
Giới quan sát hoài nghi về đòn thuế quan mới của Tổng thống Trump sẽ có tác dụng ngược với Trung Quốc - Ảnh: FOREIGN POLICY
Trong nỗ lực tái định hình trật tự thương mại toàn cầu, Tổng thống Donald Trump mới đây đã tuyên bố áp thuế đối ứng trên diện rộng, với mục tiêu ưu tiên là bảo vệ người lao động Mỹ. Thế nhưng, theo Hãng tin AFP, một nghịch lý đáng chú ý ở đây là Trung Quốc - quốc gia bị ông Trump coi là đối thủ hàng đầu - lại có thể trở thành bên hưởng lợi từ làn sóng thuế quan này.
Tận dụng cơ hội lôi kéo đồng minh Mỹ
Ngày 4-4 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đáp trả Washington bằng cách đánh thuế 34% lên tất cả mặt hàng của Mỹ, tuyên bố kiểm soát xuất khẩu đất hiếm - nguồn nguyên liệu thiết yếu trong nhiều ngành công nghệ cao.
Song song đó, Bắc Kinh cũng chủ động hồi sinh các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh lâu năm của Washington và vốn luôn dè chừng với đất nước tỉ dân - vào ngày 30-3 bằng cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm giữa ba nước với những hứa hẹn hợp tác đáng chú ý.
"Nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ tích cực hơn trong việc “lôi kéo” các quốc gia này, tự định vị mình là trụ cột kinh tế vững chắc và đáng tin cậy hơn trong khu vực.
Và cũng đừng quên yếu tố “hình ảnh” (cách thế giới nhìn nhận - PV) trong câu chuyện. Bắc Kinh đang cố dựng lên kịch bản rằng việc Mỹ áp thuế chính là bằng chứng cho thấy cường quốc này đang suy yếu - khi Washington phải quay sang bảo hộ mậu dịch, bắt nạt đồng minh và rút lui khỏi các chuẩn mực toàn cầu", bà Lizzi Lee, chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.
Chuyên gia Yun Sun từ Trung tâm Stimson cũng đồng tình rằng Trung Quốc lần này phản ứng bình tĩnh hơn: “Tôi cho rằng người Trung Quốc xem đây là cơ hội, và họ tin rằng Mỹ đang tự làm suy yếu chính mình”.

Trung Quốc "vinh dự" nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách các nước bị đánh thuế đối ứng của Washington, với mức thuế phải chịu lên tới 34% - Ảnh: REUTERS
Đồng minh hoài nghi, Trung Quốc chờ thời
Không chỉ riêng Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ cũng đang dần mất niềm tin vào chiến lược thương mại của Washington.
“Có rất nhiều quốc gia từng là đồng minh kiên định và trung thành với Mỹ. Giờ đây, niềm tin của họ vào cách tiếp cận của Mỹ với thế giới - tôi không nói là nó đã tan vỡ - nhưng chắc chắn niềm tin này đang lung lay”, bà Yun Sun cho biết.
Trong khi đó, những người phản đối Trung Quốc cho rằng động thái áp thuế của ông Trump đã chấm dứt quan điểm từng phổ biến ở Washington, rằng việc để Trung Quốc tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Theo họ, thực tế đã cho thấy Trung Quốc không thay đổi như kỳ vọng, và Mỹ cần từ bỏ cách tiếp cận cũ để đối phó hiệu quả hơn với Bắc Kinh.
Thành viên của Hạ viện Mỹ Chris Smith nhận xét: “Ý tưởng cho rằng Trung Quốc có thể là thành viên có trách nhiệm trong hệ thống thương mại quốc tế - mà cụ thể là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - nơi đề cao sự công bằng và bình đẳng trong thương mại, thực sự là một trò đùa”.
Theo bà Lizzi Lee, xung đột thương mại sẽ không chỉ đơn giản là câu chuyện kinh tế với Tổng thống Trump.
“Đối với ông Trump, chiến tranh kinh tế không phải là vấn đề kinh tế hay thị trường chứng khoán - mà là về hình ảnh áp đảo và thể hiện sức mạnh. Và điều đó để ngỏ khả năng xoay trục, nếu ông Tập đưa ra được một đề nghị mà Tổng thống Trump có thể quảng bá như một chiến thắng cho bản thân”, bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận