Câu chuyện về một học sinh ở Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) bị các bạn và cô giáo tát 231 cái đến mức phải nhập viện đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhìn kỹ thì thấy đây không chỉ là vấn đề trừng phạt học sinh như thường thấy, mà là biểu hiện trực tiếp của một vấn đề lớn hơn rất nhiều trong giáo dục.
Đó là vì sao 23 học sinh trong lớp lại răm rắp thực hiện mệnh lệnh của cô, một mệnh lệnh vô lý đến như vậy?
Nói cách khác, các em đang hành xử như những công cụ, không hề có tính tự chủ và tự trị trong lựa chọn và hành động của mình.
Đây là hệ quả trực tiếp của lối giáo dục theo hướng đào tạo con người công cụ đang phổ biến hiện giờ.
Ở đó, học sinh được rèn phải tuân thủ mọi yêu cầu được đưa ra bởi người có thẩm quyền, được dạy phải chấp nhận một diễn giải duy nhất mà không hề chất vấn.
Qua đó, các em đánh mất năng lực tư duy độc lập, năng lực đánh giá phải - trái, đúng - sai, năng lực lựa chọn và ra quyết định. Các em thuần túy chỉ hành xử như một robot theo sự chỉ đạo của người khác.
Và để cho những điều này có một lý do tồn tại, chúng thường được chính danh hóa bằng các thành tích, chỉ tiêu và danh hiệu, để trở thành một điều gì đó có ý nghĩa và yêu cầu tất cả mọi người đều phải tuân thủ.
Nhưng làm gì có thành tích hay danh hiệu nào có ý nghĩa trong giáo dục, nếu cách thức để đạt được nó lại phản giáo dục?
Đây không phải là câu chuyện riêng của học sinh Trường Duy Ninh và sự kiện này đang chạm đến một câu hỏi căn cốt: Hệ thống giáo dục đang hướng đến việc đào tạo con người nào, để mang lại kết quả như vậy?
Các hệ thống giáo dục có thể được thiết kế và vận hành theo các nguyên tắc khác nhau, nhưng sản phẩm đầu ra, tức những con người mà hệ thống giáo dục đào tạo ra, có thể phân chia thành hai loại lớn: con người tự do và con người công cụ.
Trong trường hợp này, chúng ta thấy rất rõ, 23 em học sinh tát bạn nói trên đã hành xử như những con người công cụ.
Xét sâu xa thì đó không phải là vấn đề của các em. Đó cũng không phải là lỗi của các em. Đó là vấn đề của ngành giáo dục. Bản thân cô giáo của các em cũng không hẳn đã có lỗi.
Cô đã thực hiện theo quán tính trong việc trừng phạt học sinh, với mục tiêu giúp cho nhà trường đạt được danh hiệu Chuẩn quốc gia mức độ 2.
Và nhà trường cũng chưa hẳn có lỗi, khi việc chạy theo thành tích này là tình trạng chung của cả ngành, do từ trên áp xuống.
Vì thế, muốn cho việc này không tiếp diễn thì ngành giáo dục phải thay đổi toàn diện, bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi: Hệ thống giáo dục này hướng đến việc đào tạo con người nào, con người tự do hay con người công cụ?
Tranh luận sẽ còn nhiều, nhưng câu trả lời thì đã hiển hiện.
Chỉ khi nào hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo những con người tự do, mà biểu hiện dễ thấy nhất là năng lực nhận thức để phân biệt phải - trái, đúng - sai và khả năng tự chủ của học sinh thể hiện rõ ràng thì câu chuyện nêu trên mới không còn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận