19/10/2015 09:06 GMT+7

​Trách nhiệm công vụ

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)
TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)

TT - Với một sự việc được phản ảnh mà không chủ động xác minh để ít nhất có thể khẳng định việc đó “có hay không có cơ sở” thì còn bao nhiêu tồn tại, hiện tượng tiêu cực khác phát sinh sẽ thế nào?

Việc giám đốc Sở GTVT Hà Nội gửi văn bản cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về việc “xin một lốt xe (slot - lượt xuất bến) vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng” mà ông Thăng nói trong cuộc họp ngày 15-10 để Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xác minh là không sai theo quy định pháp luật. 

Tuy nhiên ở góc độ quản lý ngành tại địa phương, đáng lý ra Sở GTVT Hà Nội phải chủ động liên hệ với bộ trưởng về thông tin trên và sử dụng các nguồn, phương thức khác để làm rõ chứ không phải gửi văn bản yêu cầu bộ trưởng phải cung cấp.

Trước đó, ngày 25-9, trong cuộc họp giao ban TP Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương đã thông báo việc từng chứng kiến hai CSGT nhận tiền để bảo kê xe quá tải. Ngay lập tức, giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo điều tra.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng sau đó gặp phó chủ tịch để nắm thông tin và khoảng 10 ngày sau công bố kết quả xác minh là thông tin tiêu cực “không có cơ sở”. Thượng tá Lê Văn Lực, phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, phát biểu: “Ông Khương đưa vấn đề này ra để anh em kiểm tra, chấn chỉnh lại”.

“Kiểm tra, chấn chỉnh lại” những biểu hiện tiêu cực, vi phạm từ thông tin được phản ánh từ nhiều nguồn, nhiều cấp khác nhau là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước được luật pháp quy định.

Lẽ ra từ thông tin tiếp thu, bộ trưởng phát biểu lại, thấy có cơ sở thì cấp dưới phải xác minh. Ý kiến của bộ trưởng trong cuộc họp là ý kiến phát biểu chỉ đạo cấp dưới và các ngành liên quan phải có trách nhiệm xác minh thông tin, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những thông tin này nếu có.

Theo quy định, với trách nhiệm quản lý ngành trên địa bàn thì sở phải quản lý toàn diện, bao trùm được hết, kể cả các hiện tượng, tồn tại, tiêu cực… xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Đó là yêu cầu trách nhiệm quản lý được Nhà nước giao. 

Cũng theo quy định pháp luật về tố cáo, khi có thông tin của công dân phản ảnh hiện tượng tiêu cực nào đó xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn phân công thì người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý phải xác minh. Kết quả xác minh, tùy vào mức độ vi phạm mà xử lý nghiêm theo quy định và phải trả lời cho người tố cáo. 

Vì vậy, với ý kiến phát biểu chỉ đạo của bộ trưởng mà cấp dưới còn tiếp thu theo cách như thế thì rất khó để phản ảnh, tố cáo của công dân có thể được xem xét một cách thấu đáo, đúng trách nhiệm.

Hơn nữa, thay vì tiếp thu ý kiến và tiến hành xác minh ngay thì Sở GTVT Hà Nội lại có văn bản đề nghị bộ trưởng cung cấp chứng cứ. Dù rằng việc đề nghị của Sở GTVT là không sai luật nhưng thái độ và bản lĩnh trách nhiệm công vụ của cơ quan cấp dưới trong trường hợp này là chưa đúng mực. 

Chỉ với một sự việc được phản ảnh như thế mà không chủ động, sốt sắng xác minh để ít nhất có thể tự tin khẳng định rằng việc đó “có hay không có cơ sở” thì còn bao nhiêu tồn tại, hiện tượng tiêu cực khác phát sinh sẽ như thế nào?

Cho nên trách nhiệm tiếp thu, xử lý đã có quy định nhưng dường như điều đó là chưa đủ.

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên