24/05/2024 09:35 GMT+7

Trích tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông: Cần không?

Đề xuất trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ cho cảnh sát giao thông trước đây đã được nêu song đã rút lại, và nay được tái đề xuất tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn các tài xế trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn các tài xế trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến trái chiều xung quanh việc này.

Quy định này được nêu trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng.

* Trung tướng Nguyễn Minh Đức (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan thẩm tra dự luật):

Trích để hiện đại hóa lực lượng CSGT

Việc trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Việc trích này không đưa vào bồi dưỡng cho lực lượng CSGT mà chỉ để trang bị thiết bị, máy móc. Như camera lắp ngoài trời, dù chưa hết thời hạn nhưng bị hỏng. Nếu sử dụng tiền ngân sách sẽ lâu nên việc trích này có thể sử dụng để mua sắm các thiết bị này.

Đồng thời, hệ thống đường truyền, máy móc, cơ sở dữ liệu... phải nâng cấp hằng năm nên phần trích sẽ bổ sung để thực hiện. Với cán bộ, chiến sĩ CSGT đã có tiền lương của Nhà nước nên không có chuyện trích ra để chi thêm cho CSGT.

Việc trích lại để nâng cao công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cũng như hiện đại hóa lực lượng CSGT không có gì sai. Quan trọng nhất phải minh bạch, đảm bảo chi đúng đối tượng, mục đích.

Trích tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông: Cần không?- Ảnh 2.

* Đại biểu Nguyễn Công Long (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp):

Tôi ủng hộ, song tỉ lệ trích không vượt 50%

Tôi ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc trích lại như trên. Thực tế lực lượng CSGT khi đi làm nhiệm vụ ở ngoài đường phải chịu ảnh hưởng lớn của môi trường như khói bụi rất độc hại. Nhưng trong chế độ của cán bộ, chiến sĩ này không có. Do vậy việc có các chế độ, chính sách phù hợp, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ CSGT là cần thiết.

Chính sách này cũng không mới, bởi Luật Thanh tra đã quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Tuy nhiên, với tỉ lệ trích bao nhiêu phải xem xét, đánh giá kỹ. Nếu để mức tỉ lệ trích cao sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Trong đó về tâm lý nhiều ý kiến lo ngại lực lượng thực thi công vụ sẽ chỉ chú tâm, tập trung vào xử phạt để mong có kết quả cao rồi trích lại. Thêm vào đó trích cao cũng gây mất cân đối, bởi số tiền phạt thu được về ngân sách phải đảm bảo cho nhiều nhiệm vụ chứ không phải mỗi lực lượng CSGT.

Tỉ lệ trích với lực lượng CSGT nên căn cứ trên tổng số tiền xử phạt thu được, theo đánh giá bình quân, nhưng không bao giờ được vượt quá 50%.

Tổng hợp: MINH HÒA - Đồ họa: TUẤN ANH

Tổng hợp: MINH HÒA - Đồ họa: TUẤN ANH

* Đại biểu Lê Thanh Phong (TP.HCM):

Nếu cần thì quy định chung cho các ngành

Việc trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính cho đơn vị xử phạt trước đây đã có thực hiện. Do nhiều nguyên nhân, cơ chế này sau đó không còn được áp dụng. Thực tế nếu có chính sách này cũng là cách để tạo điều kiện cho các lực lượng cán bộ, công chức có trách nhiệm hơn với công việc.

Tuy nhiên, nếu có thì cần quy định, thống nhất chung một cơ chế cho trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tất cả các đơn vị. Nếu quy định riêng cho lực lượng CSGT, các ngành khác sẽ có so sánh, dẫn đến không công bằng giữa các đơn vị.

* Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre):

Vô tình gây điều tiếng cho lực lượng CSGT

Việc xử phạt hành chính trong nhiều ngành, lĩnh vực đều phải tuân theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ cho CSGT sẽ không thống nhất với các chính sách, quy định chung, cũng như các luật khác có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước. Chưa kể quy định như vậy cũng vô tình làm cho lực lượng CSGT bị những điều tiếng không hay.

Mục tiêu tăng cường cơ sở phương tiện, thiết bị và hiện đại hóa cho lực lượng CSGT là cần thiết. Tuy nhiên, các ngành, lĩnh vực khác như môi trường, quản lý thị trường... cũng hết sức phức tạp, xảy ra vi phạm hành chính trên cả nước. Đây cũng là những lĩnh vực rất quan trọng, cần được quan tâm chứ không riêng lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó không nên quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Vấn đề này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Nếu khó khăn về trình tự thủ tục trong thực hiện bố trí ngân sách thì cần có biện pháp tháo gỡ thỏa đáng để thực hiện thông suốt.

* Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM):

Gốc vấn đề là chính sách lương

Các nguồn thu chi của các cơ quan, đơn vị phải phù hợp với tổng thể cân đối ngân sách của quốc gia. Nếu có quy định về trích lại một khoản tiền cho đơn vị xử phạt phải đưa vào luật về ngân sách, không thể tách riêng cho một cơ quan, đơn vị nào. Dù vậy, theo tôi cũng không nên quy định chính sách trích lại tiền phạt cho các đơn vị có thẩm quyền xử phạt. Việc này sẽ bất cập, không công bằng với các đơn vị sự nghiệp, hành chính không có nguồn thu từ xử phạt.

Bối cảnh hiện nay chúng ta cũng đã có chính sách cải cách tiền lương, trong đó những công việc và nhiệm vụ đặc thù có tiền lương đặc thù. Lực lượng vũ trang bao gồm quân đội và công an sẽ có mức lương khác, giáo viên cũng vậy... 

Về vấn đề gốc, chúng ta nên tập trung vào các chính sách để tăng lương cho người làm trong bộ máy công vụ nhằm đảm bảo đời sống cho họ. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế việc tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy.

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng lập biên bản một trường hợp vi phạm nồng độ cồn - Ảnh. ĐOÀN CƯỜNG

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng lập biên bản một trường hợp vi phạm nồng độ cồn - Ảnh. ĐOÀN CƯỜNG

Đã bỏ một lần

Trước đó Bộ Công an đã đề xuất CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương. Dù vậy dự thảo luật xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách (từ ngày 26 đến 27-3) đã bỏ nội dung này.

Đến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trình tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội lần này, Chính phủ đã tái đề xuất trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng CSGT.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ Chính phủ đề xuất bổ sung quy định Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Khoản trích này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hằng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3, điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1, điều 5 dự luật.

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng xử lý phạt nguội qua camera giám sát - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng xử lý phạt nguội qua camera giám sát - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đà Nẵng từng chi tiền dưỡng liêm, sau đó dừng lại

Tại Đà Nẵng, vào năm 2012 khi ông Nguyễn Bá Thanh là bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong buổi nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng chống tội phạm, ông đã đưa ra ý tưởng hỗ trợ tiền cho CSGT, gọi là tiền dưỡng liêm (nghĩa là nuôi dưỡng sự liêm chính).

Thời điểm đó, lãnh đạo thành phố đồng ý hỗ trợ tiền cho CSGT nhưng cũng đồng thời đưa ra yêu cầu là nếu phát hiện CSGT nhận chung chi thì lập tức đuổi khỏi ngành, cho "về vườn". Cũng trong năm 2012, Đà Nẵng triển khai chủ trương trên. Theo đó, cán bộ được nhận tiền hỗ trợ phải tham gia trực tiếp vào xử lý công việc kể cả ngày đêm và có bảng chấm công. Sau đó, khi có danh sách với đầy đủ tiêu chuẩn thì mới gửi đến cơ quan tài chính để thanh toán.

Về mức chi, bồi dưỡng cho lực lượng CSGT trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông với mức 5 triệu đồng/người/tháng; bồi dưỡng cho lực lượng CSGT công tác tại các đội tham mưu tổng hợp, đường thủy, đăng ký quản lý xe với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng; bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát trật tự trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2 triệu đồng/người/tháng; bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát cơ động trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông 1,5 triệu đồng/người/tháng...

Tuy nhiên, đến năm 2013, Đà Nẵng đã tạm dừng việc chi trả tiền bồi dưỡng trên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị nguyên lãnh đạo Phòng CSGT Đà Nẵng cho biết lúc bấy giờ phải dừng lại để rà soát cho phù hợp.

Singapore có chính sách đặc biệt cho cảnh sát

Singapore là một trong những hình mẫu truyền cảm hứng về việc ban hành các chính sách nhằm giúp lực lượng cảnh sát hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng khó khăn, tham nhũng.

Từ những năm 1970, Ủy ban xét duyệt lương của Singapore đã đề xuất tăng lương 20 - 25% cho các sĩ quan cảnh sát cấp dưới, đồng thời hỗ trợ chi phí y tế và nhà ở cho những sĩ quan đã lập gia đình thuộc Lực lượng cảnh sát Singapore (SPF).

Từ đó đến nay, Singapore luôn xem xét tăng lương định kỳ cho các nhân viên của SPF nhằm đảm bảo thu nhập của cảnh sát bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như duy trì môi trường chính trị trong sạch và liêm chính, theo báo The Strait Times.

Theo Đài Channel News Asia, bên cạnh chính sách tăng lương, tất cả các quân nhân của Singapore được nâng mức trợ cấp từ 92 USD lên 149 USD vào năm 2023. Đây là lần thứ ba Singapore điều chỉnh mức trợ cấp cho quân nhân trong một thập kỷ qua.

Chính phủ Singapore đã ban hành hàng loạt chính sách thưởng và phúc lợi dành riêng cho nhân viên SPF. Các sĩ quan cảnh sát nhận được khoản tiền thưởng tương đương 7.000 USD, với điều kiện tốt nghiệp từ các trường đại học trong danh sách mà Chính phủ Singapore quy định.

Ngoài ra Chính phủ Singapore sẽ thưởng cho những sĩ quan mới gia nhập SPF nhằm "giữ chân" nhân tài. Các sĩ quan này sẽ được hưởng khoản trợ cấp 22.000 - 37.000 USD trong 13 năm đầu làm việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thôngỦy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung vào dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên