Phóng to |
Họ nghĩ, nói, ân hận và cả những lời chửi bới... tất cả đều là những hành động cuối cùng. Mọi thứ có thể sẽ khác đi khi với hình thức thi hành án tử hình mới, con đường áp giải ra trường bắn sẽ không còn...
Phút cuối
Năm 1993, dư luận Hà Nội rúng động về thông tin một đại úy công an giết người trên cầu Chương Dương. Nghi phạm chính là đại úy công an Nguyễn Tùng Dương, trải qua nhiều lần xét xử khác nhau, cuối cùng tòa tuyên tử hình Nguyễn Tùng Dương.
Cũng năm 1993, trại giam số 1 Hà Nội chuyển về xã Xuân Phương đồng thời cũng hình thành ở đây trường bắn Cầu Ngà.
Tuy không phải là người đầu tiên “khai trương” trường bắn nhưng rất nhiều người dân sống ở khu vực huyện Từ Liêm đều nghĩ Nguyễn Tùng Dương đã “xông đất” trường bắn này. Bởi đơn giản buổi thi hành án ấy rất đông người quan tâm và đến xem.
Cũng vì thế mà xung quanh vụ xử bắn này có rất nhiều đồn thổi. Đại úy Lê Quý Long, người làm việc tại trường bắn Cầu Ngà từ ngày mới thành lập, kể: “Dân hồi ấy bức xúc quá, một buổi tối (sau khi thi hành án Tùng Dương xong) tôi đi ăn phở với vợ, nghe mấy thanh niên nói với nhau: “Không bắn Tùng Dương đâu, tráo rồi”. Vốn rất đau lòng vì đó là đồng đội của tôi nhưng tôi rất bực mà không thể làm gì. Tôi còn nhớ trong suốt thời gian ở pháp trường, Tùng Dương có xin thuốc để hút một lần rồi bình thản đón nhận sự trừng phạt”.
Trung tá Trịnh Đình Hùng (công tác tại trại giam số 1 Hà Nội) kể một câu chuyện, đó là lần thi hành án tử tù Hồ Tuấn Hùng (Hùng beo) phạm tội giết người cướp của. Hùng chơi bạc bị thua nên giết con bạc để cướp tiền. “Vụ án này lâu rồi và tôi không nhớ năm nào nhưng năm ấy thi hành án nhiều lắm. Thậm chí thời gian giữa các lần xử bắn không cách nhau bao nhiêu. Ở trường bắn thường có rất nhiều kiến vàng. Kể từ khi dẫn giải, làm các thủ tục và nghe đọc tuyên án, anh ta không mảy may lộ cảm xúc sợ hãi hay van xin gì. Trước khi thi hành án mọi người bất ngờ khi Hùng chợt la lên: “Cán bộ ơi đuổi kiến cho em” với một thái độ rất hoảng hốt. Lúc ấy đội xạ thủ đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng chiều theo nguyện vọng cuối cùng của tử tù nên vẫn có người ra xoa chân, đuổi kiến cho cậu ấy”. |
Ông Phạm Bá Ngãi, nguyên trung đội phó trung đội cảnh sát cơ động tỉnh Sơn La, người từng tham gia trong đội thi hành án tử tù nhiều năm liền, hiện đã nghỉ hưu và làm bảo vệ cho một công ty xây dựng ở Bản Cọn (TP Sơn La), kể trong rất nhiều vụ tử hình mà ông từng tham gia, có người bị ngất do mất tinh thần trước giờ ra trường bắn thường được gọi là “chết lâm sàng”.
Nhưng có một trường hợp mà ông rất nhớ, đó là vụ xử bắn nữ tử tù Nguyễn Thị Thêu ở Mộc Châu. Nữ tử tù này cũng giữ kỷ lục là người chờ thi hành án lâu nhất ở Sơn La (tám năm).
Trong suốt thời gian từ khi đưa từ buồng giam ra đến pháp trường chị ta không ngừng chửi bới cán bộ và hội đồng thi hành án với những lời rất thậm tệ. Chị ta không ăn uống, không muốn thay quần áo, không muốn làm vệ sinh cá nhân và luôn miệng chửi bới cả trên xe dẫn giải lẫn ở pháp trường.
“Đấy là vụ mà hội đồng thi hành án bị chửi nhiều nhất, với nhiều từ khó nghe nhất” - ông Ngãi nói.
Vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn là một trong những vụ án gây chấn động toàn quốc về quy mô hoạt động cũng như số người tham gia. Buổi thi hành án tử hình Vũ Xuân Trường và đồng bọn tại Cầu Ngà có đến bảy tử tù bị thi hành án.
“Bảy người được dẫn ra từ trại giam. Trong khi người đàn bà duy nhất trong số bảy người ấy gần như suy sụp hoàn toàn thì Vũ Xuân Trường tỏ ra khá bình thản. Còn Bùi Danh Ca thì nhăn nhở đùa tếu: Sáu anh em mình là vừa một mâm” - anh Lê Quý Long, người làm công tác dẫn giải tử tù, kể.
Giờ dẫn giải
Những tử tù chờ ngày thi hành án tại các trại giam được gọi là “ma sống”. Các tử tù thường chỉ nói chuyện và trao đổi với nhau qua vách mà chẳng ai biết mặt ai. Thường là hỏi nhau tội gì, kháng án chưa, phạm tội ở đâu... đến khi quen thì có thể “đánh cờ mồm” với nhau.
Hầu hết tử tù đều biết nếu chừng 3g sáng có tiếng bước chân người, tiếng mở khóa lách cách là biết sắp có tử tù phải “lên đường”. Đang đánh cờ mồm mà nghe tiếng chân cán bộ là tất thảy mọi người đều nhao nhao: Ai đi thế?
Người đến lượt, sau phút hoảng hốt khi đi qua mỗi buồng giam đều nán lại vài giây để chào “bạn cờ, bạn tù” của mình cùng những lời dặn dò: Ở lại giữ sức khỏe nhé. Sang bên kia rồi gặp nhau, chúng ta tiếp tục làm bạn.
Sau những lời chào bạn tù là lời chào dành cho giám thị và quản giáo cùng lời cảm ơn vì đã chăm sóc họ trong thời gian qua và nhiều lời hứa: sẽ phù hộ cho những người sống được mạnh khỏe và gặp may.
Đại tá Vũ Xuân Hồng, phó giám thị trại giam số 1 Hà Nội, nói: “30 năm công tác, không nhớ nổi bao lần đã được nghe những lời chào như vậy. Và khi những bước chân của cán bộ và người bị thi hành án nhỏ đi là những tiếng thở dài dường như dài hơn. Phải mất vài ngày sau đó những câu chuyện mới lại được tiếp tục kể, những ván cờ mồm mới tiếp tục được bày ra”.
Làm công tác dẫn giải tử tù từ trại giam ra pháp trường với quãng đường hơn 1km bằng xe chuyên dụng, anh Long nhớ nhiều câu chuyện trên xe: “20 năm trước chưa có xe chuyên dụng chúng tôi phải chở phạm nhân bằng xe đi thuê.
Thường các tử tù đều nhận thức được tội lỗi của mình nên họ sẵn sàng đón nhận cái chết, cũng không ít người sợ quá mà ngất đi nhưng thường thì họ vẫn chuyện trò. Người mở đầu các câu chuyện ấy luôn là cán bộ dẫn giải”.
Anh Long kể: “Để giảm bớt sự căng thẳng và sợ hãi tôi thường hỏi nhiều chuyện vui vui mà tử tù biết, thậm chí có lần tôi còn kể chuyện cười hoặc tán dóc. Ví như lần dẫn giải Xiêng Phênh (vụ Vũ Xuân Trường, sau này được giảm án từ tử hình xuống chung thân) tôi còn hỏi về quan hệ của Xiêng Phênh với các phụ nữ Việt Nam. Sau này tôi mới biết Xiêng Phênh có chung với Lại Thị Ngấn một đứa con trai. Tôi còn hỏi chuyện tình yêu, chuyện tán gái... Sau này Xiêng Phênh chuyển đi trại giam khác còn gửi lời chào tôi”.
_____________
Không ít người từng tham gia thi hành tử hình ở pháp trường đã nói họ như “trút được một gánh nặng” với Luật thi hành án hình sự được ban hành.
Kỳ cuối: Đường đến nhà thi hành án mới
Kỳ 1: “Bí mật” ở trường bắnKỳ 2: Nơi bình yên cuối cùngKỳ 3:Người “quản trang” ở Cầu Ngà Kỳ 4:Trộm xác và câu chuyện sửa luật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận