Điểm check-in mới ở TP.HCM: các bạn trẻ ngắm thành phố từ tầng cao tòa nhà Landmark 81 - Ảnh: T.T.D.
Không hẹn mà gặp, bốn nhân vật mà chúng tôi trò chuyện nhân kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước hôm nay đều nhanh chóng thốt lên như vậy từ phút đầu tiên. Họ là những người xa Tổ quốc nhiều năm, đã trở về sống ở Việt Nam nhiều năm, cùng góp tay với Việt Nam đổi thay.
GS Đặng Lương Mô, TSKH Trần Hà Anh, GS Võ Văn Tới và doanh nhân Đường Thu Hương mỗi người đều đã lên máy bay ra thế giới ở tuổi 18, xây dựng những sự nghiệp rực rỡ tại xứ người. Họ đã trở về để tiếp tục sự nghiệp ấy ở Việt Nam với những khó khăn, trắc trở ai cũng gặp. Vì "Việt Nam trong tim…", họ nói vậy.
Cuộc trò chuyện bắt đầu từ dấu mốc hòa bình: 30-4.
Ra đi và trở về
* Thời điểm 30-4 có ý nghĩa ra sao và đã tác động thế nào đến lựa chọn của ông?
- TSKH Trần Hà Anh: Đã lớn lên và chứng kiến chiến tranh trên đất nước mình, lại may mắn được ra thế giới, sống ở những nước phát triển, văn minh, hiện đại, hạnh phúc trong nền hòa bình, lòng tôi luôn mơ ước những điều tốt đẹp ấy cho Việt Nam.
Năm 1969, bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Pháp, tôi muốn về nhưng chiến tranh Việt Nam đang lan rộng.
Năm 1973, chứng kiến Hiệp định Paris được ký ngay trước mặt, biết hòa bình sắp lập lại, tôi nao nức chuẩn bị cho việc về Việt Nam. Nghĩ lĩnh vực vật lý hạt cơ bản mà mình theo đuổi sẽ còn rất xa vời, tôi chuyển sang ngành cụ thể hơn là an toàn hạt nhân để đón đầu xu hướng phát triển Việt Nam sau hòa bình.
Cơ hội làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đến với tôi vào năm 1978. May mắn nữa là vợ tôi, các con cũng đồng ý quay về, đồng cam cộng khổ với giai đoạn khó khăn thiếu thốn của đất nước.
- GS Đặng Lương Mô: Du học ở Nhật Bản từ năm 1957 rồi không thể về sớm vì chiến tranh, đến năm 1971 thì tôi không còn đủ kiên nhẫn đã quay về Việt Nam.
Ngày 30-4-1975, tôi đang là viện trưởng Học viện quốc gia Kỹ thuật (tức ĐH Bách khoa hiện giờ).
Không tả hết nỗi mừng vui cho quê hương không còn chiến tranh, nhưng sau thời điểm ấy các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường chúng tôi lại bị đình trệ, thậm chí ngưng hẳn.
Năm ấy tôi 39 tuổi, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Một lần nữa, không đủ kiên nhẫn, 14 tháng sau ngày 30-4, tôi quay về Nhật, bắt đầu lại sự nghiệp của mình ở tuổi 40. Việt Nam vẫn ở trong tim, nên tôi vẫn tìm mọi cơ hội để trở lại. Năm 2002, tôi chính thức hồi hương.
* Cứ đến ngày 30-4, nhiều người lại nói về chuyện hòa hợp, hòa giải. Là những người từng sống và hiểu rõ tâm tình của kiều bào hải ngoại cũng như người Việt trong nước, các vị có góp ý nào cho việc hòa giải?
- GS Trần Hà Anh: Tôi còn nhớ ngày lịch sử ấy. Sáng sớm nhận được tin Việt Nam hòa bình trở lại, tôi đi làm, các đồng nghiệp Pháp đều đến chúc mừng, người Việt ở Paris đổ ra đường với một niềm vui bùng nổ.
Sau vài năm, tôi cùng gia đình thực hiện tâm nguyện trở về. Đúng là khó khăn ngoài sức tưởng tượng và không chỉ là vật chất.
Là người trí thức, tôi nhìn thấy rõ niềm vui hòa bình đã nhạt dần trong những năm tháng ấy, những đối xử bất bình đẳng gây nên tổn thương, chia rẽ, tạo nên làn sóng người ra đi…
Những năm tháng, sự kiện ấy đã đi qua, nhưng kinh nghiệm thì phải còn lại. Tôi cho rằng nỗi đau quá khứ nên được tất cả mọi người cố gắng xếp lại, giữ lành. Có thể không dễ, nhưng đây là lợi ích chung của đất nước và là bổn phận của mọi người Việt Nam. Nếu chúng ta không làm thì là ai? Nếu không phải hôm nay thì là lúc nào?
Tất nhiên phần chủ động vẫn nằm ở phía của Nhà nước Việt Nam. Những năm qua, Nhà nước đã làm được nhiều việc cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Luật quốc tịch, Luật nhà ở, Luật lao động… đều đã được sửa đổi phù hợp hơn, các sinh hoạt mời kiều bào về thăm quê có hiệu quả rất tốt.
Cái còn lại là thái độ nên chân thành hơn, dân chủ nên cởi mở - phát huy hơn, các ý kiến khác biệt cần được lắng nghe - tôn trọng hơn, những lựa chọn cho đất nước cần thuyết phục hơn bằng chính thành quả chứ không chỉ lời nói, lý thuyết… Khi nút thắt này được cởi, không lo gì những tấm lòng yêu nước không được nối.
- Chị Đường Thu Hương: Là người thuộc thế hệ sau, tôi cho rằng không có ý kiến nào bằng chính sự có mặt của mình tại đây. Dù được gọi là Việt kiều, tôi vẫn luôn cho rằng mình chính là người Việt thôi.
Đối xử nên công bằng, đãi ngộ nên xứng đáng
* Để khuyến khích và có thể chào đón nhiều hơn nữa những trí thức Việt kiều như quý vị trở về đóng góp cho quê hương, Việt Nam cần cởi mở, thay đổi thêm về chính sách, môi trường như thế nào?
- GS Đặng Lương Mô: Tôi nghĩ chúng ta cần nhiều hơn những chuyên gia đang ở tuổi sung sức, ở đỉnh cao của sự nghiệp khoa học hay kinh doanh. Họ sẽ góp sức được nhiều hơn, hiệu quả hơn và lâu dài hơn. Muốn vậy, cần tạo cho họ điều kiện tương tự hay hơn những điều kiện họ đang có mới mong thu hút được.
- GS Võ Văn Tới: Chính sách hay môi trường là điều đã nói đến từ nhiều năm, bây giờ là lúc cụ thể hóa chứ không thể chung chung. Đãi ngộ với họ cần xứng đáng và cũng cần có đặc thù với nhu cầu cá nhân mà nếu tinh tế để phát hiện, thấu hiểu và phát huy, người quản lý sẽ thu hút được, sử dụng được hiệu quả nhất.
Có thể là lương cao, có thể là chức danh xứng đáng, giá trị, nhưng quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc có tư duy tự do, sáng tạo, điều kiện - cơ hội để thành công, môi trường cộng đồng - xã hội - giáo dục tốt cho gia đình, những thành tựu được đánh giá đúng.
Nói chung, điều kiện đất nước chúng ta hôm nay đã rất khác so với mấy mươi năm trước. Chúng ta hãy tạo điều kiện để trí thức kiều bào thấy rằng về Việt Nam làm việc là cơ hội cho họ thành công và qua đó đóng góp cho đất nước, chứ không phải chỉ là tình nguyện và hi sinh vì lòng yêu nước như các thế hệ trước họ.
- Chị Đường Thu Hương: Tôi rất đồng ý. Dẫu còn rất nhiều ý kiến phàn nàn, nhưng không có xã hội nào được người dân hoàn toàn thỏa mãn cả.
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam đang phát triển, rất nhiều cơ hội để mỗi cá nhân có thể thành công cùng đất nước, đã có "hữu xạ tự nhiên hương". Chỉ cần có động thái tạo điều kiện cụ thể cho những người đang ở đây thì những người bên ngoài sẽ tự tìm về.
Như tôi, tôi rất tự hào mình đã trở về ngay khi vừa học xong, sự nghiệp vừa bắt đầu, rất hài lòng được làm người Việt Nam, được ăn nước mắm, nói tiếng Việt, sống giữa đất nước mình.
Tôi cố gắng trong công việc một phần vì biết rằng nếu mình thành công, chính câu chuyện ấy sẽ có sức thuyết phục với người khác. Cụ thể là anh trai tôi cũng đã trở về từ hai năm nay và đang bắt đầu việc đầu tư sản xuất công nghệ tại TP.HCM.
* Ai cũng biết rằng kiều bào đã sẵn tình yêu và lòng tha thiết với Việt Nam, cũng biết rằng đất nước rất cần sự đóng góp xây dựng của trí thức kiều bào, Chính phủ cũng hết lòng đưa ra những chủ trương, chính sách để mời gọi, tạo điều kiện cho sự quay về…
Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng trong nhiều trường hợp chưa đạt như ý muốn. Theo trải nghiệm của mọi người, vướng mắc ở đâu và giải quyết như thế nào?
- GS Đặng Lương Mô: Tháo gỡ thế nào mọi người đều biết: cơ chế nên thông thoáng, chính sách nên minh bạch, đối xử nên công bằng, đãi ngộ nên xứng đáng…
- GS Võ Văn Tới: Tôi cho rằng chính sách tốt không thôi chưa đủ, vì chưa chắc đã áp dụng được. Chính sách phải đi kèm với biện pháp thực hiện, giải pháp tài trợ. Những người thực hiện chính sách lại cũng phải có thực tài để biết việc phải làm và thực quyền để quyết việc cần làm. Lại cần có thêm khoảng không gian mềm dẻo của cơ chế và chính sách để khuyến khích sáng tạo.
- Chị Đường Thu Hương: Nói tới những khó khăn, vướng mắc thì vô số kể, mà trước hết chính là những thủ tục hành chính đôi khi rối như tơ vò, gây phiền hà, nhiều lúc lại chồng chéo và triệt tiêu lẫn nhau.
Cũng do đã lớn lên ở Việt Nam nên tôi không bị sốc văn hóa, có sức chịu đựng dẻo dai hơn, kiên nhẫn lớn hơn để vượt qua.
Tôi cũng như mọi người, rất mong cơ chế đổi mới theo hướng cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện cho mỗi người phát huy khả năng của mình.
Các bạn trẻ giao lưu cùng khách nước ngoài tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Việt Nam của chúng tôi
* Niềm vui - hạnh phúc nhất trong quá trình làm việc tại Việt Nam?
- GS Đặng Lương Mô: Là ngày mà chúng tôi và các cộng sự ở Trung tâm ICDREC chế tạo ra được con chip vi mạch đầu tiên sau 6 tháng nghiên cứu. Bao nhiêu cực nhọc, vất vả trước đó tiêu tan hết, không thể tả hết nỗi vui sướng ấy.
- TSKH Trần Hà Anh: Vượt qua được những năm tháng khó khăn để đi đến những năm tháng này, chứng kiến Việt Nam ngày một phát triển là niềm vui của vợ chồng tôi.
- GS Võ Văn Tới: Mỗi ngày được làm việc ở đây là một niềm vui. Và tất nhiên tôi vui hơn mỗi khi bộ môn của mình ra được một sản phẩm mới như: máy viễn áp, thiết bị điện tim di dộng, xe lăn thông minh, thiết bị "Lap-on-a-chip" phát hiện vi khuẩn truyền nhiễm, các vật liệu y sinh, khi các giảng viên - sinh viên đoạt được những giải thưởng quốc tế danh giá.
- Chị Đường Thu Hương: Chỉ cần được đi ăn món ăn Việt Nam là tôi đã thấy vui sướng. Và vui sướng hơn khi thông qua công việc của mình, bằng trải nghiệm cá nhân mình giới thiệu được những gương mặt tài năng Việt Nam ra thế giới, kết nối được những mối liên kết cho phát triển từ các nước đến Việt Nam...
* Mong muốn nào cho công việc của mình tại Việt Nam và cho Việt Nam?
- GS Võ Văn Tới: Cộng tác với TP.HCM thiết lập trung tâm viễn y để đào tạo đội ngũ trẻ thiết kế và chế tạo thiết bị viễn y, phần mềm quản lý kết nối bệnh nhân - bác sĩ - bệnh viện, phát triển trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, khoa học sự sống... góp phần kiến tạo một TP.HCM thông minh.
- GS Đặng Lương Mô: Trong năm điều kiện để trở thành một siêu quốc gia, Việt Nam đã có bốn: dân số lớn để tăng năng suất lao động, tự túc về lương thực, nền xã hội ổn định (ở mức tương đối), nền giáo dục phổ cập. Cái còn thiếu mà chúng ta đang phấn đấu là một nền công nghiệp hoàn chỉnh. Vì vậy, ở chuyên môn của mình, tôi mong được nhìn thấy công nghệ chế tạo vi mạch bén rễ ở Việt Nam.
- TSKH Trần Hà Anh: Mong đất nước phát triển xứng với lý tưởng, ước mơ của những thế hệ đi trước, xứng với tiềm năng của chính người Việt. Muốn vậy, lực lượng trí thức phải được thật sự tin tưởng, thật sự phát huy, thật sự sử dụng.
- Chị Đường Thu Hương: Không mong gì hơn một Việt Nam văn minh, hiện đại xứng với vẻ đẹp sẵn có của non sông.
GS ĐẶNG LƯƠNG MÔ
Du học Nhật Bản từ năm 1957, năm 1971 tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Tokyo và làm việc như chuyên viên tại Tập đoàn Toshiba.
Giáo sư Đặng Lương Mô trở về, làm việc tại Học viện quốc gia kỹ thuật Phú Thọ (tức ĐH Bách khoa TP.HCM), đến năm 1976 quay lại Nhật Bản.
Năm 2002, ông hồi hương.
Suốt 20 năm qua, GS Đặng Lương Mô đã đứng ra làm đầu mối nối kết cho hơn 50 giảng viên ĐH Bách khoa đến ĐH Hosei làm nghiên cứu khoa học, giúp thiết lập phòng nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch tại ĐH Bách khoa, góp phần lan tỏa công nghệ vi mạch FPGA ra toàn Việt Nam.
Ông cũng đã xúc tiến cho việc chuyển giao công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn và vi mạch từ Tập đoàn NTT (Nhật Bản) cho Việt Nam, thiết lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC từ 10 năm trước.
GS Đặng Lương Mô cũng là người thiết lập chương trình sau ĐH về thiết kế vi mạch tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, kết nối mời các giảng viên nước ngoài về nước giảng dạy...
Doanh nhân ĐƯỜNG THU HƯƠNG
Năm 1992, Đường Thu Hương (18 tuổi) đi Mỹ du học, lấy bằng tiến sĩ về kinh tế.
Hiện Đường Thu Hương là CEO tạp chí Forbes Việt Nam. Chị coi Forbes là một cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, cam kết với thế giới về chuẩn quốc tế của những thành tựu được giới thiệu, những gương mặt được vinh danh...
GS VÕ VĂN TỚI
Năm 1968, 18 tuổi, ông du học Thụy Sĩ.
41 năm sống ở nước ngoài, GS Võ Văn Tới đã có một sự nghiệp rực rỡ: tiến sĩ ngành vi kỹ thuật tại ĐH Bách khoa liên bang Lausanne (Thụy Sĩ); hậu tiến sĩ ĐH Harvard, MIT (Mỹ); GS, sáng lập khoa kỹ thuật y sinh ĐH Tusft (Mỹ); sáng lập kiêm phó giám đốc Viện nghiên cứu mắt tại Sion (Thụy Sĩ)...
Từ 2007-2009, ông đi đi về về Việt Nam để điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF).
Năm 2009, ông hồi hương, thành lập bộ môn kỹ thuật y sinh tại ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM và giữ vị trí trưởng bộ môn đến năm 2018.
Đến nay, ông là trợ lý cho ban giám hiệu về phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ sức khỏe và sự sống.
TSKH TRẦN HÀ ANH
Năm 1955, Trần Hà Anh (17 tuổi) lên đường đến Pháp du học.
Năm 1969, ông tốt nghiệp TSKH ngành vật lý hạt nhân. Làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Saclay lớn nhất nước Pháp.
Từ năm 1973, ông chuyển hướng nghiên cứu từ lĩnh vực vật lý hạt cơ bản sang an toàn hạt nhân.
Đến năm 1978, ông trở về Việt Nam, làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) và Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân TP.HCM.
TSKH Trần Hà Anh còn tham gia đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng, là đại biểu Quốc hội khóa IX, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội khóa X...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận