20/07/2010 18:04 GMT+7

Gà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Các đài truyền hình của VN đã cùng nhảy vào mua bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế khiến giá đội lên khủng khiếp, người tiêu dùng lãnh đủ!

* Chỉ với Giải ngoại hạng Anh: mua 8 triệu USD, bán 13,8 triệu USD * Luật sư Phan Trung Hoài: Cần vai trò quản lý của Nhà nước

2IwZZmsQ.jpgPhóng to

Xung quanh chuyện phải tốn nhiều tiền mới được xem bóng đá quốc tế qua truyền hình, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Lương - phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN (VTV):

M1ltRuAz.jpgPhóng to
Dù quảng cáo rầm rộ nhưng ít người xem sử dụng dịch vụ của K+ do giá khá cao - Ảnh: T.T.D.

* Thưa ông, được biết K+ là một doanh nghiệp mà Đài truyền hình VN (VTV) có vốn chi phối là 51%. Xin ông cho biết vai trò của VTV trong việc điều hành hoạt động của K+ cũng như trong việc đưa ra mức giá cụ thể cho các gói cước xem bóng đá quốc tế?

- Như tất cả chúng ta đều biết, VTV là một cơ quan truyền thông của Nhà nước và có nghĩa vụ phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội của mình, thông tin chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các tin tức phục vụ dân sinh trên các kênh truyền hình công cộng của mình, hoàn toàn miễn phí.

VTV cũng có nghĩa vụ phải làm nhiệm vụ phổ cập các chương trình giải trí, thể thao đến nhân dân ở một mức độ chấp nhận được mà không quá tốn kém cho ngân sách.

Trong trường hợp với thể thao, đó chính là động thái của chúng tôi tìm mọi cách để thương thảo mua được bản quyền phát sóng sạch tất cả các trận đấu ở World Cup 2010 vừa qua. Nhưng Giải ngoại hạng Anh, Serie A (Giải vô địch Ý) hay La Liga (Giải vô địch Tây Ban Nha) hoàn toàn không mang tính chất đó.

Đó thật sự là một món hàng xa xỉ. Bản quyền các giải đấu này ngày càng cao là do nó đã phải gánh thêm chi phí từ những ngôi sao trị giá hàng chục triệu đôla. Đã là hàng xa xỉ thì không thể có chuyện miễn phí được. Và quả thật không nên miễn phí. Do đó Nhà nước cũng không nên bỏ tiền mua bản quyền các trận đấu này về phát miễn phí.

Giá mua bản quyền tăng như vũ bão

Đơn vị độc quyền phân phối bản quyền Giải ngoại hạng Anh (EPL) tại VN đã mua bản quyền EPL với giá 8 triệu USD (cho ba năm) và bán gói “chủ nhật độc quyền” cho K+ với giá 10 triệu USD, cho SCTV gói “thứ bảy không độc quyền” với giá 1,7 triệu USD, cho VCTV với giá khoảng 1,8 triệu USD, cho VTC (chỉ được phát riêng trên hệ HD) với giá gần 300.000 USD.

Như vậy chỉ riêng gói bản quyền EPL, với sự “nồng nhiệt” từ bốn doanh nghiệp có vốn nhà nước của VN, MP&Silva đã thu về 13,8 triệu USD.

Bản quyền truyền hình các chương trình bóng đá mà VN phải mua tăng như vũ bão, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới.

Bản quyền EPL mà VTC mua cách đây ba năm là 1 triệu USD/mùa, cả các trận thứ bảy và chủ nhật, tăng 10% mỗi năm. Như vậy bản quyền EPL các năm 2007, 2008, 2009 lần lượt là 1 triệu, 1,1 triệu và 1,2 triệu, nay tăng lên 10 triệu USD cho ba năm, tăng hơn ba lần. Bản quyền Giải vô địch Đức đã tăng từ 40.000 lên 220.000 USD trong hai năm. Bản quyền Giải vô địch Tây Ban Nha trước đây là 350.000 USD cho ba mùa, nay K+ mua với mức giá 1,5 triệu USD cho ba mùa.

Nhưng do nhu cầu xem các trận đấu này là có thật, nên các đơn vị kinh doanh truyền hình vẫn mua để phát trên các kênh truyền hình trả tiền. K+ cũng như tất cả các kênh truyền hình cáp đều là truyền hình trả tiền, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, mục tiêu là thu hồi vốn, là lợi nhuận.

Giá thành các gói cước mà họ đưa ra là trên cơ sở tính toán các thiết bị thu phát sóng và tiền mua bản quyền, tất nhiên đã có lợi nhuận trong đó. VTV tuy có vốn chi phối 51% trong K+, nhưng chủ yếu giữ vai trò điều hành về nội dung là chính.

Nhiệm vụ chính của VTV là đảm bảo các chương trình phát trên K+ lành mạnh, chất lượng cao chứ không can thiệp vào việc kinh doanh khi doanh nghiệp không vi phạm luật pháp VN.

* Nhưng thưa ông, chúng tôi được biết trong thương vụ đàm phán mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh năm nay có đến bốn đơn vị cùng đứng ra mua bản quyền phát sóng là SCTV, VCTV, K+, VTC và đẩy kinh phí bản quyền tổng cộng cho bốn gói riêng rẽ lên đến 13,8 triệu USD (cho ba mùa liên tiếp). Trong khi K+ có 51% vốn của VTV, SCTV cũng có 50% vốn của VTV, VCTV cũng có 50% vốn của VTV (VTC cũng là một tổng công ty nhà nước), như vậy toàn là “gà nhà đá nhau”.

Tại sao cùng là đơn vị nhà nước mà lại không thể ngồi thỏa thuận trước với nhau, để cùng cầm tiền tranh nhau mua khiến người bán tha hồ “bắt chẹt”?

- Thật sự chính tôi cũng đang đau đầu về chuyện này. Đúng là không hay chút nào khi cùng lúc các doanh nghiệp “gà cùng một mẹ” đồng loạt đàm phán mua bản quyền cùng một giải đấu. Nhưng do tính cộng đồng của người VN mình phải nói là chưa cao nên ngồi lại với nhau rất khó.

* Vậy thưa ông, ai sẽ là người có trách nhiệm trước tình trạng “tranh mua” để nước ngoài hét giá cao vô tội vạ và người xem phải chi trả quá cao so với thu nhập như hiện nay?

- Tình hình “tranh mua” này sẽ còn gây bức xúc nhiều cho công chúng. Hiện tại chưa có luật để khống chế đặc quyền trong lĩnh vực này. VTV thì chỉ quản lý nội dung. Cục Phát thanh - truyền hình cũng chỉ là cơ quan quản lý nhà nước để “tuýt còi” mỗi khi các chương trình truyền hình có nội dung vi phạm pháp luật hay vi phạm bản quyền.

Vì vậy chúng tôi đang hết sức cố gắng để thành lập Hiệp hội Truyền hình. Đây sẽ là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng giữa các hội viên. Hiệp hội sẽ cố gắng đạt được sự thỏa thuận giữa các hội viên trước khi đàm phán với các đối tác bên ngoài, nhằm đưa giá bản quyền xuống mức thấp nhất, đảm bảo quyền lợi quốc gia, quyền lợi của người xem truyền hình và quyền lợi của từng thành viên hiệp hội.

Cá nhân tôi, dù rất thích bóng đá, nhưng nhiều lúc tôi thầm nghĩ: bản quyền đắt vô lý thế này, sao tất cả các đài không bắt tay nhau để quyết tâm hạ giá bản quyền, nếu không được thì... không phát bóng đá một mùa, dân mình cũng “tẩy chay” bóng đá một mùa. Chắc chắn năm sau giá bản quyền phải hạ (!).

Một trong nhiều nguyên nhân khiến giá bản quyền bán cho VN cao còn vì các nhà kinh doanh thế giới nhận thấy VN đang là một thị trường quá nóng.

Cần vai trò quản lý của Nhà nước

Đó là ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài xung quanh vụ phải tốn nhiều tiền mới được xem bóng đá quốc tế.

Theo thông tin trên báo chí, mặc dù ngày 25-6, VSTV - công ty sở hữu thương hiệu kênh truyền hình K+ - chính thức công bố độc quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh (EPL) và Giải vô địch quốc gia Ý (Serie A) trong ba mùa giải tới, nhưng mọi người vẫn chỉ biết được “sự độc quyền” nói trên thể hiện qua văn bản chính thức của ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh khẳng định Công ty MP&Silva là đơn vị hợp pháp duy nhất phân phối bản quyền phát sóng truyền hình EPL tại VN và văn bản của MP&Silva khẳng định VSTV là đơn vị nắm bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu của giải này.

Có phần của người dân trong VSTV

Trước hết, cần khẳng định Nhà nước VN tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Tuy nhiên, liên quan đến sự kiện “độc quyền” này, chúng tôi cho rằng có sự chưa rõ ràng trong việc thực thi bản quyền truyền hình với vai trò quản lý của Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Việc Công ty VSTV cũng là đơn vị trực thuộc Đài truyền hình VN (VTV) đã phát sinh nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Vấn đề đặt ra là một cơ quan và doanh nghiệp truyền thông thuộc sở hữu nhà nước như VTV đáng lẽ phải quan tâm thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng như quy định tại khoản 3 điều 8 Luật sở hữu trí tuệ, nhưng nay doanh nghiệp trực thuộc VTV lại đang tìm cách thông qua việc “độc quyền” phát sóng dẫn đến làm tăng chi phí trả cho việc mua thiết bị thu kỹ thuật số và chi phí thuê bao hằng tháng tăng gấp nhiều lần mặt bằng giá hiện nay.

Phần vốn nhà nước trong VSTV bỏ ra để mua được bản quyền truyền hình nói trên, suy cho cùng cũng từ nguồn tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp. Trong trường hợp này, đến lượt mình người dân phải được thụ hưởng chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ là cùng với việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân, Nhà nước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng.

Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phải xem xét dưới góc độ Luật cạnh tranh

Mặt khác, việc tuyên bố và đưa ra bằng chứng chỉ là hai văn bản xác nhận Công ty MP&Silva là đơn vị hợp pháp duy nhất phân phối bản quyền phát sóng truyền hình EPL tại VN và văn bản của MP&Silva khẳng định VSTV là đơn vị nắm bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu của giải này có phải là cơ sở pháp lý duy nhất khẳng định họ được “độc quyền” phát sóng EPL hay không?

Trong trường hợp này, nếu đúng là ban tổ chức EPL - chủ sở hữu quyền phát sóng chương trình của EPL - đã chuyển nhượng quyền tác giả hoặc xác nhận đơn vị hợp pháp duy nhất phân phối bản quyền phát sóng cho Công ty MP&Silva, đến lượt mình MP&Silva xác nhận VSTV là đơn vị nắm bản quyền phát sóng EPL thì về mặt pháp lý, đơn vị chủ sở hữu bản quyền phát sóng EPL và các đơn vị nhận chuyển nhượng bản quyền này cần tiến hành các thủ tục đăng ký bản quyền phát sóng nói trên đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của VN để có thể được bảo hộ trên lãnh thổ VN.

Ngoài ra, liên quan đến giá cả của các thiết bị kỹ thuật số và chi phí trả thuê bao hằng tháng mà VSTV đưa ra hiện nay cao hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng kinh doanh lĩnh vực này cũng cần được xem xét dưới góc độ Luật cạnh tranh.

Luật cạnh tranh nghiêm cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh như lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.

Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng nhà nước về quản lý cạnh tranh cần quan tâm xem xét để bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực này được công bằng, minh bạch, có lợi cho người dân.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên