05/01/2023 08:25 GMT+7

Trung Quốc đề nghị hợp tác thăm dò dầu khí với Philippines

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị thảo luận về hợp tác thăm dò dầu khí với Philippines.

Trung Quốc đề nghị hợp tác thăm dò dầu khí với Philippines - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đón Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và phu nhân tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 4-1 - Ảnh: REUTERS

Đây là một phần trong nỗ lực đưa quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines trở thành ưu tiên đối ngoại, theo South China Morning Post.

Hợp tác về thăm dò dầu khí là một trong những lĩnh vực nhạy cảm giữa Trung Quốc và Philippines vì câu chuyện này liên quan tới Biển Đông. Cả Philippines và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos hôm 4-1, Chủ tịch Tập khẳng định hai nước nên hợp tác để trở thành động lực duy trì ổn định trong khu vực.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Marcos sau khi thay thế người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Trước đó ông có gặp ông Tập vào tháng 11-2022 bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Chuyến đi của ông Marcos diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa để phục hồi kinh tế và dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Cũng như nhiều nước khác, Philippines xem Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu.

Sau cuộc hội đàm của hai lãnh đạo, quan chức Trung Quốc và Philippines đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về cơ sở hạ tầng, tài chính, du lịch và thương mại điện tử.

Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với Philippines thông qua tham vấn, nhưng không đề cập trực tiếp đến Biển Đông.

"Trung Quốc sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thăm dò dầu khí, và thúc đẩy hợp tác phát triển dầu khí ở các khu vực không tranh chấp", ông Tập nói.

South China Morning Post nhận xét ông Tập đánh giá cao mối quan hệ với Philippines, nhấn mạnh sẽ duy trì liên lạc chiến lược thường xuyên với ông Marcos.

Đài CCTV của Trung Quốc cho biết: "Hai nước nên là những người láng giềng tốt giúp đỡ lẫn nhau. Hai nước có thể mang tới nhiều lợi ích cho nhân dân hai bên và đóng góp tích cực hơn vào hòa bình và ổn định khu vực".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên