09/02/2020 11:27 GMT+7

Trắng đêm phòng dịch trong rừng biên giới

VŨ TUẤN - BẢO NGỌC
VŨ TUẤN - BẢO NGỌC

TTO - Trong cơn mưa rét tê tái ở biên giới Việt - Trung, những chiếc lều bạt được dựng lên vội vã. Bộ đội biên phòng thay nhau túc trực để không một ai vượt biên từ Trung Quốc trở về mà không được kiểm tra y tế, đưa vào khu cách ly.


Trắng đêm phòng dịch trong rừng biên giới - Ảnh 1.

Chiến sĩ Trần Chí Kiên, Đồn biên phòng Chi Ma, cắm chốt tại đường mòn, mốc biên giới 1246. Bên kia hàng rào này là Trung Quốc

Anh Trần Chí Kiên - cán bộ Đồn biên phòng Chi Ma (huyện Bình Lộc, tỉnh Lạng Sơn) - đã trực ở chốt dã chiến trong rừng Bản Thín 4 ngày nay. Đây là một trong những điểm chốt xa nhất của Đồn biên phòng Chi Ma.

Chiếc lều dã chiến được căng ngay bên đường, bùn ngập đến mắt cá chân. Bộ đội khơi tạm một cái rãnh để nước mưa đỡ dồn vào trong lán. Bên trong là 2 cái giường gấp, mấy tấm ván kê tạm lên đá để đồ cá nhân, nước sát trùng, khẩu trang y tế...

Ăn núi, ngủ bùn

Cách đó chỉ vài chục bước chân là một bãi đất khô ráo, dưới tán rừng thông thơm ngan ngát nhưng không được dựng lán. Anh Kiên giải thích đơn vị bắt buộc phải lập lán ở chỗ trũng này vì còn quan sát các lối mòn xung quanh.

Chiếc lán chỉ cách tường rào biên giới Trung Quốc chưa đầy trăm bước. Vị trí này từng là lối mòn để cánh cửu vạn vác hàng vượt biên vào nội địa.

Tường rào sắt cao 3m, giăng đầy thép gai phía Trung Quốc dựng lên trên đất của họ, cách đường biên 6m rất khó vượt qua. Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Chi Ma Lý Văn Tý nhận định: "Chuyện gì cũng có thể xảy ra, đơn vị phải lập chốt để đề phòng trường hợp xấu nhất là công dân Việt Nam từ vùng có dịch corona ở Trung Quốc vượt biên vào nội địa".

Chốt dã chiến Bản Thín cách cửa khẩu Chi Ma hơn chục cây số. Dịp tết vừa rồi anh Kiên nhận trực, không "tranh thủ" về phép. Anh dự định sau tết sẽ xin đơn vị nghỉ vài hôm để về thăm gia đình.

Chưa kịp nghỉ, đơn vị có lệnh dựng lán, lập chốt để phòng công dân từ vùng dịch về nước không qua cửa khẩu mà vượt biên vào nội địa, anh ở riết trên chốt, chỉ thỉnh thoảng có anh em lên thay ca thì chạy về đơn vị tắm giặt. Nhà cách đồn chưa đầy 20 cây số, nhưng tính đến nay đã 2 tháng anh chưa về nhà.

Đồn biên phòng Chi Ma được giao nhiệm vụ quản lý hơn 16 cây số đường biên. Trước tết, các chốt dã chiến đã được lập để chống buôn lậu, nhưng nhiệm vụ chốt chặn để đón công dân từ vùng dịch Trung Quốc trở về còn quan trọng hơn.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và cả Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn huy động thêm hàng trăm chiến sĩ tăng cường cho Chi Ma.

Một số xã Mẫu Sơn, Tú Mịch... huy động thêm cả công an, dân quân phối hợp lực lượng biên phòng lập chốt. Mọi vị trí trọng điểm đều phải được chốt chặn để đảm bảo "một con ruồi cũng không chui lọt".

Phó đồn trưởng Lý Văn Tý cho hay từ ngày lập chốt đến nay chưa phát hiện trường hợp công dân nào vượt biên vào nội địa. Ai trở về từ Trung Quốc, khi bị phát hiện phải được giữ lại, kiểm tra y tế và đưa về khu cách ly.

Chốt dã chiến Bản Thín được lập từ ngày 3-2, mỗi ngày có 4 chiến sĩ thay nhau trực. Ban ngày phải đảm bảo luôn có 2 người, ban đêm tăng cường thêm 3 người nữa. Ca đêm chỉ có 1 người được chợp mắt, 2 người thức gác ở điểm chốt và 2 người đi tuần.

Ở điểm này không điện, không nước, cũng không có sóng điện thoại. Chiến sĩ phải treo điện thoại lên cành cây phía rừng thông để giữ liên lạc. Mưa rét thì phủ thêm cái bịch nilông, cứ có chuông thì chạy ra nghe, rồi lại treo ở đó.

Bếp lửa bên ngoài lán vừa là nguồn ánh sáng trong đêm, vừa là chỗ sưởi ấm, nấu ăn và hong khô củi trong cái mưa lất phất, rét buốt của rừng Mẫu Sơn.

Sẩm tối, anh Kiên xin phép tranh thủ mang can đi lấy nước. Chỗ lấy nước là một mạch nước trong rừng, cách lán gần 1 cây số. Buộc can lên xe, nổ máy, Kiên quay lại: "Đồng chí nhớ nhắc anh em đến thay ca thì mang giúp chúng tôi cục pin dự phòng nhé. Sáng nay tôi gửi về đơn vị để sạc, nhỡ máy hết pin, đơn vị không liên lạc được".

Phó đồn trưởng Lý Văn Tý động viên: "Yên tâm, tối nay tôi sẽ lên gác cùng các đồng chí. Đêm nay không khí lạnh về, rét lắm, có thêm người sẽ ấm hơn".

Trắng đêm phòng dịch trong rừng biên giới - Ảnh 2.

Chiến sĩ Cao Văn Long, Hoàng Văn Soạn (Trạm biên phòng Tân Thanh) đốt lửa giữ ấm giữa đêm tại chốt dã chiến lối vào Bản Han

Đêm trong "đường hàng lậu" lớn nhất miền Bắc

"Đồi keo" từng là một địa danh nổi tiếng của dân buôn lậu nằm ngay gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Dân buôn gọi là đường keo vì con đường mòn dài hơn 1 cây số đi xuyên qua rừng keo. Nhiều năm liền các lực lượng chức năng rất vất vả để chặn hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào nội địa qua cung đường này.

Lính biên phòng dựng lán dã chiến cách đó gần trăm mét. Một chiếc bóng đèn compact treo lên cây cao, hắt ánh sáng lên "ngã tư đường mòn", không còn loang loáng ánh đèn pin của cửu vạn như trong bài báo năm nào.

Trong lán tối đen như mực, 2 chiến sĩ của Trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh mặc đồ dã chiến, mang ủng cao, bịt khẩu trang liên tục lia đèn pin lên rừng. Con đường mòn cỏ đã phủ gần hết, chỉ còn một lối nhỏ vừa bước chân đặc quánh bùn đỏ. Bộ đội đi tuần về, đôi ủng nhựa bê bết, nặng cả ký vì đất đỏ.

Đại úy Thái Quốc Huy cho hay trước đây báo chí phản ánh con đường này buôn lậu tấp nập. Từ ngày lập chốt, anh em bộ đội chưa gặp một ai. Người dân trong vùng đã được nghe tuyên truyền, không vượt biên sang Trung Quốc nữa.

Người lao động ở nước ngoài cũng chưa có ai đi theo lối mòn này về. Tuy nhiên, đơn vị vẫn lập chốt để đảm bảo không một ai vượt biên vào nội địa mà không được kiểm tra y tế, cách ly.

Hơn 8 cây số đường biên mà Đồn biên phòng Tân Thanh quản lý có đến vài chục điểm đã từng là nơi để hàng lậu tuồn về Việt Nam. Biên phòng, hải quan cứ chặn điểm này thì cửu vạn lại xuyên rừng, mở đường khác. Trước tết, hàng rào biên giới của Trung Quốc xây xong, lực lượng chức năng hai bên làm chặt nên hạn chế được rất nhiều. Nhưng tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đồn biên phòng Tân Thanh nhận nhiệm vụ đảm bảo không có công dân nào vượt biên mà không được đưa về khu cách ly.

Giữa lưng chừng núi, trên dốc Bản Han, cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 2 cây số, trung tá Hoàng Văn Soạn đốt hết một cuốn vở mới nhóm được bếp củi vì mưa ướt. Anh huơ tay trên ngọn lửa, nhăn mặt vì khói nhưng vẫn cười nói sang sảng: "Chuyện bình thường mà nhà báo ơi! Anh em tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, mười mấy năm trước có dịch SARS, mới đầu chúng tôi nhận nhiệm vụ chốt chặn 3 tuần, nhưng kéo dài đến 3 tháng. Lần này mà kéo dài thời gian chúng tôi cũng sẵn sàng, lính mà!".

"Cái rốn" lao động chui

Bên kia hàng rào biên giới là trấn Ái Điểm, thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. "Khu vực này trước đây là "cái rốn" của công dân trở về từ Trung Quốc. Ở đây tiện đường, những người trốn sang Trung Quốc lao động "chui" muốn về nước hoặc bị phía Trung Quốc trả về thường "đẩy" về khu vực Chi Ma, rất phức tạp" - phó đồn trưởng Lý Văn Tý cho hay.

"Lính mà!"

Trung tá Hoàng Văn Soạn đã có 35 năm đeo quân hàm xanh. Phần lớn thời gian của anh là ở trong rừng, đi tuần biên. Anh không nhớ đã bao nhiêu đôi giày bục đế phải bỏ lại biên giới nhưng lại nhớ rõ từng lối đi, từng gốc cây, khe nước trong rừng.

Các bản dọc biên giới anh cũng nhớ tên từng người, biết được ai còn, ai mất, ai đi làm ăn xa, ai lập gia đình. Buồn vui, sướng khổ của họ anh cũng đến chia sẻ vì nhiệm vụ của đơn vị.

Anh lập gia đình muộn, con nhỏ nhưng khi đơn vị có lệnh, anh lại cùng anh em mang ủng, xách đèn pin lên rừng dựng lán.

Kể chuyện, hai hàm răng khẽ va vào nhau trong cái rét căm căm của mưa rừng biên giới, gương mặt rắn rỏi của người lính vẫn nở nụ cười: "Có gì đâu? Lính mà!".

Căng mình chống dịch tại vùng biên Căng mình chống dịch tại vùng biên

TTO - Chưa khi nào mà các lực lượng từ biên phòng, kiểm dịch y tế đến hải quan tại các cửa khẩu biên giới lại phải "gồng mình" đến như vậy. Với họ mục tiêu hàng đầu là nhằm ngăn chặn được dịch bệnh lây lan ngay từ đường biên.

VŨ TUẤN - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên