08/01/2016 14:44 GMT+7

​Trung Quốc “bất lực” trước Triều Tiên?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Các nhà quan sát nhận định Trung Quốc không thể gây tác động đáng kể nào tới Triều Tiên và các biện pháp cấm vận quốc tế cũng sẽ không buộc được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi sau khi ông Kim Jong-Un lên nắm quyền - Ảnh: Reuters
Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền - Ảnh: Reuters

Theo AFP, sau khi CHDCND Triều Tiên thử bom hạt nhân lần thứ tư, Mỹ kêu gọi Trung Quốc gây áp lực ngoại giao với chính quyền Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên giới chuyên gia Trung Quốc nhận định kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011, quan hệ Bình Nhưỡng - Bắc Kinh đã xấu đi đáng kể.

“Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên đang dần suy yếu. Vấn đề là chính quyền Bình Nhưỡng không muốn lắng nghe Bắc Kinh - chuyên gia quan hệ quốc tế Trung Quốc Zhu Feng khẳng định - Trung Quốc ngày càng khó chịu với cách hành xử của CHDCND Triều Tiên”.

Thế khó của Bắc Kinh

Không giống cố lãnh đạo Kim Jong Il, ông Kim Jong Un chưa từng đến thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Tháng trước, ông cử nhóm nhạc nữ Moranbong tới biểu diễn ở Bắc Kinh. Đây được xem là dấu hiệu hàn gắn quan hệ hai nước.

Nhưng ngay sau đó Bình Nhưỡng tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch và nhóm nhạc Moranbong rút về nước trước cuộc biểu diễn, khiến mâu thuẫn hai nước gia tăng. Chỉ bốn ngày sau, ông Kim Jong Un ký sắc lệnh thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn phản ứng như thường lệ, nghĩa là chỉ phản đối vụ thử hạt nhân và kêu gọi nối lại đàm phán sáu bên. Truyền thông Trung Quốc dù lên án vụ thử hạt nhân là vô trách nhiệm và nguy hiểm nhưng không kêu gọi Bắc Kinh có động thái trừng phạt mạnh tay nào.

Phó giáo sư Wang Dong của Trường Nghiên cứu quốc tế ĐH Bắc Kinh cho rằng những biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ không có tác dụng đối với CHDCND Triều Tiên. “Chính quyền Bình Nhưỡng có tâm lý là không có gì để mất. Do đó sẽ rất khó đối phó với họ” - ông Wang Dong nhấn mạnh.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định bản thân Trung Quốc cũng không muốn gây sức ép quá lớn lên CHDCND Triều Tiên, bởi Bắc Kinh vẫn muốn CHDCND Triều Tiên duy trì vai trò là vùng đệm giữa Trung Quốc với lực lượng quân sự Mỹ đông đảo và hùng hậu đóng ở Hàn Quốc.

Cấm vận cũng vô ích?

Các nhà phân tích nhận định các biện pháp cấm vận quốc tế cũng sẽ không có nhiều tác dụng đối với CHDCND Triều Tiên. Từ năm 1993 đến nay, CHDCND Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Mỹ trừng phạt, bao gồm cấm vận vũ khí, cấm nhập khẩu hàng xa xỉ, hạn chế kết nối với hệ thống ngân hàng quốc tế… mục tiêu là hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

“Vấn đề là tương tác kinh tế và thương mại giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, châu Âu hay Nhật hầu như không tồn tại. Do đó tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt là rất ít ỏi” - USA Today dẫn lời phó giáo sư luật Sebastian Maslow của ĐH Tohoku cho biết.

CHDCND Triều Tiên dựa chủ yếu vào nguồn hỗ trợ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo số liệu thông kê của Bắc Kinh, Trung Quốc xuất khẩu hơn 176.000 tấn dầu và hơn 23 triệu tấn ngũ cốc sang CHDCND Triều Tiên trong 11 tháng đầu năm 2015.

Như đã phân tích, Trung Quốc không muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ nên vẫn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại này. Các chuyên gia cho biết Chính phủ Mỹ có thể siết chặt cấm vận kinh tế CHDCND Triều Tiên bằng cách trừng phạt các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.

Nhưng quan hệ kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là rất chặt chẽ, do đó sự cứng rắn của Washington có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Mọi lời đe dọa trừng phạt sẽ không thể cản trở chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên” - chuyên gia Sean King thuộc Hãng tư vấn Park Strategies ở Đài Loan nhận định.

Phát thanh viên thông báo vụ thử hạt nhân là ai?

"Phát thanh viên của nhân dân" Ri Chun Hee - Ảnh: The Wire

Theo CNN, người thông báo trên truyền hình việc chính quyền CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư là bà Ri Chun Hee, phát thanh viên nổi tiếng nhất của nước này trong nhiều năm qua.

Bà sinh năm 1943 và được đào tạo nghiệp diễn xuất trước khi xuất hiện trên sóng truyền hình CHDCND Triều Tiên từ năm 1971.

Có biệt danh là “phát thanh viên của nhân dân”, bà Ri trở thành gương mặt quen thuộc trên truyền hình CHDCND Triều Tiên suốt 40 năm qua. 

Bà là người thông báo cho người dân CHDCND Triều Tiên về sự kiện lãnh tụ Kim Il Sung qua đời năm 1994, khi đó bà vừa nói vừa khóc ròng ròng. Cũng bà Ri là người lên tiếng trấn an dư luận nước nhà khi căng thẳng với Hàn Quốc leo thang năm 2010.

Năm 2011, một lần nữa bà Ri nhỏ nước mắt trên sóng truyền hình khi báo tin lãnh tụ Kim Jong Il qua đời. Trả lời phỏng vấn Đài CCTV năm 2012, bà Ri cho biết muốn lùi về hậu trường bởi hiện có nhiều phát thanh viên trẻ hơn, đẹp hơn.

 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên