![Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM nói về đặc thù của TP trong việc tinh giản, sáp nhập - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/thanh-uytto-1739431004706645987187.jpg)
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - Ảnh: N.KH.
Sáng 13-2, thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh Thành ủy TP.HCM đang chỉ đạo thực hiện và chấp hành nghiêm, nghiên cứu kỹ thực tiễn và tổ chức bộ máy, đặc biệt là khối chính quyền của TP khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phương án sáp nhập, tên gọi một số sở khác hướng dẫn chung
Trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp, TP đưa ra nhiều phương án trên cơ sở định hướng theo chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ vào đặc thù của TP và các mô hình đang thí điểm.
TP cũng lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo... để xây dựng và đề án "có khác biệt một chút so với Trung ương".
"Chúng tôi cũng lo lắng là không biết phương án đó được quyết định thế nào sau khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy" - bà Tuyết nêu vấn đề khi cho biết TP có một số điểm khác biệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền.
Bà dẫn chứng, theo định hướng của Trung ương, Sở Xây dựng sẽ sáp nhập với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được xem là sở đặc thù.
Mặc dù TP vẫn đảm bảo đủ 15 sở theo định hướng, song quyết định giữ lại Sở Giao thông vận tải và đổi tên là Sở Giao thông công chính.
Lý do, sở này đảm nhiệm thêm nhiệm vụ liên quan đến mảng công chính của Sở Giao thông vận tải và các sở khác như Sở Xây dựng.
Việc chuyển các nhiệm vụ này về Sở Giao thông công chính để đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ chức năng liên quan tới mảng công tác này.
Cùng đó, Sở Xây dựng sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đây là điều chỉnh khác so với Hà Nội và Trung ương.
Theo bà Tuyết, việc hợp nhất hai sở này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng đô thị gắn với giao thông.
Thực tế các dự án công trình mà TP đang ấp ủ, đã trình, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội có khối lượng công việc rất lớn.
Chưa kể hiện nay Sở Xây dựng cũng đang phụ trách mảng công việc rất lớn. Vì thế, bà Tuyết cho rằng nếu sáp nhập hai Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải sẽ trở thành một siêu sở đặc biệt lớn. Vì vậy bà Tuyết cho rằng trong tình hình chung TP cân nhắc phương án như trên và được thống nhất cao.
Ngoài ra, TP quyết định giữ nguyên tên Sở Tài nguyên - Môi trường sau khi sáp nhập với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là điểm khác theo hướng dẫn của Chính phủ khi hai sở này hợp nhất sẽ lấy tên là Sở Tài nguyên và Nông nghiệp.
Lý do là để hạn chế sửa đổi và thay đổi các biểu mẫu liên quan đến hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trường hợp phải sửa đổi tên gọi theo hướng dẫn, sẽ phải sửa toàn bộ hồ sơ với khối lượng rất lớn, ảnh hưởng chi phí hành chính.
Vì sao đề xuất tiếp tục thí điểm Sở An toàn thực phẩm?
Từ đó, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP kiến nghị trong quá trình sửa đổi lấy ý kiến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần bổ sung nội dung liên quan tới việc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, đặc biệt là hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có thể khác biệt so với quy định chung.
Ngoài ra, đối với Sở An toàn thực phẩm đang thực hiện thí điểm, bà Tuyết cho hay do đặc thù của TP có quy mô dân số lớn, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Vì vậy, TP kiến nghị cho phép được tồn tại sở này, thực hiện thí điểm theo nghị quyết 98.
Việc này nhằm gắn với công tác đảm bảo sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn thực phẩm mà vẫn đảm bảo yêu cầu chung. Trường hợp hết thời gian thí điểm, TP sẽ đánh giá lại, chịu trách nhiệm đề xuất tiếp về hoạt động của cơ quan này.
Cùng đó, TP.HCM cũng có một vài cơ quan đặc biệt như Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên hiệp hữu nghị. Các cơ quan này đảm nhiệm việc tham mưu cho UBND tạo cầu nối, gắn kết tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy nguồn lực.
Theo định hướng, các cơ quan này phải sắp xếp lại, trong khi đây là mô hình đang phát huy tốt. Vì vậy, bà Tuyết kiến nghị với một số cơ quan tại cơ sở gắn với đặc điểm riêng của địa phương, đang hoạt động hiệu quả cần cân nhắc trong việc sắp xếp, tinh gọn.
"Chúng tôi mong có sự linh hoạt cho TP.HCM. Tổng số đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm nhưng có thể có một vài đơn vị khác so với hướng dẫn của Trung ương. Chúng tôi lo luật có hiệu lực rồi, quy định chi tiết tên các đơn vị thì khó cho TP.HCM" - bà Tuyết bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận