virginia) đang bán buôn bình thường thì một siêu thị to gấp năm lần có chủ Trung Quốc nhảy vào mở sát bên. Tất nhiên, cá lớn nuốt cá bé, người ta bỏ sang bên kia mua sắm hết với giá rẻ và hàng hóa nhiều hơn.
Cạnh tranh không lại, bán buôn ế ẩm, tưởng đâu sắp đóng cửa. Thế là chủ chuyển hướng kinh doanh bằng cách khác: bán heo quay, nhập trái cây tươi và hàng hóa hầu hết có xuất xứ từ Việt Nam sang. Rau củ, thịt thà chỉ là thứ yếu.
Và phép màu đã xảy ra, dòng người xếp hàng mua sắm ngày một đông hơn. Bà con mê heo quay giòn tan, ngày bán ba bốn con của chợ. Nhưng hơn hết, có thể tất tần tật tìm được các món ngon quê mình, tưởng như phải về Việt Nam hay sang thủ phủ người Việt ở California mới có.
Xoài cát Hòa Lộc giá gấp năm lần xoài Mễ (Mexico) vẫn có người mua. Những gói bột nêm Maggie hay gia vị phở Hòa, hũ xốt bún bò, phở, xốt ướp xá xíu, bò kho, sa tế, canh chua, lẩu của Cholimex, tương ớt Chinsu, tương ớt xí muội, muối tôm Tây Ninh, tắc muối đường làm người ta mê mẩn. Mì tôm Miliket giúp chúng tôi tìm lại tuổi thơ.
Thậm chí họ bán cả cà cuống hiếm hoi để ăn bánh cuốn, ở nhà cũng khó mà tìm. Rồi những bao gạo Hai cá vàng, Ba con voi hay Hoa hồng dù để tiếng Việt nhưng là sản phẩm của Thái cũng đã được thay thế dần bằng loại gạo thơm hảo hạng ST25 trong bữa ăn của người Việt rồi.
Tháng trước, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, dòng người xếp hàng dài để mua gạo như thời Covid-19 lại xuất hiện ở vài nơi. Chúng tôi không lo vì tin rằng họ cấm, gạo Việt sẽ thế chân, thậm chí giúp giá gạo trên thế giới bớt nhảy múa.
Nỗ lực đi vào thị trường khó nhằn của Mỹ sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng hái quả ngọt. Tôi có thể mỉm cười tự hào khi nghe bạn bè, nhân viên Mỹ khoe mới mua đôi giày hay giỏ xách "made in Vietnam".
Còn chúng tôi bớt khệ nệ mang vác các loại thức ăn quen từ quê nhà sang. Cũng chẳng phải cười to khi nghe bạn bè ngạc nhiên hỏi "ở Mỹ cũng có mấy món quê này à?".
Vâng, có lẽ quá trình hợp tác của hai quốc gia đã mang lại những đổi thay quá lớn và nó đã lan tỏa đến từng gia đình, cá nhân, với chúng tôi, người Việt xa xứ rất tự hào khi thấy và được mua hàng "made in Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận