18/01/2025 09:17 GMT+7

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 5: Qua thời bến sông đông hơn bến chợ

Khi linh hồn chợ nổi miền Tây là các ghe thương hồ cùng đối tác trên bờ là các vựa nông sản ven sông rạch dần mờ nhạt.

Kỳ 5: Qua thời bến sông đông hơn bến chợ - Ảnh 1.

Khóm từ Miệt Thứ được chở xe về chợ nổi Vĩnh Thuận rồi xuống ghe vào bán ở các xóm ấp - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Và vai trò chợ nổi trong hệ thống giao thương càng mai một, thì bến thương hồ được gánh thêm chức năng du lịch. Người ta đang hy vọng du khách sẽ góp phần cùng các bạn hàng "cứu" những ghe thương hồ được tiếp tục bập bềnh trên sông nước.

Vĩnh Thuận, hiếm hoi chợ nổi "còn xung"

Một lãnh đạo ở Kiên Giang rất hào hứng khi nghe chúng tôi hỏi thăm chợ nổi Vĩnh Thuận ở Miệt Thứ có còn hoạt động không hay đã kết thúc vai trò cũng giống như nhiều chợ nổi khác ở miền Tây. Như sẵn chờ phần cho "người đến muộn bữa tiệc", vị này hào hứng khoe: "Cứ xuống đây. Chợ vẫn còn rất xung...".

Ngay sáng hôm sau, chúng tôi xuôi về Miệt Thứ. Khi những chiếc ghe hàng tuyệt đẹp như chui ra trong màn đêm, những chiếc vỏ lãi hối hả chạy như bay trên mặt nước và các vựa nông sản hút ghe xuồng hàng hóa như bầy ong say tổ, đoạn kinh xáng thoáng chút náo nhiệt, đủ để người địa phương tự hào về cái chợ nổi Vĩnh Thuận "sống thiệt dai".

Chợ nổi này đậm chất đất và người Miệt Thứ dù không nhiều khách biết tới như những chợ nổi lừng danh khác ở Cái Răng, Ngã Năm, Long Xuyên trên sông nước Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang.

Kinh xáng Chắc Băng kẻ thẳng một đường từ sông Cái Lớn vắt qua trung tâm huyện lị Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến chợ Thới Bình (Cà Mau) trước khi đổ ra sông Trẹm. Đây cũng là con đường thủy huyết mạch nối miệt vườn, miệt ruộng về Miệt Thứ, gần biển trời phía Tây Nam. Từ kinh xáng Chắc Băng, các chi lưu tiếp tục quẹo về những vùng đất một thời từng là rừng rậm hẻo lánh, những nê địa mênh mông mà nhà văn Sơn Nam đã viết mòn không biết bao nhiêu ngòi bút thuở nào...

Thời giao thông đường bộ còn nhiều cách trở, ghe thương hồ từ khắp nơi theo dòng Chắc Băng xuôi về Vĩnh Thuận, tề tựu thành chợ nổi bề thế bậc nhất trong bán kinh hơn mười cây số Miệt Thứ giáp xứ Cà Mau.

Nếu như chợ nổi Ngã Bảy, Ngã Năm, Cái Răng, Cái Bè... đạt đến độ hoành tráng, thể hiện bộ mặt sung túc của hàng hóa mang tính liên vùng, thì chợ nổi Vĩnh Thuận là điểm phân phối hàng hóa chính cho một khu vực phía Tây thuộc bán đảo Cà Mau. Từ đây, hàng hóa ngược lên vùng U Minh Thượng hay tẻ qua vùng Đồng Chó Ngáp rộng lớn và là điểm trung chuyển sản vật từ mạn biển lên hay củ quả từ miệt ruộng đồng phía trên xuống...

Theo thời gian kinh tế khá hơn, nhu cầu của người dân càng lớn, thì các ghe xuồng từ nhiều nơi chở hàng về chợ nổi Vĩnh Thuận càng đông. Đến độ "bến sông đông hơn bến chợ", tiếng giao thương dưới sông nước ồn ào hơn tiếng trên bờ, thì bức tranh tấp nập chung của chợ nổi một thời hưng thịnh lại hiện ra dẫn đến sự lo ngại của các nhà quản lý khi xuồng ghe chật như nêm cả một đoạn sông.

Rồi cũng như các chợ nổi khác ở miền Tây, khi xuồng ghe thương hồ quá đông đúc, kinh rạch trở nên chật chội, thì lệnh dời chợ về đoạn sông vắng vẻ hơn đã được ban hành. Chợ nổi Vĩnh Thuận "trôi" dần về đoạn sông theo hướng hạ lưu dòng Chắc Băng. Đến nay, sau nhiều lần di dời, chợ nổi Miệt Thứ nằm cách trung tâm huyện khoảng hai cây số.

Bất chấp "số phận nổi trôi" của nhiều chợ nổi xứ khác, chợ nổi Vĩnh Thuận vẫn duy trì với lượng ghe hàng nhất định. Từ đây, hàng trăm xuồng ghe bán lẻ đến lấy hàng để theo các kinh rạch về với các xóm ấp Miệt Thứ và vùng Cà Mau, Bạc Liêu liền kề. Thế cảnh trên bến dưới thuyền của chợ nổi Vĩnh Thuận vẫn được duy trì, khi các vựa nông sản ven quốc lộ 63 vẫn tồn tại, là đối tác không thể thiếu của các ghe thương hồ.

"Chú thấy điểm khác nhau giữa chợ nổi ở đây với chợ nổi các nơi khác là gì không?", anh Hai Liêm hỏi. Người thương hồ này quê Phong Điền, Cần Thơ, đã có mấy mươi năm trên chiếc ghe lấy khoai từ miệt trên về đây bán, tâm sự thêm dân ở đây nhìn ghe đã thấy quen, biết luôn trên ghe đó bán gì. Ít khi thương hồ dùng cây bẹo treo hàng mời chào giống như các ghe thương hồ những nơi khác.

Hồi đó, khi hàng hóa còn khan hiếm, các ghe thương hồ chở về chợ nổi Vĩnh Thuận hầu hết là bán sỉ, bán "mão", có khi bạn hàng mua "mão" hết cả ghe. "Buôn bán mình lấy sự chân thành làm trọng. Nên hồi đó chuyện cân đong, đo đếm không hề có chuyện mếch lòng. Người ta buôn bán tính cần xé, tính bao, tính chục mười mấy...

Kẻ bán người mua đều rộng rãi, hào sảng hết. Nên ít khi có chuyện khó xử xảy ra. Còn giờ, cái gì người ta cũng đòi hỏi chính xác, sòng phẳng hết...", thương hồ Hai Liêm nói vợ chồng anh còn "trụ" lại được ở chợ nổi Vĩnh Thuận này cũng từ cái tình. "Ghe nhiều, mà bến chợ thì ít. Chúng tôi phải phân nhau ra hôm này người đậu bến sông, hôm sau người khác đậu bến vựa. Hài hòa như vậy, ai cũng có cơ hội mua bán như nhau...".

Kỳ 5: Qua thời bến sông đông hơn bến chợ - Ảnh 2.

Chợ nổi Vĩnh Thuận (Kiên Giang) vẫn còn nét đặc trưng trên bến dưới thuyền” - Ảnh: HUỲNH LÃNH

Chợ nổi không chỉ là chuyện dưới sông

Anh Tư Kiên, doanh nhân từng bôn ba khắp nơi, rồi chọn về quê hương Vĩnh Thuận để cắm cây sào cuối cùng cho cuộc đời, nói rằng chợ nổi Vĩnh Thuận khác với nhiều chợ nổi khác trước hết là nó không nằm bên vàm sông. Sự "ngay thẳng" của con kinh xáng Chắc Băng, chạy song song một đoạn với quốc lộ 63, ven sông là hệ thống vựa nông sản... đã giữ cho cục diện "trên bến dưới thuyền" của chợ nổi Vĩnh Thuận mà nhiều chợ nổi khác không có được.

Nhưng đâu phải chợ nổi nào cũng được may mắn như Vĩnh Thuận. "Người ta nói nhiều về ghe thương hồ khi nhắc đến chợ nổi. Nhưng người ta ít khi nhắc đến thành phần vô cùng quan trọng đó là hệ thống các vựa hàng trên bờ. Ghe thương hồ sống được nhờ bạn hàng lớn là các vựa", anh Tư Kiên nói.

Anh thấy nhiều nơi người ta nghĩ chợ nổi là chuyện ở dưới sông, không "ăn nhậu" gì đến chuyện trên bờ, nhưng đó là suy nghĩ "chưa tới" đời chợ nổi. "Chú coi, chợ nổi nào mà không có hệ thống vựa là dẹp hết", anh Tư Kiên liệt kê hàng loạt chợ nổi các xứ khác mà anh rành rẽ. Sau khi chính quyền địa phương dời chợ, cách biệt với hệ thống vựa trên bờ, cắt đứt thế "trên bến dưới thuyền" chợ nổi trở thành "chợ mồ côi" rồi ngày càng vắng khách dần.

"Mỗi vựa trên bờ bao tiêu cho khoảng 20 ghe thương hồ. Từ các vựa, hàng hóa sẽ đi khắp nơi nhờ vào kênh phân phối từ vựa", anh Phùng Đoàn Viên (44 tuổi), từng là chủ một vựa khoai lớn bên chợ nổi Cái Răng, nói.

Sau khi không còn được duy trì vựa đầu mối bên cạnh chợ nổi nữa, nhiều ghe thương hồ là khách hàng lâu năm của gia đình anh cũng lần lượt giải nghệ. "Sau khi bờ kè Cái Răng xây dựng, đã "giải tỏa" các vựa nông sản bên chợ nổi. Nhiều ghe thương hồ đã mất mối làm ăn... Tình hình mua bán đã khó càng khó hơn", anh Viên nói.

Trong khi vai chính là cung ứng hàng hóa trong giao thương truyền thống của chợ nổi ngày càng mờ nhạt, thì các chợ nổi lại nhận thêm vai mới là cung cấp hàng hóa cho các sản phẩm du lịch.

Đó là khi nhiều người đi du lịch Thái Lan, tận mắt chứng kiến cách người Thái khai thác du lịch từ những chợ nổi phục dựng. Hàng hóa họ phong phú, bài trí bắt mắt, phục vụ chuyên nghiệp... Rồi nhìn lại các ghe thương hồ trên bến sông nhà, thấy khách thương hồ sao mà chơn chất, hàng hóa lại đơn điệu, các xuồng dịch vụ thì sao cứ bấp bênh...

"Chỗ người ta buôn bán hồi đó giờ. Văn hóa ứng xử đã có từ bao đời. Bây giờ phải thay đổi để phục vụ khách mới. Tôi không biết có ổn không?", anh Tám Tín, thương hồ hơn 20 năm buôn bán hàng trên chợ nổi Cái Răng, nói khách du lịch ngày càng đông trên chợ nổi này cũng thêm vui. "Nhưng họ chỉ dạo chơi, có mua cũng chỉ chút ít thôi, chưa thể thay thế bạn hàng truyền thống được", anh nói thẳng.

__________________________________________

"Vai mới cho chợ nổi là chuyện hay nhắc tới, nhưng vai nào thì diễn viên cũng phải tròn vai. Anh thương hồ sẽ vai hướng dẫn viên du lịch, chị bán bún, bán cà phê cũng không còn vừa bán vừa la làng"...

Kỳ tới: Vai mới cho chợ nổi miền Tây

Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 5: Qua thời bến sông đông hơn bến chợ - Ảnh 3.Trăm năm lênh đênh chợ nổi miền Tây - Kỳ 4: Đời gạo chợ nước sông thời 4.0

Những người trẻ thời nay khó biết chứ lứa lớn tuổi cỡ U50, U60 trở lên rành rẽ sông nước châu thổ Cửu Long đều ít nhiều là chứng nhân sự đổi thay chợ nổi theo thời cuộc dâu bể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên