03/01/2023 15:05 GMT+7

Trung Quốc chìa cành ô liu với Mỹ

Các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã gửi thông điệp tích cực về việc quản lý mối quan hệ Mỹ - Trung trong dịp đầu năm mới.

Trung Quốc chìa cành ô liu với Mỹ - Ảnh 1.

Hôm 2-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã có cuộc điện đàm với tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, thảo luận về quan hệ song phương Mỹ - Trung và các nỗ lực nhằm duy trì kênh đối thoại giữa hai nước.

Ngỏ lời hợp tác

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cũng xác nhận ông Tần mong muốn phối hợp với ông Blinken và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung.

Đây là những tín hiệu tích cực trước chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ngoại trưởng Mỹ. Chuyến đi này thu hút sự chú ý lớn từ dư luận trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này gặp nhiều sóng gió thời gian qua.

Mỹ đã công bố một số chính sách được hiểu nhằm khuyến khích các nước khác tách ly khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó, Bắc Kinh nổi giận sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ghé thăm Đài Loan, một vấn đề Trung Quốc nhìn nhận là "cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi". Căng thẳng trên nhiều mặt trận giữa Mỹ và Trung Quốc tạo sức ép lớn lên nhiều nước khác, vốn đa phần bày tỏ mong muốn hợp tác với các bên thay vì "chọn phe".

Trước thềm chuyến thăm của ông Blinken, phía Trung Quốc đã có những thay đổi nhân sự về đối ngoại. Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm ngoại trưởng thay thế ông Vương Nghị, người đang là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giống như ông Dương Khiết Trì trước đây, ông Tần giữ vị trí ngoại trưởng sau thời gian làm đại sứ Trung Quốc ở Mỹ. Và dù là một trong những nhà ngoại giao bị gắn mác "chiến lang", ông Tần được kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ Mỹ - Trung.

Mỹ - Trung vừa cạnh tranh vừa hợp tác - Ảnh: ISTOCK

Mỹ - Trung vừa cạnh tranh vừa hợp tác - Ảnh: ISTOCK

Bà Sun Yun, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Washington, Mỹ), nhận định: "Ưu tiên hàng đầu của ông ấy sẽ là cải thiện quan hệ với Mỹ, xét thực tế rằng tâm lý chống Mỹ đang dai dẳng trong nước, và ông Blinken lại sắp thăm Trung Quốc trong hai tuần tới. Ông ấy cũng cần phải cải thiện quan hệ với các nước phát triển nói chung, nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, ông ấy cũng cần ứng phó với các vấn đề như Nga và Triều Tiên".

Vào tuần trước, ông Tần đã có một bài viết trên tạp chí National Interest với chủ đề "Cách Trung Quốc nhìn về thế giới". Tân ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay là thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, cũng như đối thoại giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga.

Thực tế, đã có không ít ý kiến từ phương Tây kêu gọi Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng và mối quan hệ tốt với Nga để làm trung gian hòa giải cho xung đột quân sự ở Ukraine. Việc ông Tần đề cập tới sự "cấp thiết" trong vấn đề Ukraine cũng phản ánh một trong những lĩnh vực Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác.

Nhân dân Trung Quốc trông đợi nhân dân Mỹ đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.
Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương

Thông điệp "nước lớn"

Năm 2020, ông Tần từng nói hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu xấu đi vì truyền thông phương Tây không bao giờ chấp nhận thể chế chính trị và sự lớn mạnh của Trung Quốc về kinh tế.

Trong bài viết nêu trên, ông Tần cũng lặp lại một trong những thông điệp quan trọng và phổ biến nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc này. Ông viết: "Những khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ - về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội, và con đường phát triển - rất có thể sẽ tồn tại trong 100 năm nữa. Nhưng với tư cách công dân của cùng một thế giới, chúng ta có thể và nên lắng nghe nhau, thu hẹp khác biệt trong nhận thức về thế giới, đồng thời tìm cách hòa hợp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại một cách hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi".

Tương tự, trong bài viết dịp đầu năm cho báo Cầu Thị, tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị cũng phản đối việc Mỹ đóng khung quan hệ với Trung Quốc thành "sự đối đầu giữa một chính quyền dân chủ và một chính quyền độc tài". Theo ông Vương, Trung Quốc trong cả năm qua đã không ngừng tìm kiếm con đường đúng đắn để Trung Quốc và Mỹ, dưới tư cách hai cường quốc, có thể hòa hợp với nhau.

Trong các phát biểu và bài viết gần đây, có thể thấy những nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đều tìm cách nhấn mạnh vai trò quốc tế của Trung Quốc trong tầm nhìn về một thế giới chung. Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để cùng tồn tại dưới tư cách những cường quốc, mà sự trỗi dậy của Trung Quốc "không phá vỡ hiện trạng như nhận xét của một số người". Một sự thừa nhận dành cho Trung Quốc sẽ là tiền đề cho hợp tác.

Tờ China Daily dẫn lời bà Su Xiaohui, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng: "ý thức trách nhiệm to lớn của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn cũng là một đặc điểm trong chính sách ngoại giao của nước lớn".

"Trung Quốc chưa bao giờ ngó lơ những thách thức mà các nước đang phát triển trên thế giới đang đối mặt, đồng thời nỗ lực hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, và muốn các nước đang phát triển có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy tăng trưởng", chuyên gia này nói.

Tin tức thế giới 3-1: Mỹ sợ Trung Quốc chiếm Mặt trăng; Ukraine hạ nhiều drone của NgaTin tức thế giới 3-1: Mỹ sợ Trung Quốc chiếm Mặt trăng; Ukraine hạ nhiều drone của Nga

Hoàng tử Harry muốn giảng hòa với cha và anh; NASA lo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Mặt trăng; Mỹ - Hàn bàn răn đe tăng cường với Triều Tiên... là các tin tức thế giới đáng chú ý ngày 3-1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên