24/02/2016 09:38 GMT+7

Trách nhiệm công vụ

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Người dân cảm thấy hài lòng khi gần đây nhiều vụ việc chướng tai gai mắt, xem thường kỷ cương phép nước tồn tại nhiều năm đã bị xóa sổ hoặc chấn chỉnh một cách ngoạn mục.

 

Ông Nguyễn Hữu Quế kiểm tra, yêu cầu xử lý đoàn xe quá tải "qua mặt" thanh tra giao thông để chạy về nhà máy đường - Ảnh: B.D.

Trường hợp mới đây nhất là ông giám đốc Sở GTVT Gia Lai trị cán bộ cấp dưới vì để xảy ra nạn xe quá tải.

“Việc nhiều như nước sông Hồng”. Đúng vậy. Người dân đang đòi hỏi cán bộ công chức phải làm hết mình để hoàn thành nhiệm vụ và cũng là tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho xã hội.

Thế nhưng ở nhiều nơi, những người thi hành công vụ, vì nhiều lý do, kể cả có tiêu cực đã không làm tốt công việc của mình được giao. Thế mới có chuyện nhà xe vô tư biến trung tâm thành phố thành bến xe, gây ra nạn kẹt xe, tắc đường.

Có chuyện xe chở quá tải bon bon trên đường. Chuyện cát tặc vô tư cào cấu lòng sông gây ra sạt lở khiến nhiều người mất tài sản oan uổng. Cảnh kẹt xe tắc đường nhưng không thấy cảnh sát giao thông... Những việc này dân kêu không thấu, và có lẽ họ đã chấp nhận “sống chung với lũ”.

Họ đã chấp nhận một bộ phận công chức có “quán tính” làm không hết việc, làm không từ tinh thần trách nhiệm, làm qua loa, hoặc nhắm mắt làm ngơ để tiêu cực...

Có thể đo lường chất lượng phục vụ qua những bức xúc của người dân, hoặc qua đánh giá về môi trường kinh doanh mà nhiều năm qua luôn “xếp chiếu dưới” so với 6 nước dẫn đầu khu vực (nhóm ASEAN-6 gồm các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei).

Trong khi Cộng đồng ASEAN đã gõ cửa, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, cuối năm 2015 Chính phủ báo cáo Quốc hội là: “Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội”; “Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền”...

Dù chưa phải tất cả, những “quán tính” nêu trên đang là lực cản lớn trên con đường nâng cao chất lượng thực thi công vụ, chính là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất trong việc giải quyết nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn của nước ta.

Rất nhiều quyết tâm chính trị đã được thể hiện trong các văn bản liên quan đến đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Kinh nghiệm thế giới cũng rất phong phú.

Bằng ngân sách, nhiều đoàn công tác đã được cử ra nước ngoài học tập kinh nghiệm. Chẳng hạn như cách đây một năm, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn và cử công chức, viên chức đi học tập tại Israel.

Tuy thể chế có nhiều điểm khác nhau, nhưng báo cáo khẳng định không ít những nội dung có thể vận dụng vào cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức ở Việt Nam từ quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng toàn cầu đó.

Chỉ có điều, muốn cải cách gì, trước hết phải dẹp bỏ những “quán tính” mà thiên hạ không có. Và người dân rất cần những tư lệnh ở từng lĩnh vực, địa phương hành động như ông giám đốc Sở GTVT Gia Lai đã làm để xóa đi những quán tính xấu của một bộ phận công chức.

Phải chấp nhận có vào có ra, không làm tốt công việc được giao thì phải nghỉ và tưởng thưởng xứng đáng cho những công chức nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, có cống hiến tốt cho xã hội, vì dân mà phục vụ...

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên