Binh sĩ Triều Tiên tuần tra trên sông dọc biên giới với Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Nhật báo Sekai Nippo của Nhật mới đây dẫn một nguồn thạo tin cho biết Triều Tiên đang bí mật chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là bước tiến lớn đối với Hải quân Triều Tiên vì nước này hiện duy trì một hạm đội gồm từ 50-60 tàu ngầm chạy bằng dầu diesel-điện, theo trang Sputnik ngày 19-9.
Nguồn tin trên tiết lộ Triều Tiên hiện nhận được sự giúp đỡ về mặt chuyên môn từ các chuyên gia đến từ Trung Quốc và Nga đang có mặt tại xưởng đóng tàu hải quân Nampo ở bờ biển phía Tây của Triều Tiên.
Mặc dù tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân khó chế tạo hơn và đắt hơn nhiều so với các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện thông thường, nhưng nó lại có nhiều ưu điểm vượt trội như nhanh hơn, ít ồn hơn, uy lực hơn, linh hoạt hơn và có thể lặn lâu hơn do không cần phải nổi lên mặt nước để tiếp nhiên liệu trong thời gian dài.
Tàu ngầm hạt nhân thường được trang bị các tên lửa đạn đạo, giúp tăng đáng kể năng lực tác chiến. Ngoài ra, việc phóng tên lửa từ tàu ngầm sẽ hiệu quả hơn so với phóng từ mặt đất vì nó khiến đối phương khó theo dõi hơn.
Giới phân tích phỏng đoán đây là lý do khiến Triều Tiên tăng cường đầu tư chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Đây có thể là bước đi tiếp theo của Triều Tiên nhằm tăng cường năng lực quân sự của nước này giữa bối cảnh Bình Nhưỡng đạt được nhiều thành tựu trong chương trình tên lửa những năm trở lại đây.
Đối với Hải quân Mỹ, lực lượng tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo là một thành tố quan trọng trong "Tam giác hạt nhân", cho phép Mỹ đáp trả trong trường hợp bị tấn công hạt nhân bất ngờ bởi lẽ việc săn lùng và tiêu diệt toàn bộ tàu ngầm hạt nhân trước khi chúng phóng tên lửa là điều bất khả thi.
"Tam giác hạt nhân" của Mỹ hiện gồm 3 thành tố là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM), máy bay ném bom chiến lược, và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ trong một lần ghé quân cảng ở thành phố Busan, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Tính từ năm 2014, Triều Tiên ít nhất 6 lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1. Với việc trang bị loại tên lửa này, một tàu ngầm hạt nhân có thể di chuyển ra vùng biển quốc tế và phóng một tên lửa khiến đối phương gần như không thể đánh chặn được. Chưa kể là tên lửa Pukguksong-1 có thể được trang bị một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.
Quân đội Mỹ đã theo dõi chặt chẽ Hải quân Triều Tiên sau vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong-1 của Bình Nhưỡng vào tháng 8-2017.
Trước đó, hồi tháng 5, trang 38 North chuyên về theo dõi hoạt động của Triều Tiên đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên mở một khu thử SLBM tại Nampo.
Mặc dù Triều Tiên hiện bị "kềm chân" đáng kể bởi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhưng nước này vẫn không chịu lùi bước.
"Các động thái gia tăng trừng phạt và áp lực lên Triều Tiên của Mỹ và các đồng minh nước này sẽ chỉ làm tăng nhanh tốc độ của chúng ta trong quá trình hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 18-9 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này.
Thông tin trên được tiết lộ giữa bối cảnh các lãnh đạo thế giới có mặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) từ giữa tuần này để tham dự cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng. Vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ là trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo khác tại sự kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận