26/07/2010 07:26 GMT+7

Truyền hình công ích ở đâu?

TS NGUYỄN ĐỨC AN
TS NGUYỄN ĐỨC AN

TT - Là người nghiên cứu về truyền thông thế giới và có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực này tại Việt Nam, TS NGUYỄN ĐỨC AN - giảng viên báo chí ĐH Stirling (Anh) - nhận định về vai trò ngành truyền hình. Ông nói:

Vụ K+: “Nếu là người VN, tôi cũng bực mình”

khA2FTtH.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Đức An - Ảnh do tác giả cung cấp

- Chuyện cạnh tranh giành độc quyền phát sóng làm đội giá bản quyền chẳng phải lạ. Ở châu Âu chẳng hạn, cùng với xu hướng nới lỏng kiểm soát thị trường và sự phát triển công nghệ truyền hình mới từ những năm cuối thập niên 1980 là cuộc cạnh tranh giành khán giả ngày càng khốc liệt giữa các nhà đài.

Trong quá trình đó, người ta thấy bản quyền phát sóng năm sự kiện Olympic mùa hè và mùa đông giữa 2000 và 2008 lên đến gần 3,5 tỉ USD, con số chóng mặt so với 250 triệu phải trả cho Olympic mùa hè Atlanta 1996 và càng chóng mặt hơn so với 90 triệu cho Barcelona 1992!

Nếu VTV là công ích hoàn toàn

Giả dụ như có một đạo luật riêng quy định VTV là truyền hình công ích hoàn toàn thì VTV sẽ được đầu tư lớn nhưng không được phép làm kinh doanh, thậm chí không được lấy quảng cáo. Họ chỉ tồn tại để thực hiện tốt các chức năng chính trị và xã hội chính trong việc thông tin, giáo dục và giải trí cho mọi tầng lớp xã hội, bất kể giàu nghèo, sang hèn, có học hay không học. Hiện nay, ở ta hình như vẫn còn mập mờ chuyện này: về nguyên tắc, tất cả đều là công ích, nhưng trên thực tế, vì ngân sách hạn hẹp và nhiều lý do khác, phần lớn đều ít nhiều bị mục tiêu thương mại chi phối.

Chuyện người Việt phải trả tiền để xem bóng đá trên truyền hình cũng không có gì ngạc nhiên. Chúng ta đang vận hành trên thị trường toàn cầu hóa, nên việc này sớm muộn gì cũng diễn ra như ở mọi nơi trên thế giới. Điều quan trọng là trong một đất nước với đa số dân còn nghèo liệu có nên thả cho thị trường quyết định tất cả dịch vụ truyền thông?

Thật lòng tôi hơi sốc khi nghe con số 3 triệu đồng/năm mà một người hâm mộ Việt Nam phải trả nếu muốn xem bóng đá ngoại hạng (chưa kể đầu tư thiết bị ban đầu). Chẳng lẽ cái gì thuộc về thể thao đỉnh cao cũng phải trở thành hàng xa xỉ dành cho nhà giàu, như ông Nguyễn Thành Lương - phó tổng giám đốc VTV - nói?

Giáo dục lên giá, y tế đang ngấp nghé lên giá, nay đến dịch vụ truyền thông cơ bản cũng lên giá, người nghèo lấy tiền đâu chi cho xuể? Cho nên, tôi nghĩ phản ứng dư luận trong những ngày qua về sự độc quyền của K+ và vai trò của VTV trong việc này rất đáng để giới hữu trách lưu tâm.

Đừng để xã hội bị phân hóa

* Theo ông, đâu là cái gốc dẫn tới việc công chúng VN bị thiệt thòi như vậy?

- Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là chưa có một cơ chế ràng buộc giới truyền thông để mục tiêu lợi nhuận song hành cùng trách nhiệm xã hội, để họ cạnh tranh nhau mà xã hội không phải trả giá.

Đặc trưng kinh tế truyền thông là một thị trường sản phẩm kép (dual-product market). Các tổ chức truyền thông cùng lúc sản xuất hai thứ hàng hóa: thứ nhất là nội dung, được bán hay cấp miễn phí cho khán/thính/độc giả; thứ hai là khả năng tiếp cận lượng công chúng lớn, được bán cho nhà quảng cáo. Chú trọng vào sản phẩm nào sẽ đi cùng một khiếm khuyết thị trường tương ứng.

Với những ai chuyên bán nội dung hơn là sống nhờ quảng cáo, như trường hợp K+ hay truyền hình trả tiền nói chung, yêu cầu đầu tiên là phải đầu tư lớn và cạnh tranh, kể cả cạnh tranh mua bản quyền phát sóng các sự kiện có tính đại chúng, để có những nội dung hấp dẫn, càng mang tính độc quyền càng tốt. Càng cạnh tranh, càng đẩy chi phí nội dung lên. Cuối cùng tất cả dồn lên giá thành sản phẩm, khiến càng nhiều người không đủ sức chi trả bị đẩy ra khỏi thị trường.

Chuyện này có thể bình thường ở nhiều thị trường nhưng truyền thông là một lĩnh vực văn hóa, tinh thần cơ bản và thiết yếu cho phát triển xã hội, nên cần được kiểm soát và điều tiết để nó không phát triển tự do đến mức xã hội bị phân hóa, với lợi ích một số đông công chúng thu nhập thấp bị bỏ rơi hoàn toàn.

Cũng cần chỉ ra rằng từ khi bóng đá ngoại hạng lên cáp, các nhà đài đã vô hình trung loại đa số người VN, chủ yếu là dân nông thôn, ra khỏi cuộc chơi. Bởi nếu không có chính sách hỗ trợ thích hợp để điều tiết thị trường, đâu có ai sẵn lòng đầu tư đem cáp về thôn quê, nơi chi phí lắp đặt hạ tầng quá lớn trong khi giá cước vài chục ngàn đồng/tháng không phải nhỏ với người dân. Nay đến truyền hình vệ tinh với mức chi phí lắp đặt và thuê bao như trên thì sẽ càng hiếm người VN được xem các trận cầu đỉnh cao.

sXrjBoxq.jpgPhóng to
Ông Ba ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM cho biết: “Việc phải mua thêm đầu thu và trả phí vài trăm ngàn đồng một tháng để xem các giải bóng đá ngoại hạng là điều không tưởng với tôi” - Ảnh: Thuận Thắng

Nghĩ cho tương lai dân trí

* Như vậy, ý ông là giới truyền thông chỉ nên tập trung vào phát triển doanh thu từ quảng cáo, chứ không nên tập trung bán nội dung?

- Cũng không hẳn vậy, bởi trong trường hợp chỉ lấy quảng cáo là nguồn thu chính, lại nảy sinh chuyện đau đầu kiểu khác. Mục tiêu kinh doanh với những cơ quan truyền thông kiểu này thường là thu hút càng đông khán/thính/độc giả càng tốt, đặc biệt là các nhóm dân có sức mua cao (tức có sức hấp dẫn cao với giới quảng cáo). Cạnh tranh trong trường hợp này không phải là đi tìm “hàng độc” (nội dung độc quyền) mà là tập trung sản xuất bất cứ nội dung nào đại đa số công chúng ham muốn.

Ai cũng nhắm vào thị hiếu số đông, nên cạnh tranh quảng cáo không dẫn đến đa dạng hóa sản phẩm như trong các lĩnh vực khác, mà là sự đồng nhất hóa sản phẩm. Đồng thời, nội dung nào chỉ hấp dẫn một thiểu số, cho dù có giá trị xã hội bao nhiêu đi nữa, sẽ không được các báo đài tập trung đầu tư. Quan trọng hơn, thường những nội dung hấp dẫn thị hiếu đại chúng lại là những nội dung chẳng mang lại giá trị giáo dục hay thông tin nào.

Đó là lý do vì sao các chương trình tầm phào đông người xem hơn chương trình nghiêm túc. Cũng là lý do vì sao ở ta cứ vào các “giờ vàng” thì trên kênh truyền hình nào cũng vậy nếu không là chương trình trò chơi thì là các bộ phim tình cảm sướt mướt nhiều tập, hoặc các nội dung “hấp dẫn” nhưng vô thưởng vô phạt khác...

Chúng ta phải tự hỏi nếu một dân tộc suốt ngày chỉ được xem những nội dung như vậy thì tương lai dân trí sẽ phát triển ra sao? Nếu không có những thiết chế và đạo luật ràng buộc trách nhiệm xã hội để điều tiết thị trường truyền hình, chúng ta sẽ lâm vào tình thế rất nguy kịch.

* Gần đây, nhà chức trách Singapore đã phải có động thái can thiệp chưa từng có vào việc hai công ty truyền hình cạnh tranh nhau dẫn đến giảm chất lượng chương trình. Theo ông, với đặc thù Việt Nam, liệu Nhà nước cần có sự can thiệp kiểu như vậy không?

- Chuyện can thiệp trực tiếp vào một vụ việc riêng lẻ đôi khi cần thiết, nhưng cũng phải dựa trên luật. Quan trọng nhất là phải xây dựng một triết lý phục vụ truyền thông và hành lang pháp luật chặt chẽ, chi tiết (chứ không chung chung như Luật báo chí hiện nay) để thực hiện triết lý đó.

Một vấn đề quan trọng là cần rà soát và tái cấu trúc lĩnh vực truyền hình, phân định rõ giữa truyền hình công ích (public service television) chuyên phục vụ công chúng và truyền hình thương mại (commercial television) chuyên phục vụ thị trường. Và trong truyền hình thương mại, cũng cần luật hóa những trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp truyền thông phải tuân theo khi cạnh tranh (chứ không phải theo Luật doanh nghiệp chung chung).

Ở nhiều nước đã và đang phát triển, để hạn chế những tác động tiêu cực từ cạnh tranh trên thị trường giữa các hãng truyền hình thương mại, người ta thường lập ra và luật hóa một đài quốc gia lớn mạnh để chỉ làm truyền hình công ích. Truyền hình công ích chỉ sống dựa chủ yếu trên tiền thuế, không phải lo toan chuyện lời lỗ quá nhiều để tập trung phục vụ công chúng thuộc mọi thành phần xã hội.

Kỹ sư Đặng Tấn Mầu:

Bất hợp lý từ VTV

Ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới, truyền hình free-to-air (truyền hình phát miễn phí hay truyền hình quảng bá) đều đã có chuẩn đầu thu chung cho người dân dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên truyền hình trả tiền lại không tuân thủ theo nguyên tắc này mà đi theo hướng mỗi đài một đầu thu khác nhau.

Có thể có hai hãng truyền hình cùng dùng chung loại đầu thu nhưng thẻ sử dụng vẫn khác nhau. Nhiều hãng truyền hình trả tiền sẵn sàng cho không đầu thu để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Chẳng hạn như Hãng Direct TV của Mỹ, người dùng chỉ việc gọi điện đến hãng sẽ được nhân viên mang đầu thu đến tận nhà và lắp đặt hoàn toàn miễn phí. Người dùng chỉ việc thanh toán cước thuê bao hằng tháng, không phải trả tiền mua đầu thu.

Nhiều hãng truyền hình ở châu Âu bán đầu thu với chi phí tượng trưng không đáng bao nhiêu. Mục đích chính của họ là thu hút người dùng dựa trên nội dung truyền hình chứ không phải kiếm lời từ đầu thu.

Theo tôi, ở VN, vai trò của VTV rất quan trọng khi phần lớn các đài truyền hình trả tiền như SCTV, VCTV và nay thêm VSTV (sản phẩm là kênh K+) đều có phần vốn góp của VTV. Vậy mà VTV để thả nổi, không thống nhất được một đầu thu là một sự bất hợp lý.

Phải đặt quyền lợi người dân lên đầu

Sau một tuần tập trung thông tin vụ K+ (sản phẩm của VSTV, một công ty trực thuộc Đài truyền hình VN với 51% cổ phần) bắt chẹt người hâm mộ bóng đá quốc tế ở VN, Tuổi Trẻ xin tạm khóa lại câu chuyện này bằng cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Đức An và ý kiến của kỹ sư Đặng Tấn Mầu, nguyên trưởng phòng kỹ thuật HTV.

Theo lời hứa từ phía K+, vào đầu tháng 8 tới sẽ có một cuộc họp báo rộng rãi để công bố kết quả làm việc với các đơn vị truyền hình cáp như SCTV, HCTV... thông báo chi tiết kế hoạch phát sóng các giải bóng đá quốc tế từ mùa 2010-2011.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn về câu chuyện K+ bắt chẹt người xem truyền hình, đó là việc Nhà nước cần phải sớm tham gia lĩnh vực này khi nó ngày càng tỏ ra vượt khỏi tầm kiểm soát, như lời phát biểu của ông Lưu Vũ Hải - cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình: "Chúng tôi sẽ sớm tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này”.

Bởi thực tế đã cho thấy người dân thật sự khổ sở khi ba năm trước tốn tiền mua đầu thu của VTC thì nay, khi VTC không còn làm chủ bản quyền truyền hình bóng đá Anh, người xem lại phải móc hầu bao sắm đầu thu và chảo của K+! Vì vậy, đến mùa bóng 2013-2014, người dân lại phải móc túi để sắm thiết bị của một kênh Z+ nào đó là hoàn toàn có khả năng xảy ra, nếu Nhà nước không tham gia chấn chỉnh lĩnh vực này.

______________________

* Tin bài liên quan:

Vụ K+: Người hâm mộ ngán ngẩmDoanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hộiCuộc tranh mua không đáng cóGà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!Thấy bở, nên đào mãiĐộc quyền phát sóng, người xem méo mặtTổng giám đốc VSTV nói gì?Vụ K+: Giá như cạnh tranh bằng sự sáng tạo

TS NGUYỄN ĐỨC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên