Thùng hành lý ký gửi (bị thủng một lỗ) của cô M.A.T. đi chuyến bay SQ184 từ Singapore về đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 27-1 - Ảnh: MINH ANH
Tệ mất hành lý theo kiểu ăn cắp vặt này đã để lại những tiếng xấu lan từ năm này qua năm khác, không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài.
Không ít du khách đến Việt Nam, Việt kiều về nước ta thán về những lần tài sản bên trong vali đã không cánh mà bay. Điều đáng nói là hàng hóa vẫn mất, trộm rạch "đúng nơi đúng chỗ" khách để tài sản có giá trị, dù vali đã được bọc kín bằng bao nilông bảo vệ hay có khóa.
Tiếng xấu không chỉ đồn xa, mà còn rất xa. Một số hành khách bị mất hàng hóa phải ta thán trên mạng xã hội kèm theo những lời cảnh báo, khuyến cáo. Những Việt kiều bị lục tung và mất hành lý không ngần ngại kể đi kể lại câu chuyện mà họ từng gặp phải, dù có những vụ xảy ra từ nhiều năm trước. Nhiều Việt kiều khác tiếp tục kể lại câu chuyện này là bởi những vụ mất cắp này vẫn lai rai xảy ra.
Theo quy định, nhân viên vận chuyển hành lý ở sân bay trước khi làm nhiệm vụ phải khai báo vật dụng mang theo, đến điện thoại di động cũng không được mang theo. Khi hoàn thành, họ còn phải qua thiết bị soi chiếu của an ninh hàng không, nếu mang hàng hóa lạ so với khai báo ban đầu sẽ bị phát hiện ngay. Người ta nói đến cây kim sợi chỉ cũng khó lọt. Vậy mà...!
Chặt chẽ là thế nhưng việc tẩu tán tài sản trộm từ hành lý của hành khách vẫn xảy ra, đặc biệt trong dịp tết. Có lẽ kẻ trộm cắp vặt ngoài đường cũng phải thán phục đồng nghiệp "siêu trộm" ở sân bay quá giỏi, bởi dù bị giám sát chặt vẫn ung dung hành nghề móc, rạch hành lý của hành khách mà không bị phát hiện.
Đồng nghiệp "siêu trộm" ở sân bay như có "mắt thần", biết vali nào có điện thoại, đồ dùng đắt tiền..., bất chấp camera giám sát dày đặc xung quanh khu làm việc mà không bị phát hiện. Chắc chắn "siêu trộm" có tài thánh cũng không thể giỏi đến mức rạch đâu trúng đó. Có nghi ngờ rằng không loại trừ có sự móc nối "tác chiến" với nhân viên soi chiếu để liên lạc, đánh dấu đúng hành lý, đúng vị trí để thực hiện hành vi xấu xí này.
Lỗ nhỏ đắm thuyền to. Những nỗ lực cải tiến chất lượng phục vụ tại sân bay bị sứt mẻ bởi nạn ăn trộm vặt. Cho dù sân bay có đầu tư thiết bị hiện đại, quy trình làm việc chặt chẽ đến đâu nhưng nạn mất hàng hóa trong hành lý vẫn xảy ra thì dưới mắt hành khách, chất lượng dịch vụ của sân bay vẫn chưa thể "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
Cứ để nạn trộm cắp vặt này tồn tại, không chỉ sân bay nơi xảy ra trộm cắp bị mang tiếng mà hình ảnh nơi hành khách đặt chân đến cũng bị vạ lây. Chúng ta đang tập trung thu hút du khách, dứt khoát không thể tồn tại nạn mất cắp ở sân bay, nơi "quan trên ngó xuống, người ta trông vào". Không thể chấp nhận cả một bộ máy lại chịu thua những kẻ ăn trộm vặt, chấp nhận du khách, Việt kiều phải kể đi kể lại những tiếng xấu xảy ra ở sân bay hết năm này qua năm khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận