31/03/2016 10:30 GMT+7

Trên con tàu thần tốc

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Một nhà máy đóng tàu tại Việt Nam có thể đóng những con tàu mạnh mẽ, hiện đại, không thua kém bất cứ con tàu nào trong khu vực, trên thế giới.

Con tàu cảnh sát biển hiện đại số 1 Việt Nam - CSB-8005, chuẩn quốc tế, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ
Con tàu cảnh sát biển hiện đại số 1 Việt Nam - CSB-8005, chuẩn quốc tế, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ

 

Họ đóng cả những tàu chuyên dụng, tàu chiến và xuất khẩu “ngược” sang các quốc gia danh tiếng về đóng tàu như: Nga, Úc, các nước Ả Rập...

Hai trong bốn chiếc tàu cảnh sát biển (CSB) hiện đại nhất Việt Nam và khu vực được đóng mới với thời gian “thần tốc” trong những ngày Biển Đông dậy sóng ngay bên mép sông Hàn, Đà Nẵng.

Chính những người gắn bó với nhà máy đóng tàu này kể rằng họ không tưởng tượng được từ một nhà xưởng sửa tàu cũ kỹ nằm ven sông Hàn, giờ đây lại là chiếc nôi của những con tàu đặc chủng hiện đại số 1 Việt Nam.

Mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn

Cây cầu Mân Quang nối doi đất thừa cuối dòng sông Hàn với bán đảo Sơn Trà nhộn nhịp tàu cá ra khơi trong những ngày đầu năm. Sát chân cầu, bên dưới bán đảo là những dãy nhà xưởng đồ sộ với cần cẩu, máy móc đang ầm ì suốt ngày đêm.

Có đến 14 con tàu sắt với độ giãn nước từ 500 đến vài ba ngàn tấn đang đóng mới cùng lúc tại nhà máy này.

Bên dưới mép cảng, chiếc tàu CSB mang số hiệu 8005 trắng toát cao như tòa nhà năm tầng sừng sững hướng mũi về Biển Đông. Các chuyên gia của Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan) cùng công nhân, kỹ sư Việt Nam của Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) đang cắm cúi hoàn thành những khâu cuối cùng trước khi con tàu rời bến trong một vài tuần đến.

Từng ra biển trong những tháng ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào năm 2014, chúng tôi thấu hiểu giá trị của từng con tàu hiện đại được hạ thủy để giữ gìn Biển Đông.

Còn nhớ những con tàu hải giám, hải cảnh hung hãn của Trung Quốc từng tìm cách tấn công tàu CSB-8001, hòng làm tê liệt con tàu mệnh doanh “soái hạm” trong việc chỉ huy đẩy đuổi giàn khoan này nhưng đều bất lực bởi sự mạnh mẽ và hiện đại của nó.

Con tàu CSB-8005 được khởi công đóng mới ngay trong những ngày đất nước nóng bỏng vì biển đảo, và được mệnh lệnh hoàn thành khẩn cấp để xuất bến.

Nếu như con tàu CSB-8001 đứng vững và hiên ngang trước những con tàu của Trung Quốc, thì con tàu CSB-8005 ra đời sau được thiết kế hiện đại và mạnh mẽ hơn rất nhiều lần.

Kéo chiếc rèm che cửa sổ, đứng trên tòa cao ốc phía sau nhà máy nhìn về con tàu, đại tá Hà Sơn Hải, tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu, nói với chúng tôi: “Chữ thần tốc dùng cho con tàu cũng không ngoa, bởi ngoài tốc độ di chuyển, sự hiện đại và uy lực trên biển thì thời gian đóng mới của con tàu cũng nhanh không kém. Từ lúc đặt ki tàu đến khi hạ thủy chỉ vỏn vẹn 12 tháng, rút ngắn 2/3 thời gian theo quy trình vì nhiệm vụ. Đây là quãng thời gian không tưởng cho một con tàu như vậy”.

Ông Hải tâm sự trong những ngày tháng nóng bỏng đó, lực lượng CSB có thêm một con tàu hiện đại hiện diện trên biển thì bờ cõi của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, an toàn hơn. Với tâm huyết đó, từ lãnh đạo công ty, các kỹ sư, chuyên gia và hàng trăm công nhân phải làm việc ngày đêm không ngưng nghỉ.

Trưa 30-11-2015, con tàu CSB-8005 từ từ được di chuyển ra cầu cảng và hạ thủy an toàn trên mặt nước, đánh dấu một bước ngoặt trong công cuộc đóng tàu hiện đại của Nhà máy đóng tàu Sông Thu.

Tàu CSB-8005 có độ giãn nước đến 2.400 tấn, tốc độ đạt 21 hải lý/giờ trong điều kiện gió cấp 12. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm, tầm hoạt động 5.000 hải lý.

Vòi rồng công suất lớn trên tàu CSB-8005 - Ảnh: Tấn Vũ
Vòi rồng công suất lớn trên tàu CSB-8005 - Ảnh: Tấn Vũ

Không thua kém ai

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hải, người theo dõi, làm việc trên con tàu từ lúc đặt ki cho đến lúc hạ thủy, dẫn chúng tôi tham quan tàu với lời dặn dò: “Anh phải đi sát bên tôi để không bị lạc đường!”.

Bên trong con tàu với những hành lang dài tít, vô số lối đi và cầu thang rộng thênh thang mà ở những con tàu CSB tại Việt Nam chúng tôi chưa từng thấy. Và việc lạc đường trên con tàu này là hoàn toàn có thật vì có vô số cầu thang và lối đi giống nhau trên tàu.

Leo lên chiếc cầu thang chót vót giữa thân tàu, Hải chỉ cho chúng tôi và khoe rằng con tàu được đặt hàng theo yêu cầu của CSB và có rất nhiều thay đổi so với tàu CBS-8001 được đóng trước đó ở Nhà máy đóng tàu 189 (Hải Phòng).

Theo đó, phần ống khói được che kín và khuất hoàn toàn vào bên trong, khiến nước không thể lọt vào ống khói, dẫn đến chết máy như các tàu của kiểm ngư hay CSB trước đây từng bị trong những lần đụng độ trên biển.

Mặt trước con tàu nơi buồng lái là hàng loạt màn hình máy tính ứng dụng công nghệ cao được lắp đặt. Để bảo vệ buồng lái, nơi được coi là trái tim của con tàu, tất cả tấm kính che chắn ở đây đều có chức năng chống đạn. Trên tầng cuối cùng của con tàu là những công cụ vô cùng hữu hiệu và uy lực của CSB vừa lắp đặt xong, đó là ba chiếc vòi rồng công suất lớn.

Kỹ sư Hải cho biết các vòi rồng này hoàn toàn tự động. Hai chiếc vòi rồng phía trước, mỗi chiếc có công suất 1.200m3/giờ, chiếc vòi rồng phía sau uy lực hơn với sức phun lên đến 2.400m3/giờ.

“Vòi có thể bắn nước xa hàng trăm mét với áp lực nước cực mạnh. Ngoài ra hàng loạt ụ pháo 12,7 ly và 23 ly trước và sau thân tàu dùng để phòng không và chống cướp biển” - Hải nói.

Ông Dương Quốc Việt, phó tổng giám đốc kỹ thuật của Tổng công ty Sông Thu, khẳng định bây giờ việc đóng mới các tàu biển lớp DN-2000 như CSB-8001, CSB-8002, CSB-8005 là hoàn toàn trong tầm tay các kỹ sư Việt Nam.

Để có được như ngày nay, việc giúp đỡ của các chuyên gia Hà Lan ở Tập đoàn đóng tàu Damen là không nhỏ cũng như sự nỗ lực không ngừng của các kỹ sư Việt Nam.

Nhấp chén chè xanh, ông Việt bảo rằng: “Mọi việc chưa dừng lại ở đó. Sắp đến con tàu DN-4000 cho CSB Việt Nam có năng lực mạnh gấp đôi loại tàu DN-2000 như 8001, 8002, 8005... sắp sửa ra lò ngay tại đây!”.

Ngày chúng tôi xuống thị sát con tàu CSB hiện đại này cũng là lúc những nhân viên kiểm định Loyd (Anh) đang kiểm định con tàu.

Bas Loubert - chuyên gia tàu biển của Tập đoàn Damen (Hà Lan), người có 29 năm trong ngành vận hành và đóng tàu - đang hướng dẫn các nhân viên cài đặt phần mềm trên tàu, tấm tắc khen: “Đây là con tàu không thua kém ai, bởi tất cả tiêu chuẩn trên tàu đều đạt chuẩn quốc tế. Nó rất mạnh mẽ và uy lực, chỉ thua các tàu chiến về vũ khí mà thôi”.

Bas Loubert cho biết để vận hành được con tàu và điều khiển các thiết bị hoàn toàn tự động, người ta đã lắp vào đây gần 15.000km dây điện.

__________

Kỳ tới: Đứng lên từ đổ nát

Mấy ai biết rằng khởi điểm của Nhà máy đóng tàu Sông Thu là hai con tàu rách nát của Panama bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ vì... buôn lậu.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên