10/01/2019 15:22 GMT+7

Trung Quốc đưa tên lửa 'bao trùm Biển Đông' lên cao nguyên để làm gì?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa DF-26 (Đông Phong 26) tới khu vực cao nguyên và sa mạc ở tây bắc Trung Quốc.

Trung Quốc đưa tên lửa bao trùm Biển Đông lên cao nguyên để làm gì? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 của quân đội Trung Quốc - Ảnh: www.news.cn

Thông tin này ban đầu được Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) tường thuật ngày 8-1. Thời báo Hoàn Cầu ngày 9-1 nhấn mạnh thêm là thông tin được phát ngay sau vụ tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ áp sát 3 đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Tuy nhiên, thông tin của đài CCTV không nói rõ mốc thời gian cụ thể mà loại tên lửa trên được triển khai. CCTV chỉ cho biết loại tên lửa này hiện cũng "có khả năng tham gia các hoạt động linh hoạt trên khắp Trung Quốc".

DF-26 là phiên bản tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và lớn trên biển. Loại tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Tháng 4-2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tên lửa DF-26 đã chính thức gia nhập lực lượng tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Hiện DF-26 nằm dưới sự quản lý của một lữ đoàn thuộc lực lượng tên lửa này tại vùng tây bắc Trung Quốc.

Thông tin trên ngay lập tức gây sự chú ý trên truyền thông nước ngoài. Trang tin news.com.au của Úc đặt ngay dòng tít: "Trung Quốc kích hoạt tên lửa diệt hạm DF-26 ngay sau lời đe dọa đánh chìm 2 tàu sân bay". 

Vụ dọa "đánh chìm 2 tàu sân bay" đề cập tới đề nghị của tướng La Viện của Trung Quốc hồi tháng 12-2018 về việc đánh chìm 2 tàu sân bay của Mỹ trên Biển Đông để giành lợi thế trong một cuộc chiến.

Trung Quốc đưa tên lửa bao trùm Biển Đông lên cao nguyên để làm gì? - Ảnh 2.

Tên lửa DF-26 lộ diện nhân một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9-2015 - Ảnh: JAPAN TIMES/Wikimedia Commons

Nhưng tại sao loại tên lửa DF-26 lại được triển khai lên tận khu vực cao nguyên ở vùng tây bắc xa xôi của Trung Quốc?

Theo lý giải của một chuyên gia quân sự sống ở Bắc Kinh, việc triển khai DF-26 sâu trong đất liền sẽ khiến nhiệm vụ đánh chặn của đối phương trở nên chông gai hơn.

Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, vị này cho biết trong giai đoạn đầu khi phóng một tên lửa đạn đạo, tên lửa sẽ bay tương đối chậm và không khó để đối phương phát hiện. Do đó, nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho các tên lửa đánh chặn của địch.

Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, tốc độ của tên lửa sẽ rất nhanh và khó có khả năng bị dàn tên lửa của đối phương đánh chặn. Đây có thể là lý do quân đội Trung Quốc triển khai DF-26 lên tới tận cao nguyên.

Một số báo cáo cho biết DF-26 có tầm bắn 3.000 - 4.000 km. Tuy nhiên, theo trang china.com, tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu cách xa 4.500 km. Với tầm hoạt động này, DF-26 thậm chí có khả năng tấn công các mục tiêu xa ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam.

"Ngay cả khi được phóng từ các khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, DF-26 có tầm bắn đủ xa để bao trùm khắp Biển Đông", chuyên gia trên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia nói rằng thông tin về việc triển khai DF-26 là "lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ (cái gọi là) lãnh thổ" của họ. Theo báo Japan Times, tuyên bố này dường như ám chỉ tới các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Báo Japan Times cho biết thông tin về việc triển khai DF-26 hiện cũng gây nhiều lo ngại tại Nhật Bản - nơi có các căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Mỹ.

Đài Loan tuyên bố tập trận kiểu mới để chống Trung Quốc Đài Loan tuyên bố tập trận kiểu mới để chống Trung Quốc

TTO - Quân đội Đài Loan công bố thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn "theo kiểu mới" trong năm nay nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên