16/01/2025 10:52 GMT+7

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 3: Khách thương hồ, đời người phận sông

Sau cuộc tản dời bắt buộc để phòng chống dịch Covid-19 cách đây 5 năm, nhiều khách thương hồ đã lên bờ mà không trở về khúc sông xưa.

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 3: Khách thương hồ, đời người phận sông - Ảnh 1.

Các ghe dưa hấu ế ẩm đang chờ bạn hàng ở chợ nổi Ngã Năm ngày nay - Ảnh TIẾN TRÌNH

Chọn sinh kế theo những con lộ, họ sắm xe, mở vựa trên bờ cho tiện mua bán. Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng như số ít chợ trên sông may mắn còn bập bềnh đành phải mai một dần sau cơn đại dịch dâu bể .

Nhớ thời chợ nổi kẹt sông

Gà vừa gáy sáng, tiếng máy ghe rú nhanh về bến đất trống ven sông, nơi những căn phố lầu còn chìm sâu giấc ngủ. Trên chiếc ghe nhỏ đã cũ bằng hai phần ba tuổi đời, bà Hai Kiều (58 tuổi) nửa đứng nửa ngồi với tay giao từng bao rau cho bạn hàng trên bờ

Hôm nào cũng vậy. Bên kia doi kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp dưới ánh sáng đèn đường còn hắt mờ, ông chồng nổ máy dong chiếc ghe nhỏ chở hàng tạp hóa cặp lại bến sông gần cầu Đôi (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng).

Tới đây thì chuyện bán buôn là của vợ. Ông chồng tót lên bờ, nơi bạn thương hồ đang chờ sẵn.

Bên ly cà phê bốc khói thơm lừng, họ ngồi nhịp đùi trong một lập trình có sẵn từ hồi bước qua cái tuổi nghĩ nhiều về quá khứ. Mà quá khứ thương hồ như họ có đâu xa xôi, chỉ quẩn quanh năm ngã sông này mà ra bao chuyện đời người phận sông.

Khi chiếc ghe tạp hóa rời khỏi bến bên kia doi sông, giữa bốn bề tiếng máy nổ, tiếng xuồng khua, vòng sinh kế bắt đầu với vợ chồng bà Hai Kiều hòa vào bãi xuồng ghe ken đặc một đoạn kinh xáng Ngã Năm.

"Hồi chợ nổi còn sung, người nhát gan không dám qua sông đâu", bà Kiều kể hồi đó trên đoạn sông này, xuồng ghe đông không thể tưởng.

"Dân chợ nổi mồm miệng phải to. Muốn qua sông, chồng đứng sau chạy máy, vợ đứng trước la làng cho bạn thương hồ tránh đường", bà Hai Kiều kể rằng hồi đó xuồng ghe đụng nhau chìm như ăn cơm bữa và ngày nào "hổng nghe chửi lộn là ngày đó ăn cơm không vô".

Bà chủ ghe tạp hóa vừa giao hàng cho khách, vừa thả hồn về ký ức như những thước phim chộn rộn với những âm thanh rao hàng, hát hò, kể cả la lối, rồi tiếng máy nổ, xuồng khua trên khúc sông náo nhiệt.

Hàng hóa trên các ghe thương hồ đổ về chợ nổi Ngã Năm có có đủ loại. Từ cá, mắm Sông Đốc, Tân Ân (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), đến trái cây miệt Cái Bè (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre); từ lu khạp Hòn Đất (Kiên Giang) đến gạch, ngói Mang Thít (Vĩnh Long), tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) cho đến vải vóc, bánh trái, nước ngọt Sài Gòn, Cần Thơ chở xuống…

Từ đây, các ghe nhỏ ở vùng lân cận chạy đến lấy hàng về bán lại cho người dân vùng quê xa hẻo lánh.

Nhưng từ khi chợ nổi Ngã Năm được lệnh tạm thời giải tán để phòng dịch Covid-19, sau đó thương hồ không họp lại đông đủ như xưa nữa. Tất nhiên, ngoài nguyên nhân đại dịch này còn có nguyên nhân chung như tất cả chợ nổi đến hồi suy thoái khi khó cạnh tranh nổi với bán buôn trên bờ thời đường sá ngày càng nhiều hơn, rộng hơn.

Ở chợ nổi Ngã Năm, phần nhiều chuyện giao thương đã được các tiểu thương đem lên bờ. Họ chia làm hai: chợ họp rồi tan ngay trong buổi sáng nằm kế bên cầu Đôi. Chợ họp suốt ngày, nơi các "lô" nông sản mọc lên dã chiến bên bờ kè kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn còn kết nối với ghe thương hồ.

Nơi đây, có không ít thương hồ đã bỏ ghe, lên bờ sắm xe chở nông sản. Các xuồng hàng bông ngày trước đã được thay bằng các xe máy được cơi nới thêm để chở nhiều hàng về các xóm ấp.

"Người ta nhớ chợ nổi là vì kỷ niệm. Chứ thời thế đổi thay. Buôn bán bằng xe nhanh và tiện hơn ngày trước" - chị Thanh Hằng chia sẻ. Cô chất đầy rau củ, cá mắm, đường, bột ngọt lên chiếc xe Honda cũ cùng cái loa rao hàng rồi nổ máy hướng về Thạnh Trị, Cần Thơ.

Hai năm trước, cô đã bán rẻ lại chiếc ghe cũ để lên bờ "khởi nghiệp" với chiếc xe máy chạy bán hàng khắp xóm ấp. Cô coi đó là sự "thích nghi với thời thế đổi thay, tới lúc cũng phải lên bờ thôi".

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 3: Khách thương hồ, đời người phận sông - Ảnh 2.

Chợ nổi Ngã Năm giờ chỉ còn là bến thưa vắng ghe xuồng - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chợ nổi trăm năm dần tàn phai

Ở châu thổ Cửu Long, kinh đào Quản Lộ - Phụng Hiệp chảy về vùng đất cuối trời Cà Mau, vắt qua đô thị các tỉnh Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Con kinh giao với kinh xáng bắc qua dòng Xẻo Chích tạo nên năm ngã sông đổ về Cà Mau, Vĩnh Quới, và ngược về Thạnh Trị hay lên Long Mỹ, Phụng Hiệp.

Dân miền Tây hay lấy đặc điểm thủy lộ để đặt thành địa danh. Cái tên Ngã Năm giờ đã là thị xã trực thuộc Sóc Trăng. Vị trí đắc địa của Ngã Năm, nơi ba tỉnh giao nhau một thời, đã đưa vùng đồng trũng này trở thành điểm phân phối hàng hóa lớn của vùng.

Đó là ngày tháng cũ cách đây trên 20 năm trở về quá khứ khi đường sông còn là chọn lựa thuận lợi để gạo, mắm, trái cây… từ xứ này đi xứ khác.

Ngã Năm trở thành điểm giao hẹn của các ghe thương hồ từ miệt vườn Vĩnh Long, Tiền Giang, hay miệt ruộng Hậu Giang, Sóc Trăng, miệt biển Cà Mau, Kiên Giang… Mặc dù không xa Ngã Bảy, nơi được ví von "kinh đô sông nước", nhưng chợ nổi Ngã Năm lại mang những lợi thế và màu sắc rất riêng.

"Chợ nổi này có từ lâu lắm rồi, từ bận trước khi chợ trên bờ bị cháy. Nó có trước lúc tui chui ra đời nữa kìa…" - ông Bảy Luông, thương hồ từ Miệt Thứ (Kiên Giang), kể.

Ông nhớ thời ông già mình chở khóm ra bán ở chợ nổi Ngã Năm. Cái thời ghe thương lái, xuồng hàng bông đầy kín sông. Mỗi khi có tàu lớn qua lại khúc sông này thì phải nhờ tàu lô đi trước vẹt đường.

"Hồi đó khu này kẹt sông giống như trên Sài Gòn bị kẹt xe. Mà sông càng kẹt thì buôn bán càng khấm khá. Hổng như bây giờ, đường sông thông thoáng, nhưng thương hồ đâu có vui", ông Bảy Luông nói.

Dạo rày mỗi chuyến ghe hàng chở về đây, ông thường nghĩ chắc đây là… chuyến cuối của mình. Nhưng về nằm nhà ông lại buồn, lại ra rẫy lấy hàng chở lênh đênh đi bán.

Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, chợ nổi Ngã Năm được hình thành từ trên 100 năm trước, không bao lâu sau khi chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) nổi lên như một "đô thị sông nước" nhộn nhịp bậc nhất vùng.

Vậy rồi cũng như nhiều địa phương khác có chợ nổi cạnh chợ trên bờ, khi chợ đã quá đông tàu ghe, lệnh di dời chợ nổi Ngã Năm đã được triển khai. Lý do được lãnh đạo địa phương đưa ra là để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo tài liệu của UBND thị xã Ngã Năm, năm 2010, chợ nổi Ngã Năm thường xuyên tụ họp trên 200 tàu ghe của nhiều tỉnh trong khu vực. Đến năm 2015, số ghe hàng neo đậu ở chợ nổi này giảm xuống còn 120 ghe; năm 2022 còn 50 ghe… và giờ thì chỉ còn thưa thớt ít ghe.

"Từ khi dịch bệnh Covid-19, các ghe tàu tản ra ai về nhà nấy. Tới khi hết dịch thì chợ tan luôn. Nhiều thương lái lên bờ, sắm xe cộ để bán hàng. Thấy bán được, họ trụ lại bờ. Giờ có đuổi, họ cũng không trở lại sông" - ông Ba Kiệt, với chiếc ghe cũ dần vắng bạn hàng, cũng tập "thích nghi" khi mua thêm chiếc xe nhỏ để chở hàng đi về các xóm ấp.

Cơn mưa lạnh giăng mờ lên buổi sáng cuối năm càng làm cho những thương hồ cắm sào bên bến chợ Ngã Năm ngóng đợi khách. Chị Tư Đảnh (ở Ba Đình, Gò Quao, Kiên Giang) hớn hở khi sau hai ngày neo ghe đã bán được 500 trái khóm.

Chẳng bù lại nhóm ghe anh Hai Đen, Út Kên nhà ở Xáng Cụt (Gò Quao) đã cặp bến mấy ngày nhưng bạn hàng không đến mua.

"Hồi đó mình chở hàng tới là có người mua mão nguyên ghe. Giờ người ta mua lẻ từng trái khóm còn thưa thớt - Hai Đen nói anh gắng đi cho hết xác ghe tả tơi rồi cũng giải nghệ - Ghe tôi đi cũng cũ lắm rồi. Tôi không đổi ghe nữa. Ghe cũ lủng lỗ nào, mình vá lỗ đó rồi đi tiếp. Khi nào hết vá được nữa thì mình giải nghệ là vừa…".

Lặng nhìn ra mặt kinh mờ trong mưa sáng, Út Kên tâm sự có lẽ nhóm ghe của các thương hồ Miệt Thứ là những ghe hàng cuối cùng của chợ nổi Ngã Năm.

"Nghe nói chính quyền tính phục hồi ghe thương hồ để phục vụ khách du lịch. Tôi không biết có ai dám sống đời sông nước như hồi đó giờ không", Út Kên trầm ngâm.

--------------------

Những chuyến ghe lênh đênh vào ruộng rẫy lấy hàng rồi về chợ nổi đợi khách, đời thương hồ thời 4.0 ngày nay có nhiều đổi thay khác xưa.

Kỳ tới:Gạo chợ nước sông thời 4.0

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 3: Khách thương hồ, đời người phận sông - Ảnh 3.Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 2: Bến thương hồ đợi khách

Những chuyến ghe buôn chở theo phận đời rày đây mai đó có mặt trên khắp miền Tây sông nước. Dân tình gọi là ghe thương hồ và anh Ba, chị Bảy tịch tang bán buôn trên đó là khách thương hồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên