28/06/2024 18:11 GMT+7

Trình HĐND TP.HCM siêu đề án metro, 11 năm làm 183km

Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống metro giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM dự kiến khai thác thương mại vào quý 4-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM dự kiến khai thác thương mại vào quý 4-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

UBND TP.HCM vừa gửi HĐND TP tờ trình đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị (đề án metro). 

Theo đó, TP kiến nghị HĐND TP ban hành nghị quyết thông qua chủ trương về một số nội dung chủ yếu của đề án để triển khai thực hiện.

Đồng thời giao UBND TP phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành trung ương tổ chức hoàn thiện đề án, báo cáo cấp thẩm quyền thông qua và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị.

Theo tờ trình, TP xác định đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. 

Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng. 

TP sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183km. 

Mạng lưới metro giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt khách/ngày đêm. 

Sau đó, TP tiếp tục làm thêm hơn 168km để nâng tổng số chiều dài lên hơn 351km vào năm 2045. Đến năm 2060, các tuyến metro còn lại trong quy hoạch sẽ được đầu tư, nâng tổng chiều dài lên 510km.

Để thực hiện mục tiêu, đề án cũng đã xây dựng 6 nhóm cơ chế chính sách với 28 cơ chế. Trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. 

Đây là các cơ chế, chính sách vượt trội, chưa từng có.

Về kế hoạch trong thời gian tới, UBND TP cho biết đề án đang được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến các bộ ngành trung ương. 

Trong tháng 7-2024, đề án sẽ được báo cáo Thủ tướng và thường trực Chính phủ. 

Ban Cán sự đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án trong quý 3-2024. Dự kiến, các nội dung về các cơ chế chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Ngân sách đóng vai trò chủ đạo để đầu tư metro

Theo đề án, sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn từ nay đến 2025 cần hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD).

Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.

Các nguồn này từ tăng thu ngân sách, thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu...

15 năm không xong 19,7km, TP.HCM phải thay đổi gì để làm tiếp 200km metro?15 năm không xong 19,7km, TP.HCM phải thay đổi gì để làm tiếp 200km metro?

Thông tin chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về việc phải có cách làm mới để triển khai nhanh hơn các tuyến metro được bạn đọc rất quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên