Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới - Ảnh: WEF
Theo Nikkei Asian Review ngày 3-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra thông báo trên tại một cuộc gặp của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Ông Lý tuyên bố Trung Quốc sẽ mở cửa cho đầu tư nước ngoài, cũng như tạo ra một môi trường minh bạch và dễ đoán hơn.
Công bố của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý nối lại đàm phán. Kể từ khi Mỹ liên tục đè thêm gánh nặng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài cũng dần tháo chạy khỏi nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới này.
Nikkei Asian Review cho rằng các áp lực kinh tế đã buộc Bắc Kinh phải thỏa hiệp với yêu cầu của Mỹ, mở cửa thị trường rộng hơn nhằm giảm bớt thiệt hại.
Theo ông Lý, giới hạn đối với quyền sở hữu cổ phiếu, bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng tương lai của doanh nghiệp ngoại cũng sẽ được gỡ bỏ vào năm sau. Trung Quốc đã bắt đầu cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đa số cổ phần trong doanh nghiệp tại đây từ năm 2018 và, theo dự tính trước đó, sẽ mở hoàn toàn quyền sở hữu vào năm 2021.
Ngoài lĩnh vực tài chính, nhà đầu tư ngoại cũng được cho phép tiếp cận ngành viễn thông, Internet và giao thông vận tải với ít rào cản hơn.
Theo quy định hiện tại, các tổ chức và cá nhân tại Trung Quốc phải nắm giữ đa số cổ phần trong các hãng hàng không. Bộ máy lãnh đạo đại diện của những hãng này cũng phải là người có quốc tịch Trung Quốc.
Các nhà mạng điện thoại, doanh nghiệp viễn thông và Internet nội địa cũng bắt buộc phải có 50% số vốn đầu tư của Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh nước này sẽ không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực thẻ tín dụng và xếp hạng tín dụng. Đây là lĩnh vực doanh nghiệp ngoại vẫn chần chừ chưa nhảy vào, dù Bắc Kinh đã tuyên bố mở cửa.
"Các tổ chức có vốn nước ngoài sẽ nhận được sự đối đãi tiêu chuẩn cho toàn quốc trong điều tra tín dụng, xếp hạng tín dụng và thanh toán", ông Lý hứa hẹn.
Nikkei Asian Review nhận định, với những thay đổi lớn này, Trung Quốc đang hi vọng lôi kéo nhà đầu tư quay về những lĩnh vực dịch vụ đang tạo ra việc làm, nhằm lấp khoảng trống do các công ty sản xuất hàng hóa bỏ lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận