21/07/2010 06:44 GMT+7

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Đó là phát biểu của ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, về vụ người hâm mộ bóng đá ở VN phải tốn nhiều tiền mới được xem các giải bóng đá quốc tế vốn đang gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây.

QV5ljtmf.jpgPhóng to

Cách làm ăn bất chấp người nghèo của K+ (thương hiệu của một doanh nghiệp thuộc VTV) đã làm dư luận bất bình - Ảnh: T.T.D.

Cuộc tranh mua không đáng cóGà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!Thấy bở, nên đào mãiĐộc quyền phát sóng, người xem méo mặt

* Thưa ông, sau sự việc K+ tuyên bố độc quyền cung cấp phát sóng Giải ngoại hạng Anh (EPL) và đưa ra giá gói cước quá cao khiến người xem truyền hình bức xúc, có tin là một số đài truyền hình đã cùng có công văn khiếu kiện lên Cục Phát thanh truyền hình về việc K+ đã vi phạm điều 11 của Luật cạnh tranh. Ông có thể xác nhận thông tin trên hay không và hướng giải quyết của cục, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, sẽ là như thế nào?

- Đúng là chúng tôi vừa nhận được công văn của một số đài địa phương, xin phép chưa công bố cụ thể tên và số lượng, không phải là kiện cáo mà là phản ảnh và khiếu nại về tình trạng trên. Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, xem xét ở góc độ pháp lý. Phải nói rất thật rằng đây là vấn đề quá mới, chưa từng có tiền lệ ở VN. Vụ việc, theo tôi, sẽ rất phức tạp. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp luật, sau khi đã tham khảo các cơ quan chuyên môn liên quan khác như Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, Bộ Tư pháp...

* Nhưng thưa ông, có một vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước lẽ ra có thể điều chỉnh được ngay, đó là việc cùng lúc bốn doanh nghiệp VN có vốn nhà nước cùng đàm phán với một đối tác duy nhất để mua một mặt hàng duy nhất khiến giá mua bị đẩy lên cao, dẫn đến việc giá bán lẻ trong nước tăng đột biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng?

- Đó mới là hiện tượng báo chí nêu, chúng tôi còn phải kiểm tra lại. Nếu đúng là như vậy thì cần phân biệt rõ ở đây là bốn doanh nghiệp độc lập, với tư cách pháp nhân hoàn toàn độc lập, nhất là ba doanh nghiệp có vốn của VTV, họ vẫn là ba doanh nghiệp chứ không phải ba đài truyền hình. VTV tham gia dưới góc độ kiểm soát nguồn vốn sở hữu thôi. Nếu VTV đứng ra ký cùng lúc ba hợp đồng mua ba gói bản quyền thì cơ quan quản lý nhà nước mới có ý kiến được. Pháp luật phải điều chỉnh vào pháp nhân. Bốn pháp nhân thực hiện hành vi mua bán theo chức năng đăng ký kinh doanh, nói cơ quan nhà nước can thiệp, quả thực rất khó.

* Vậy còn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước mà chính ông đã lên tiếng trong một cuộc trả lời với báo chí? K+ cũng là một doanh nghiệp có vốn nhà nước?

- Đúng, về vấn đề này thì rất nên lên tiếng. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội thì mới phát triển bền vững trong xã hội đó. Nhất là doanh nghiệp có nguồn vốn nhà nước thì lại càng phải đặt trách nhiệm đó cao hơn. Nếu không sẽ có lúc xã hội tẩy chay anh và sản phẩm hàng hóa của anh.

* Vậy thưa ông, vụ bản quyền và giá cước K+ sẽ được giải quyết theo hướng nào, và thời gian sẽ nhanh hay lâu, vì người xem truyền hình đang rất sốt ruột?

- Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ cố gắng thu thập và xử lý thông tin theo hướng luật thế nào thì thực thi thế ấy. Có nhiều điều luật chưa tiên lượng được, chưa chi tiết, cụ thể mà lại gây bức xúc xã hội thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ trưng cầu ý kiến của nhân dân. Chúng tôi cũng đề nghị báo chí cung cấp thông tin chính xác cùng với những đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý. Sắp tới, Cục Phát thanh truyền hình sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề bản quyền truyền hình và sẽ trưng cầu ý kiến của tất cả cơ quan đài báo quan tâm.

Đó là góc nhìn của một số chuyên gia về truyền hình đối với việc độc quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế.

● Ông Võ Văn Cầm (giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu):

Về mặt truyền thông, cả xã hội đều biết VTV là truyền hình quốc gia của VN, VTC là tập đoàn truyền thông đa phương tiện cũng của quốc gia. Những đài truyền hình còn lại trong cuộc đua bản quyền này có thể nói đều là chân rết của VTV (bởi VTV luôn sở hữu ít nhất 50% các đơn vị này). Trước mắt có thể thấy xã hội đang bị thiệt hại bởi sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong một nước đã góp phần đẩy giá bản quyền lên cao. Các đài mua với giá bản quyền cao thì đương nhiên sẽ phát sóng với cước phí cao hơn. Người dân dù chọn cách nào cũng phải tốn nhiều tiền hơn. Vấn đề quan trọng cần giải quyết ở đây là quyền lợi tự thân của VTV và các đơn vị liên kết với VTV trong cuộc đua này chứ không phải là chuyện rối về phương thức hay quan điểm gì cả.

● Ông Huỳnh Kim Ngọc (phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai):

Về mặt nguyên tắc, chúng ta phải tôn trọng vấn đề bản quyền của các nhà đài. Tuy nhiên sự việc này cũng cho thấy cần phải có một hiệp hội về phát thanh truyền hình trả tiền đứng ra trả giá bản quyền với nước ngoài, tránh sự cạnh tranh trực tiếp giữa các đài trong nước làm đẩy giá bản quyền lên cao. Đây chỉ là một chiêu làm ăn, người ta lấy lý do truyền hình nước ngoài thu phí để làm hẹp dần những kênh truyền hình miễn phí trong nước. Hiện đang là sự thâu tóm trong phát sóng bóng đá thuộc lĩnh vực thể thao nhưng sau này sẽ dần lan sang những lĩnh vực khác: văn nghệ, điện ảnh... Nếu giữa các đài trong nước không có sự thỏa thuận mà lại đi cạnh tranh với nhau thì người xem sẽ bị thiệt thòi.

● Ông Đặng Tấn Mầu (nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM):

Các đài truyền hình cáp địa phương không thể nào đọ lại chi phí để cạnh tranh bản quyền. Đài truyền hình VN mới là nơi người xem nên đặt kỳ vọng. Theo cách lý giải của các đài có bản quyền phát sóng thì họ phải thu phí cao để bù đắp chi phí bản quyền lớn đã đầu tư trước đó. Vậy có nên chăng trao việc thu phí người dân cao ngất ngưởng này cho các đài trên hay Đài truyền hình VN sẽ chủ động đứng ra thu phí quảng cáo để bù đắp lại. Cụ thể, Đài truyền hình VN có thể đứng ra mua bản quyền và sau đó vận động quảng cáo để bù lại khoản chi và dùng sóng mua được phát rộng rãi cho người dân. Đó mới là điều khán giả nên hi vọng ở Đài truyền hình VN.

Rất nhiều ý kiến của người xem bóng đá quốc tế đã gửi về Tuổi Trẻ nhằm phản ứng về việc truyền hình VN tham gia vào vụ “móc túi người dân”. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Bye Giải ngoại hạng Anh thôi!

Tôi là một người hâm mộ Giải ngoại hạng Anh, nhưng nếu phải bỏ ra một tháng vài trăm ngàn đồng thì đành phải nói bye (tạm biệt) giải đấu này vậy. Bởi lương tôi chỉ 2 triệu đồng/tháng, nên nếu xem thì chẳng lẽ cắt ăn sáng của con à? Thôi, xin tạm biệt M.U, Chelsea, Arsenal... vậy!

Quá chán các ông nhà đài

Trước đây bà con ta xem thoải mái các trận bóng đá quốc tế mà chẳng phải tốn đồng nào. Thế rồi VTC nhảy vô độc quyền, bắt bà con ta phải mua đầu thu, chảo... và tiền thuê bao. Thôi thế cũng được, đa số dân VN mình “nghiện” bóng đá mà. Thế rồi ba năm sau, “đùng” một cái ông K+ nào đó nhảy vô, lại bắt bà con ta phải mua đầu thu của ổng nếu muốn thỏa “cơn nghiện” của mình. Tại sao thế nhỉ? Chẳng lẽ Nhà nước mình không quản nổi mấy ông truyền hình này sao. Chưa nói còn đầu thu VTC đã lỡ mua rồi vứt đi đâu? Hay vẫn giữ lại, biết đâu ba năm sau ông VTC lại hất ông K+ gì gì đó ra, hay mai mốt có ông K-, B, C, D... ra đời, lại bắt bà con đổi đầu thu khác... Nghĩ mà phát mệt.

● Không thể nói như ông phó tổng giám đốc VTV là: ”Thật sự chính tôi cũng đang đau đầu về chuyện này. Đúng là không hay chút nào khi cùng lúc các doanh nghiệp “gà cùng một mẹ” đồng loạt đàm phán mua bản quyền cùng một giải đấu. Nhưng do tính cộng đồng của người VN mình phải nói là chưa cao nên ngồi lại với nhau rất khó”.

Các vị giám đốc ấy cầm 51% tiền do dân nộp vung tay thoải mái, xong xuôi về bắt chính những người dân ấy phải mua sản phẩm mà họ mua hớ từ nước ngoài với giá cao. Vậy thử hỏi làm sao họ có thể làm ăn thua lỗ được.

● Bản chất vấn đề thao túng, áp đặt giá thuê bao đối với người xem, theo tôi nghĩ một phần là do các cơ quan chức năng, đặc biệt là VTV. VTV vốn là một cơ quan của Nhà nước phục vụ việc nghe nhìn của toàn dân, nay lại tách ra kinh doanh dựa trên nguồn vốn của nhà nước là tiền của dân đóng thuế, rồi cho người dân thuê lại với mức phí cắt cổ. VTV hãy kinh doanh bằng vốn tự có của mình đi thì hỏi xem có làm như thế được không?

● Tôi thấy có vấn đề gì đó không bình thường ở đây. SCTV là công ty liên doanh có 51% vốn của nhà nước, phương án kinh doanh phải khả thi chứ. Tôi cảm giác thấy K+ cố tình đẩy phí bản quyền lên cao để độc quyền, không tính đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. K+ không lỗ mới là lạ, nếu lỗ phía đối tác nước ngoài họ sẽ vui hay buồn nhỉ. Mọi người cùng suy ngẫm?

Người nghèo không được xem bóng đá!

Như vậy bắt đầu từ đây, quyền được xem bóng đá quốc tế chỉ được giới hạn cho những người có thu nhập tương đối. Không hiểu có nhà đài nào thử tính dân lao động phổ thông (phần lớn) thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng có thể mua một chảo KTS ban đầu 1,5 triệu rồi phải đóng 250.000 đồng/tháng để được xem bóng đá? Như tôi thu nhập 5 triệu đồng/tháng cũng không vì một đam mê mà phải bỏ ra số tiền như vậy. Nói như một vị lãnh đạo của kênh K+ phát biểu trên 360 độ thể thao của VTV3: “Chúng tôi muốn phục vụ đến đông đảo công chúng VN được xem các trận đấu hấp dẫn vào các ngày cuối tuần”. Thật nực cười khi thử hỏi hơn 80 triệu dân VN, bao nhiêu phần trăm người dân “được” là “đông đảo công chúng” nếu không bỏ ra số tiền 4,5 triệu đồng/năm để được xem bóng đá!

VTV ơi, sao lại thế?

Không biết VTV khi liên kết với Canal+ để làm dịch vụ này có nghĩ đến những người thu nhập thấp không (mà đa số người dân VN đều thu nhập thấp), hay những suy tính lợi nhuận đã làm họ mờ mắt? Có bao nhiêu gia đình ở VN có điều kiện bỏ ra 5 triệu đồng/năm xem bóng đá? Giá như chỉ mình Canal+ thì không nói gì, đằng này có sự tiếp tay của VTV - một đài truyền hình quốc gia, lớn mạnh nhờ tiền thuế của dân, mà nay đối xử như thế thì không thể chấp nhận được.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên