21/07/2010 06:47 GMT+7

Cuộc tranh mua không đáng có

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Muốn thưởng thức các trận bóng đá của các giải đấu hấp dẫn qua truyền hình trực tiếp thì phải trả tiền. Điều này được coi là bình thường ở nhiều nước, bởi từ lâu truyền hình trực tiếp bóng đá được thừa nhận là loại hình phục vụ giải trí đặc biệt và có sức sinh lợi cao.

Nó cũng được người dân VN dần quen và chấp nhận, thông qua lộ trình đưa các chương trình truyền hình thể thao, trong đó có các chương trình tường thuật trực tiếp bóng đá, vào hệ thống dịch vụ truyền hình cáp.

Vấn đề của năm nay là để có thể xem cùng một số lượng các trận đấu bóng đá như năm trước, người thuê bao phải trả tiền cao hơn gấp nhiều lần. Mức phí dịch vụ tăng cao đột ngột chắc chắn sẽ khiến một bộ phận rất lớn khán giả truyền hình buộc phải từ bỏ thú vui theo dõi các trận cầu hay được truyền hình trực tiếp vào cuối tuần do không đủ khả năng chi trả.

Dư luận bức xúc vì chính sự tranh mua giữa các nhà đài đã đẩy giá bản quyền truyền hình vọt lên nhanh và cao ngất. Không ai phủ nhận rằng một khi được thừa nhận có chức năng kinh doanh, các hãng, đài truyền hình có quyền tự do cạnh tranh vì mục tiêu lợi nhuận cũng như vì sự sống còn và giá trị của thương hiệu. Song riêng trong vụ này, rõ ràng do thách nhau giành quyền phục vụ, rốt cuộc doanh nhân nội lại tạo điều kiện cho doanh nhân ngoại móc túi đồng bào mình.

Đáng nói nữa là tất cả những công ty tham gia tranh mua bản quyền truyền hình bóng đá đều là các doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, ba trong số bốn doanh nghiệp liên quan đều có thành viên góp vốn chủ lực là cơ quan truyền hình quốc gia, tức “gà cùng một mẹ”.

Thật ra, với tư cách là một chủ thể kinh doanh, mỗi doanh nghiệp tự nhiên có xu hướng cân nhắc và tính toán lời lỗ cho riêng mình. Tuy nhiên, bản thân thành viên góp vốn cũng có các lợi ích của nhà đầu tư. Người bỏ nhiều tiền vào việc xây dựng các doanh nghiệp khác nhau hoàn toàn có thể dùng vị trí khống chế của mình tại hội nghị thành viên để chi phối chính sách, chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Bằng cách ấy nhà đầu tư có thể loại trừ khả năng đối đầu giữa các doanh nghiệp thuộc cùng lĩnh vực mà trong đó mình có phần vốn góp quan trọng.

Mặt khác, cứ tin rằng đến một lúc nào đó xã hội sẽ giàu lên và các nhu cầu vui chơi, giải trí thư giãn của các tầng lớp dân cư sẽ được đáp ứng đầy đủ bằng các dịch vụ đa dạng cả về loại hình và giá cả; người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn tùy theo sở thích và túi tiền. Nhưng có lẽ trong vòng 5-10 năm nữa, truyền hình vẫn là phương tiện giải trí chủ yếu; đặc biệt, xem bóng đá quốc tế trực tiếp chắc chắn vẫn là món ăn tinh thần ưa thích của đại đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp. Nói rõ hơn, tính chất phục vụ đại chúng của dịch vụ truyền hình ở VN vẫn phải tiếp tục được ghi nhận và coi trọng trong một thời gian dài nữa so với tính chất thương mại của nó.

Bởi vậy, cơ quan truyền hình quốc gia đáng lý ra phải chủ động can thiệp vào cuộc giành giật về bản quyền giữa các công ty mà cuối cùng chỉ có khán giả truyền hình nhận lãnh hậu quả bất lợi. Trách nhiệm đó bắt nguồn không chỉ từ yêu cầu bảo vệ lợi ích tối hậu của nhà đầu tư, mà còn từ các đặc điểm của chức năng phục vụ mang đậm ý nghĩa chính trị được giao cho hệ thống truyền hình công trong hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của đất nước.

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên