17/01/2025 12:00 GMT+7

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0

Những người trẻ thời nay khó biết chứ lứa lớn tuổi cỡ U50, U60 trở lên rành rẽ sông nước châu thổ Cửu Long đều ít nhiều là chứng nhân sự đổi thay chợ nổi theo thời cuộc dâu bể.

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 1.

Tàu du lịch đang ngày càng đông trên chợ nổi Cái Răng - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Còn nhớ hồi năm 2000, khi chúng tôi theo ghe hàng bông từ khúc sông Cái Răng (Cần Thơ) đi lấy dưa hấu ở Thốt Nốt, cha con thương hồ đã khoe nghề mình giờ đỡ cực hơn thời tía má xưa. Họ chỉ cần móc "cục gạch" điện thoại di động gọi cho chủ vườn để hỏi có hàng không và thỏa thuận giá cả rồi dong ghe đến lấy.

Thương hồ cũng đổi thay theo dâu bể thời cuộc

Bận đó chúng tôi đã có mấy ngày lênh đênh theo ghe cha con anh Phạm Văn Tươi mà bạn chợ quen gọi là Tư Hướng từ Cái Răng vào miệt rẫy trồng hàng bông.

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 3.

Chợ nổi Phong Điền đầu những năm 2000 - Ảnh: TRƯƠNG CÔNG KHẢ

Người cha trạc ngũ tuần với dáng rắn rỏi, phong sương của dân thương hồ truyền đời. Cô con gái ngoài 20 đầy vẻ chịu thương chịu khó của phận thôn nữ theo ghe sống đời gạo chợ nước sông.

Tình cờ chuyến ghe chúng tôi xin theo lại là chuyến hàng cuối để cô gái lên bờ lấy chồng miệt ruộng Mỹ Tú, Sóc Trăng. Chỉ độ tuần nữa mặc áo cưới lên xe bông, mà cô gái gầy gò tên Phạm Thị Nga này vẫn "đứng mũi chịu sào" theo đúng nghĩa đen.

Chiếc ghe thương hồ bằng gỗ bự hơn 5 tấn, đóng mui làm nơi sinh hoạt gia đình. Anh Tư Hướng cầm lái chạy trên sông khỏe re nhưng khi quẹo vào các kinh nhỏ để vô rẫy ở Thốt Nốt thì cô con gái phải ra đứng mũi ghe chèo chống phụ cha.

Việc nặng nhất mà cô gái thương hồ này phải một mình xoay xở là tìm cách vượt qua các cầu khỉ bắc chi chít ở các kinh nhỏ. Ghe lớn hầu hết cầu khỉ đều thấp hơn mui ghe. Nga phải đứng thẳng người lấy hai tay đỡ các cây gỗ bắc cầu để cha lái ghe lòn qua bên dưới.

Cứ thế cô vã mồ hôi ròng ròng giúp cha lần lượt vượt qua được mấy chục cây cầu khỉ mà có cây nặng chừng vài chục ký cỡ người cô, có cây lớn phải nặng cả trăm ký. Chúng tôi ái ngại xin giúp, Nga cười nói: "Mấy anh dân thành phố hổng quen sông nước, đứng trên ghe còn chao đảo muốn té, làm sao đỡ ván cầu nổi".

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 2.

Ghe thương hồ buôn bán dừa ở chợ nổi Long Xuyên thời ít khách ngày nay - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chiều tối neo ghe ở kinh rẫy chờ mai lên hàng dưa hấu, một mình Nga cũng nhanh nhẹn lo bữa cơm tối tươm tất cho hai cha con và mấy người khách theo ghe. Cô lên bờ hỏi mua cả vịt đồng để nấu cháo và nướng cá cho cha ngồi lai rai kể chuyện đời thương hồ gạo chợ nước sông.

Nghe chúng tôi ái ngại nghề sông nước này quá cực, nhất là cô gái với những việc nặng mà chúng tôi thấy tận mắt, họ chỉ cười nói đâu có gì cực khổ. Anh Tư Hướng còn nói: "So thời tía má đi ghe hàng bông, tụi tui vẫn sướng thấy mồ.

Bận ông bả đâu có cái "cục gạch" để a lô hỏi hàng đặt giá trước mà đi thẳng một mạch vô rẫy như giờ. Ông cầm lái, bả thì ngồi trước ghe như la làng rao vọng lên bờ hỏi ai có hàng bông bán không. Nhiều chuyến bả la quá, đau họng, mất luôn cả tiếng. Mãi về sau có cái loa rè rè xài bình điện mới đỡ cực cái họng được chút chút".

Đêm đó bên bờ kinh quê lồng lộng gió đồng, thương hồ Tư Hướng mời chúng tôi ly mốt ly hai rượu đế và hàn huyên không dứt chuyện đời sông nước. Anh kể nhà mình đã ít nhất bốn đời lênh đênh buôn bán trên sông.

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 4.

Chợ nổi dừa sông Thom tồn tại từ nhu cầu thực tế của xứ dừa và thị trường gần xa - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Thời ông bà thì chèo tay buôn cá mắm trên chiếc xuồng ba lá miệt Châu Đốc - Long Xuyên, An Giang. Đến thời ba má anh "lên đời" được cái máy "đuôi tôm" Kohler chạy xuồng nên đỡ cực tay chèo. Sang đời anh và con gái mình thì nâng cấp được chiếc ghe lớn và đã thay hai máy xe hơi cũ làm động cơ chạy ghe khá bốc.

"Tui là chứng nhân sự đổi thay chợ nổi, theo thời gian sự hiện đại cũng phủ bóng dần xuống sông nước nhưng buôn may bán đắt lại không tăng theo mà cứ ế ẩm dần", anh Tư Hướng tâm sự.

Nghe hỏi sự thay đổi gì ấn tượng nhất với mình, người đàn ông hơn 30 năm lênh đênh đời thương hồ này nói ngay đó là sự tiện lợi của cái "cục gạch a lô a lồ", dù rằng lúc đó anh chưa hề biết sẽ tới ngày đời con gái mình có thể nhờ điện thoại di động mà livestream buôn bán ngay trên sông nước...

Gọi video call, livestream bán hàng

Hơn 20 năm sau quay lại chợ nổi Cái Răng, ông Bảy Đò không giấu được ngạc nhiên khi có khách bất ngờ hỏi đò đi chợ nổi.

Nhà ông bên cạnh bến tàu du lịch An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) với những chiếc tàu bự được trang trí phục vụ khách du lịch. Ông Bảy biết chiếc xuồng tam bản già nua của ông sẽ không ai để mắt tới nên ông neo ngoài sông.

Là dân cố cựu ở đây, ông Bảy Đò nói ngày trước vị trí nhà mình là "mặt tiền" chợ nổi Cái Răng nên nghề đò cũng đông khách. Các mối ruột là bạn hàng thương hồ cứ réo suốt. Nhưng rồi nhiều năm lần lượt các bạn thương hồ của ông về quê mà không trở lại.

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 5.

Ông Bảy Đò trên chợ nổi Cái Răng - Ảnh: TIẾN TRÌNH

"Người ta làm ăn không được nên lên bờ nhiều lắm", ông Bảy Đò nói chợ nổi bây giờ vẫn đông là nhờ ghe du lịch bù vào. Bây giờ người ta sơn tàu màu hồng, màu tím để vui mắt khách du lịch.

Bên kia bờ sông Cái Răng, sau thời gian bờ kè ngăn cách các vựa nông sản với ghe thương hồ thì cầu tàu phục vụ khách du lịch đã được xây dựng. Các bạn thương hồ đã "chớp thời cơ", sử dụng cầu tàu làm bến lên xuống nông sản. Nhờ vậy mà một số vựa hàng đã không còn kêu trời vì bí đường xuống sông.

"Trước giờ ghe thương hồ họ chủ yếu bán sỉ, bán mão. Còn khách du lịch ghé chơi, họ bán thêm cho vui cho chợ nổi có không khí "chợ", chứ buôn bán kiểu truyền thống thì không đủ" - chị Ngọc Ánh, chủ ghe bí lâu năm trên chợ nổi Cái Răng, chia sẻ chuyện bán buôn thời 4.0.

Số liệu thống kê trung bình mỗi ngày có từ 500 - 700 khách du lịch đến chợ nổi Cái Răng. Người ta tính toán rằng chỉ với lượng khách này tiêu thụ hàng hóa thì chợ nổi sẽ có thêm nguồn thu. Người bán trên chợ nổi vì vậy mà có thể yên tâm bám chợ sống cùng thời thế du lịch lên ngôi.

Ngược về Bến Tre, nơi có chợ nổi dừa trên sông Thom (huyện Mỏ Cày Nam) vốn kín tiếng, gần đây lại là điểm đến hấp dẫn của khách lữ hành. Sông Thom dài khoảng 15 cây số, nối hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên. Chợ nổi dừa bắt đầu từ trung tâm rừng dừa Cù lao Minh và không ai nhớ chợ nổi dừa "nổi" từ lúc nào.

Người cố cựu thì nói chợ nổi có từ thập niên 1980. Bắt đầu từ trên đoạn sông 5 cây số đã có hàng trăm xưởng dừa hoạt động ngày đêm. Bên cạnh sản xuất, nhu cầu trao đổi, mua bán dừa của thương lái từ Bến Tre cho đến Trà Vinh, Vĩnh Long... đến đã làm cho đoạn sông thêm náo nhiệt.

Khác với nhiều chợ nổi hợp - tan ở nhiều tỉnh miền Tây, chợ nổi dừa trên sông Thom chỉ ảnh hưởng hay không tùy vào thị trường dừa gần xa, kể cả từ Trung Quốc hay Mỹ. Thời người ta giao dịch bán buôn qua video call, qua livestream.

Cho nên tuy có tuổi đời không thua kém các chợ nổi khác nhưng chợ nổi dừa sông Thom lại "đứng ngoài dòng thế sự", không có chuyện "giải cứu" chợ nổi sông Thom, cũng không có mệnh lệnh hành chính để "thọc gậy" vào guồng quay thương mại... Bởi đơn giản chợ sinh ra và duy trì xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống.

"Ở chợ dừa này, bà con chỉ lo buôn bán. Khách du lịch thấy vui thì họ tới. Các công ty du lịch thấy làm ăn được thì họ đưa khách tới. Dân mình luôn vui vẻ, hiếu khách..." - chị Tuyết Loan, một thương lái lâu năm trên chợ dừa sông Thom, chia sẻ.

Nói chưa dứt lời, điện thoại di động của chị hiện video call có người đặt lô mấy ngàn trái dừa về TP.HCM. Thời 4.0 cách nhau cả trăm cây số, kẻ bán người mua chốt đơn hàng chỉ trong vài chục giây.

----------------------

Khi linh hồn chợ nổi miền Tây là các ghe thương hồ cùng đối tác trên bờ là vựa nông sản dần yếu thế, vai trò chợ nổi trong hệ thống giao thương được "gánh" thêm chức năng du lịch.

Kỳ tới: Qua thời bến sông đông hơn bến chợ

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0 - Ảnh 3.Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 3: Khách thương hồ, đời người phận sông

Sau cuộc tản dời bắt buộc để phòng chống dịch Covid-19 cách đây 5 năm, nhiều khách thương hồ đã lên bờ mà không trở về khúc sông xưa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên