22/09/2014 07:00 GMT+7

​Trộm ở Hoàng thành

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Rất nhiều điểm di tích tại quần thể di sản cố đô Huế trong nhiều năm liền liên tục bị mất cắp cổ vật.

Hiện vật trưng bày ở điện Hòa Khiêm, lăng vua Tự Đức, nơi bị mất sáu hiện vật quý giá hôm 8-11-2013 - Ảnh: Thái Lộc
Hiện vật trưng bày ở điện Hòa Khiêm, lăng vua Tự Đức, nơi bị mất sáu hiện vật quý giá hôm 8-11-2013 - Ảnh: Thái Lộc

Mãi đến khi bọn trộm bị tóm và khai đã thực hiện trót lọt đến chín vụ trộm ở di tích, nhiều người mới lo ngại về sự an toàn của các cổ vật ở Huế.

Tại phiên xét xử vụ trộm cắp cổ vật ở Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm 24-7-2012, rất nhiều người ngạc nhiên khi bị cáo Nguyễn Tiến Khanh (39 tuổi, ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) khai thực hiện quá dễ dàng các vụ trộm cổ vật ở di tích Huế.

Như chốn không người

Cuối tháng 8-2010, trong vai du khách tham quan khu di tích Hoàng thành Huế (còn gọi là Đại Nội), Khanh đã nấp lại trong di tích này cho đến khuya. Quan sát lúc không còn bóng dáng bảo vệ, Khanh chui qua ô cửa kính đã được anh ta đập vỡ từ trước để vào bên trong điện Thái Hòa rồi dùng thanh sắt cạy khóa, khoắng gọn hơn 10 triệu đồng trong hòm công đức đặt ở đây.

Ba tháng sau, ngày 30-11-2010, Khanh tiếp tục đột nhập vào chính điện Khải Thành của lăng vua Khải Định. Sau khi cạy khóa lấy chừng 4 triệu đồng ở hòm công đức, kẻ trộm này tiến sâu vào gian trưng bày hiện vật bang giao giữa triều đình Huế với ngoại bang, lấy thêm mười cổ vật bằng bạc quý hiếm khác mà cơ quan chức năng chẳng thể tìm ra dấu vết.

Đến tối 27-4-2011, Khanh đang cố cưa hai cấu kiện bằng đồng trên nghi môn của lăng vua Thiệu Trị thì bị bảo vệ phát hiện, nhưng anh ta vẫn tẩu thoát được. Nhờ tang vật là chiếc xe máy và đôi dép để lại hiện trường, công an bắt được kẻ trộm này hai ngày sau đó.

Sự ngạc nhiên của mọi người tại phiên tòa không phải ở 16 năm tù mà tên trộm phải nhận hay con số chín vụ trộm liên tiếp trong chừng một năm, mà chính là lời khai về công tác bảo vệ cổ vật có quá nhiều sơ hở, lỏng lẻo nên đột nhập vào di tích như chốn không người.

Tuy nhiên, những vụ mất cắp đã bị đưa ra tòa như thế này chỉ là con số ít trong rất nhiều vụ mất cắp hiện vật ở các di tích Huế mà cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được tung tích.

Cho đến nay, nhiều người trong giới cổ vật và người yêu văn hóa ở Huế khi nhắc đến vẫn còn quá tiếc rẻ cho những hiện vật thuộc hàng “bảo vật quốc gia” bị đánh cắp tại lăng vua Tự Đức vào rạng sáng 8-11-2013.

Đó là đôi lư xông trầm hình con nghê bằng đồng vô cùng quý giá đã bị đánh cắp, cùng với bốn cái chóe bằng sứ vẽ men xanh rất cao cấp (một cái bị vỡ khi kẻ cắp di chuyển qua tường thành).

Theo dự ước của giới buôn cổ vật, cả sáu cổ vật này bán trên thị trường hiện khoảng vài tỉ đồng, song giá trị của nó gắn liền với di tích thì chắc chắn không thể tính được bằng tiền tỉ.

Ông Phùng Phu - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết việc mất cắp ở hệ thống di sản thế giới này thường xuyên xảy ra.

Ông Phu nói: “Nhiều lần bị mất cắp như thế, khi thì bát nhang, khi thì đầu hồ, rồi hòm công đức bị mất cắp ở nhiều nơi. Trong đó đình đám nhất chính là vụ mất cái tộ bằng pháp lam ngũ sắc mà giá trị văn hóa mỹ thuật được đánh giá thuộc hàng quốc bảo”.

Đến cuối tháng 7-2014, các báu vật bị đánh cắp ở lăng vua Tự Đức này vẫn chưa có manh mối gì - Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế
Đến cuối tháng 7-2014, các báu vật bị đánh cắp ở lăng vua Tự Đức này vẫn chưa có manh mối gì - Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Tay không bảo vệ cổ vật

Vài tháng sau khi bị kẻ gian cuỗm mất sáu cổ vật quý giá, chúng tôi ghé điện Hòa Khiêm thuộc lăng vua Tự Đức để xem tình hình bảo vệ cổ vật như thế nào. Hàng trăm cổ vật quý hiếm vẫn đang bày khắp tòa điện. Hai bên điện vẫn trưng bày hai tủ kính với rất nhiều cổ vật bằng gỗ, sứ, đồng, vải, pha lê... rất quý.

Quý hơn cả là tủ phía bên phải với những ống bút sơn son thếp vàng, bình vôi, bình hoa đồ sứ ký kiểu, cành vàng lá ngọc, tráp gỗ, những ấn triện và ba cuốn sách đồng nguyên vẹn. Những hộp gỗ chạm trổ sơn thếp, chóe sứ, chuông đồng, nghê sứ, tranh gương và đèn đồng cổ treo từ nóc mái được bày biện rất nhiều.

Theo đánh giá của giới buôn cổ vật, phần lớn cổ vật trong điện Hòa Khiêm có giá hàng tỉ đồng. Riêng ba cuốn sách đồng đã lên đến hơn 200 triệu đồng mỗi cuốn, vậy mà nó chỉ được bảo vệ bằng chiếc tủ kính. Trong nội điện cũng chỉ có một nhân viên bảo vệ túc trực, vào buổi trưa lại không thường xuyên có mặt.

Ở điện Khải Thành của lăng vua Khải Định - nơi trưng bày hàng trăm hiện vật quý hiếm, thể hiện mối quan hệ bang giao giữa triều đình nhà Nguyễn với ngoại bang vào đầu thế kỷ 20 - cũng không có bảo vệ canh giữ trực tiếp.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang quản lý 29 điểm di tích và khoảng 13.000 hiện vật. Trong số đó, khoảng 3.000 hiện vật được trưng bày tại các điểm di tích, số còn lại lưu kho bảo tàng. Tuy nhiên, chỉ riêng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có đầu tư hệ thống camera và thiết bị chống trộm bài bản.

Nhiều di tích khác có trưng bày cổ vật quý giá như điện Thái Hòa, miếu Thế Tổ, nhà Tả Vu, cung Diên Thọ ở Hoàng thành, điện Sùng Ân ở lăng Minh Mạng, điện Hòa Khiêm ở lăng Tự Đức, điện Khải Thành ở lăng Khải Định... trong nhiều năm liền chỉ có hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại bật vào ban đêm.

Vài tháng trở lại đây, trung tâm di tích mới trang bị khẩn cấp camera ở những điểm di tích quan trọng. Dự án tổng thể chưa được duyệt nên cơ quan này đành trích từ nguồn vốn tu sửa nhỏ và một số nguồn khác, do đó việc đầu tư này chỉ mang tính tạm thời, chưa hoàn chỉnh.

29 điểm di tích Huế do trung tâm này quản lý hiện chỉ có 162 nhân viên bảo vệ. Đông nhất là tổ bảo vệ khu di tích Hoàng thành. Những di tích lớn và có trưng bày cổ vật như lăng Minh Mạng và Tự Đức từ 14-15 người, lăng Khải Định thì chỉ 10 người. Còn những điểm di tích khác chỉ dăm ba người. Lượng người ít như thế, lại chia làm ba ca. Những khu lăng rộng hàng chục hecta như Minh Mạng và Tự Đức ban đêm chỉ túc trực rất ít người, và nội điện với hàng trăm hiện vật quý cũng chỉ bố trí một người.

Được biết đầu những năm 1990, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có lắp đặt hệ thống chống trộm, song sau vài năm hoạt động đã xuống cấp, vô hiệu.

Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đang mời một đơn vị khảo sát xây dựng đề án lắp đặt thiết bị bảo vệ tổng thể cho cả Hoàng thành và các khu lăng.

Tuy nhiên, một cán bộ của trung tâm này cho hay trong nhiều năm liền trung tâm đề xuất lên tỉnh cho lắp đặt hệ thống chống trộm nhưng “kinh phí quá lớn, khi nào cũng bị gạt ra”.

___________

Giả làm du khách đến viếng chùa để theo dõi, rồi đêm khuya cạy cửa khoắng đi tượng cổ. Rất nhiều cổ vật trong các đình chùa đền miếu ở Huế và nhiều nơi khác đã bị “bốc hơi” theo “con đường du khách”...

Kỳ tới: Khoắng rỗng đình chùa

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên