02/01/2020 11:15 GMT+7

Trường xác nhận, sinh viên mới được làm thêm?

NGỌC DIỆP - BÌNH AN
NGỌC DIỆP - BÌNH AN

TTO - Mải mê làm thêm kiếm tiền, rất nhiều sinh viên xao nhãng học hành. Có nên bắt buộc doanh nghiệp khi tuyển sinh viên làm thêm phải được sự xác nhận của trường?

Trường xác nhận, sinh viên mới được làm thêm? - Ảnh 1.

Bạn Công Minh - sinh viên năm 3 Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở TP.HCM - cho biết đã làm nhiều công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: HOÀNG AN

50-70% số sinh viên có làm thêm là con số được nhiều trường đại học, cao đẳng xác nhận. Và do cơ chế đào tạo theo tín chỉ nên có những sinh viên đăng ký ít tín chỉ mỗi học kỳ để dành phần lớn thời gian đi làm thêm bên ngoài. Tuổi Trẻ chia sẻ ý kiến của đại diện các cơ sở đào tạo về vấn đề này.

PGS.TS Đinh Văn Hải (trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

Cần đưa quy định vào luật

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã từng làm khảo sát và được biết 70% sinh viên trong trường có làm thêm. Chúng tôi cũng có cảnh báo các sinh viên năm thứ ba quá mải mê làm thêm, xao nhãng việc học và có các cố vấn chỉ ra cho sinh viên thấy lợi, hại của con đường ngắn hạn và dài hạn.

Nội quy của trường có quy định học đủ số tiết, sinh viên đều đáp ứng được. Nhưng vấn đề là để đảm bảo chất lượng đào tạo, học trên lớp 1 giờ thì học ở nhà phải là 4-5 giờ mới đủ điều kiện để thi. Những sinh viên đi làm sẽ không đảm bảo được số giờ học ở nhà. Nhà trường có nội quy, có tuyên truyền nhưng không có cơ sở để quản lý được giờ tự học của sinh viên.

Nếu thực hiện, chúng ta nên làm đồng bộ, cần đưa ra quy định quản lý giờ làm thêm của sinh viên trở thành luật. Để các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với sinh viên cần có trách nhiệm đảm bảo giờ giấc, nếu không sẽ bị chế tài. Trường ĐH cũng có thể tạo kênh hỗ trợ việc làm cho sinh viên để thông qua đó quản lý giờ học của sinh viên.

Bà Đặng Hương Giang (trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Thủy lợi):

Muốn làm thêm, nên có xác nhận của trường

Số sinh viên của Trường ĐH Thủy lợi đi làm thêm phải chiếm tới 50%. Công việc họ chọn rất đa dạng, giúp họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn có thêm nhiều kỹ năng mềm để chuẩn bị cho tương lai sau này. Tất nhiên việc làm thêm luôn có hai mặt, có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc học chính khóa.

Hiện nay trường chỉ quản lý được giờ giấc của sinh viên nội trú, còn quản lý giờ giấc sinh viên ngoại trú rất khó. Trường cũng chỉ có biện pháp nhắc nhở thôi.

Do đó, nếu có quy định chung để quản lý giờ giấc của sinh viên, theo tôi nên có quy định đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động. Khi họ muốn ký hợp đồng với sinh viên thì phải yêu cầu sinh viên lấy xác nhận của trường. Với hệ thống quản lý trên máy tính như hiện nay sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý sinh viên.

Bị đuổi về nước vì làm thêm nhiều hơn 90 phút

marisu youbi o san bay khi bi truc xuat

Chuyện anh Marisu Youbi bị trục xuất vì làm thêm giờ quá quy định từng là đề tài truyền thông tại Đan Mạch. Trong ảnh: anh chia tay chị gái ở sân bay trước khi về lại Cameroon - Ảnh chụp màn hình

Tại nhiều nước, sinh viên phải trải qua nhiều thủ tục và nhận được sự cho phép từ các cơ quan quản lý mới được đi làm thêm. Họ cũng có các quy định cụ thể để xử lý những trường hợp làm chui hoặc làm vượt quá thời gian quy định, gây ảnh hưởng tới việc học.

Tại Mỹ, khi được cấp visa F-1, các sinh viên sẽ được phép làm thêm 20 giờ/tuần trong kỳ học và 40 giờ/tuần vào các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, sinh viên chỉ được làm thêm trong trường, chẳng hạn tại quán cà phê hay căngtin của trường.

Nếu muốn làm thêm bên ngoài, sinh viên phải nhận được sự tiến cử từ một chuyên viên trường được gọi là DSO, và sau đó phải được Sở Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) cấp giấy phép lao động. Một điều kiện quan trọng là sinh viên phải có 1 năm học tại Mỹ và làm các công việc liên quan đến chuyên ngành.

Nếu bị phát hiện vi phạm các quy định khi đi làm thêm, sinh viên có thể bị tước visa và bị trục xuất về nước hay gặp các rắc rối khi quay lại Mỹ trong tương lai.

Tại Úc, những người có visa sinh viên hợp lệ có thể làm việc tối đa 40 giờ/2 tuần trong suốt kỳ học và làm việc toàn thời gian trong các kỳ nghỉ. Nếu làm nhiều hơn thời gian cho phép, visa của sinh viên có thể bị hủy.

Tại Canada, chỉ cần có giấy phép du học (study permit), sinh viên có thể làm thêm trong trường. Nếu là một sinh viên chính quy học tập toàn thời gian và có "giấy phép học tập" hợp lệ, sinh viên có thể làm thêm ngoài trường với thời gian tối đa 20 giờ/tuần trong kỳ học.

Tại Đan Mạch, luật quy định các sinh viên quốc tế chỉ được làm thêm 15 giờ/tuần. Năm 2016, nước này từng thẳng tay tước giấy phép cư trú và trục xuất Marius Youbi, một sinh viên đến từ Cameroon, chỉ vì sinh viên này làm thêm vượt hơn thời gian cho phép 90 phút, bất chấp thành tích học tập của sinh viên này cực kỳ tốt.

Thăm dò ý kiến

Tập trung làm thêm kiếm tiền, rất nhiều sinh viên xao nhãng học hành. Có nên quy định cứng giờ làm thêm của sinh viên?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Sẽ giảm thời gian làm thêm của sinh viên chạy xe ôm công nghệ? Sẽ giảm thời gian làm thêm của sinh viên chạy xe ôm công nghệ?

TTO - Đó là nội dung trong văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa được Văn phòng Chính phủ gửi các bộ liên quan.

NGỌC DIỆP - BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên