
Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng về thuế quan làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Mặc dù 4-4 là ngày nghỉ nhân dịp thanh minh ở Trung Quốc, Bắc Kinh thông báo họ sẽ áp thuế quan 34% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 10-4, tương đương cả về thời điểm lẫn mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp cho Trung Quốc.
Tác động toàn cầu
Sau các động thái trả đũa của Trung Quốc, ngay lập tức thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Không chỉ Mỹ mà nền kinh tế toàn cầu cũng có vẻ u ám khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào vòng xoáy mới của chiến tranh thương mại.
Trong tuần qua, Goldman Sachs đã nâng khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới từ mức 20% lên 35%, còn Ngân hàng đầu tư J.P. Morgan ước tính có 60% khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay, tăng so với mức dự tính 40% trước đó.
Chỉ trong vòng chưa tới một tuần, cuộc chiến thương mại đã gây ra những tổn thất lớn nhất cho thị trường thế giới kể từ đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích tính toán rằng gần 5.000 tỉ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ bài phát biểu áp thuế của Tổng thống Trump vào hôm 2-4.
Sáng 5-4, tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) của Trung Quốc đã đăng bài "Trung Quốc phản đòn thuế quan của Mỹ: Các biện pháp nhanh chóng, mạnh mẽ bao gồm từ thuế bổ sung đến kiểm soát xuất khẩu".
Bài xã luận cảnh báo rằng Bắc Kinh vẫn có thể đáp trả mạnh mẽ và chính xác hơn nếu Washington tiếp tục hành vi bắt nạt thương mại đơn phương.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết trong một bài đăng trên Facebook vào sáng thứ bảy 5-4: "Thị trường đã lên tiếng". Ông đăng một bức ảnh chụp lại sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Ngoài các mức thuế đã áp dụng trước đó, mức thuế mới 34% của Trung Quốc được coi sẽ đánh vào ít hàng hóa hơn so với mức thuế của ông Trump vì Trung Quốc bán cho Mỹ nhiều hơn so với lượng hàng họ mua.
Trung Quốc đã mua 147,8 tỉ USD chất bán dẫn, nhiên liệu hóa thạch, hàng nông sản và các sản phẩm khác của Mỹ vào năm ngoái. Trong khi đó Trung Quốc đã bán 426,9 tỉ USD điện thoại thông minh, đồ nội thất, đồ chơi và nhiều sản phẩm khác cho Mỹ.
Nhưng trong khi thuế quan của ông Trump miễn trừ một số loại hàng nhập khẩu lớn, như chất bán dẫn và dược phẩm, thì thuế quan của Trung Quốc không có miễn trừ nào.
Phản ứng nhanh, mạnh của Bắc Kinh
Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, ngay cả khi lượng hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ giảm vào năm ngoái.
Các tiểu bang nông nghiệp là thành trì cử tri ủng hộ ông Trump trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, nên bằng cách tấn công vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ xuất khẩu, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng họ muốn ông Trump phải trả giá.
Cổ phiếu của các công ty kinh doanh ngũ cốc hàng đầu như Archer-Daniels-Midland giảm 8%, trong khi Bunge giảm 6%. Các công ty phân bón Mosaic và CF Industries lần lượt giảm 10% và 8%.
Chính sách trả đũa của Bắc Kinh cũng mang tính toàn diện hơn. Trung Quốc không chỉ dùng biện pháp thuế quan mà còn các hình thức phi thuế quan khác như kiểm soát xuất khẩu đối với khoáng sản đất hiếm bao gồm samari, gadolinium và terbium, vốn rất quan trọng đối với nhiều công nghệ khác nhau, và đệ đơn kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới về những gì ông Trump gọi là thuế đối ứng.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã đình chỉ nhập khẩu thịt gà, bột xương và lúa miến (cao lương) từ sáu công ty của Mỹ, thêm 27 công ty vào danh sách các công ty phải đối mặt với hạn chế thương mại và mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với DuPont China Group Co. - một công ty con của tập đoàn hóa chất đa quốc gia này.
Có thể nói Bắc Kinh đang tấn công các lĩnh vực nhạy cảm về mặt chính trị và mang tính "sát thương" đối với ông Trump bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, một số hạn chế về đất hiếm và bổ sung "danh sách thực thể không đáng tin cậy" đối với các công ty Mỹ.
Nếu so với thời điểm 2018 và 2019, khi các quan chức Trung Quốc phản ứng khá thụ động trước các chính sách thương mại của ông Trump và đôi khi mất vài ngày để đáp trả, thì lần này họ đã hành động nhanh, mạnh và rộng hơn nhiều.
Cũng giống như ông Trump khá nhất quán với quan điểm về thuế quan của mình, Trung Quốc lần này cũng thể hiện không nhường bước. Cách tiếp cận tăng thuế quan mạnh tay để gây sức ép đàm phán của ông Trump sẽ không hiệu quả đối với Bắc Kinh trong năm 2025. Trung Quốc hiện nay cũng không còn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu như trong nhiệm kỳ một của ông Trump.
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu rõ: "Nếu Mỹ có ý định khác và khăng khăng đòi chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hoặc bất kỳ cuộc chiến nào khác, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng".
Bắc Kinh đang đặt cược rằng ông Trump sẽ chịu áp lực ngày càng tăng trong nước để nới lỏng một số mức thuế quan của mình vì tác hại mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ như lạm phát tăng.
Còn Washington tin rằng thuế quan xuất hiện vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc và họ buộc phải "xuống thang" hạ thấp hàng rào thương mại.
Thị trường tài chính toàn cầu đang kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận tạm thời trước thời hạn ngày 10-4, nhưng một thỏa thuận trong tương lai gần nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường Mỹ - Trung dường như rất khó xảy ra.
Cùng với việc Canada hay Liên minh châu Âu cũng chuẩn bị "ăn miếng trả miếng" với Mỹ về thuế quan, Trung Quốc hiện đã có "những đồng minh tạm thời" trong cuộc "đấu súng" với Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận