06/08/2022 11:33 GMT+7

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ cuối: Giảng đường Nhân văn thương nhớ

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Nhớ mãi thời điểm tôi thi đại học tròn 20 năm trước - ngày đó khóa chúng tôi thi theo chương trình 3 chung (chung đề, chung ngày thi và chung điểm sàn).

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ cuối: Giảng đường Nhân văn thương nhớ - Ảnh 1.

Báo cáo thực tập lớp báo chí khóa 2003 mà vui như hội - Ảnh tư liệu

Tôi ở Quảng Nam, đăng ký thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nên phải thi ở cụm Quy Nhơn (Bình Định). Xe cộ đi lại thời đó không nhiều như giờ, lại cao điểm mùa thi nên sĩ tử khá đông. Chuyến xe đi thi chen chúc cuối cùng cũng đưa tôi hoàn thành kỳ thi an toàn.

Ngày tôi vào đại học là niềm vui cả làng

Vài tuần sau, tôi xin má 2.000 đồng để đến nhà hàng xóm gọi điện thoại cho tổng đài 1080 và được thông báo số điểm thi cũng như điểm chuẩn của ngành báo chí năm đó. "Em đủ điểm đậu rồi, chúc mừng em", chị tổng đài viên nào đó đã nói thế. 

Tôi không dám tin nên đã nhờ chị coi cho kỹ thêm một lần. Cuối cùng chị ấy đọc lại tên tuổi mình một lần nữa mới chắc là mình vào đại học rồi. Năm đó, trường phổ thông tôi học chỉ có 2-3 bạn đỗ đại học trong kỳ thi năm đầu.

Khỏi phải nói, tôi đã chạy như bay từ nhà hàng xóm về và báo tin cho má: "Con đậu rồi, con đậu rồi, mừng quá má ơi". Má tôi ôm tôi, thấy trong mắt má ánh lên niềm vui còn hơn tôi. Từ đó, tôi và má bắt đầu những ngày tìm cách cho tôi được đi học.

Má tôi chạy vạy, đi mượn từ làng trên xóm dưới được 3.200.000 đồng. Đó là số tiền quá lớn với gia đình mình, nhưng vì hay tin tôi đậu đại học nên ai cũng vui mừng, cổ xúy bằng cách cho má con tôi mượn tiền để nhập học. 

Mãi sau này, có lẽ đến cả khi mình lìa khỏi hồng trần này, tôi cũng không quên ân tình xóm giềng đã thương mến mình những ngày khốn khó đó.

Tối trước ngày tôi rời quê đi học, mọi người biết tin còn đến nhà động viên, người nhét vào túi tôi 5.000-10.000 đồng, bảo "để con đi đường uống nước". Tôi rưng rưng nhận tất cả yêu thương ấy và rời xa má, hứa rằng con sẽ cố gắng vượt qua 4 năm đại học, "má đừng lo nghen má ơi".

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ cuối: Giảng đường Nhân văn thương nhớ - Ảnh 2.

Thời hồn nhiên cùng bạn bè ở sân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Ảnh tư liệu

Sân trường Nhân văn yêu thương

Từ miền quê nghèo heo hút dưới chân đèo Le của tỉnh Quảng Nam, vào Sài Gòn học là lần đầu tôi xa nhà mà lại đi quá xa như vậy, cách gần 1.000km. 

Phương tiện liên lạc những năm 2000 không phong phú như bây giờ nên chúng tôi chủ yếu kết nối với người thân bằng thư tay. Viết và gửi, rồi chờ thư hồi âm.

Năm nhứt đại học, tôi ở nhà 621 của ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Đó là khu nhà cũ nhứt trong khu A, còn lại các nhà khác do một số tỉnh thành ký kết với ký túc xá đầu tư xây dựng nên sinh viên tỉnh thành đó được ưu tiên vào ở. 

Cả phòng ký túc xá của tôi có 10 sinh viên, Bách khoa, Tự nhiên, Nhân văn và cả Khoa kinh tế ở chung. Chúng tôi đều là sinh viên năm nhứt, ở nhiều tỉnh thành Bắc-Trung-Nam nên ban đầu thấy hơi bỡ ngỡ, nhưng sau vài tuần thì quen dần, hiểu tính cách, thói quen, đặc điểm vùng miền - mọi người dần thân nhau.

Ở ký túc xá, cứ 3-4h chiều là anh trưởng nhà lại đi từng phòng gõ cửa: "Hôm nay có thư của Tân, Trường... nè". Ai nhận được hồi âm thì tủm tỉm cười, len lén mở ra đọc, rồi tối đó thể nào cũng sẽ ngồi mở đèn bàn lên nắn nót viết đặng mai đi gửi cho người thân hay bạn bè, người thương mình. 

Tôi cũng vậy. Những lá thư của má đong đầy yêu thương. Nét chữ run run mà má viết gửi bao giờ cũng là lời động viên tôi cố gắng, nhắc nhở tôi giữ sức khỏe để không ảnh hưởng học hành, nhất là khi không có má bên cạnh. Hồi đó, má là động lực lớn lao để tôi học, càng thương má tôi càng nỗ lực.

Ở lớp, sau vài ba tháng học tập, tôi cũng bắt đầu có thêm những người bạn thật dễ thương. Tôi không thể quên những bạn đã cùng mình tập tành đi viết những mẩu tin đầu tiên, chỉ mình cách lập email và gửi bài cùng ảnh kèm đến tòa soạn bằng thư điện tử. 

Đó là Mễ Thuận, Chí Quốc, Công Minh, Yên Thảo... Thời đó, chúng tôi khá thân nhau. Tôi gọi Yên Thảo là "sư phụ" vì mẩu tin đầu tiên tôi viết được đăng báo là nhờ Thảo hướng dẫn, chỉ cách viết sao cho gọn ghẽ, đúng gu của tòa soạn cho dễ đăng.

Sau này, Thảo cũng chỉ cho tôi nhiều kỹ năng khác để cộng tác tốt hơn với các tờ báo online mới ra mắt lúc bấy giờ. Tiếc là bây giờ Thảo không tiếp tục theo nghề, chọn ở ẩn trên Măng Đen với nghề dạy học, ngôn ngữ Anh vốn là thế mạnh của bạn.

Còn tôi, Thuận, Quốc, từ năm hai đại học trở đi vẫn thường "tác nghiệp" chung. Tôi không có xe máy, cũng không máy ảnh, máy tính gì cả. Thuận có máy ảnh, Quốc có xe máy, tôi đi ké hai bạn nên có nhiệm vụ... tìm đề tài và viết tin chính. 

Kỷ niệm về mẩu tin đăng báo giấy đầu tiên của chúng tôi là cả ba cùng kéo nhau lên Đà Lạt - theo một chương trình do hội sinh viên tổ chức. Chỉ là tin vắn nhưng tới... 3 tác giả, dù vậy chúng tôi rất hạnh phúc vì đó là sản phẩm báo in mà cả nhóm thực hiện bằng cả tình yêu nghề, sự dấn thân. 

Sau này, chính thức bước vào những tờ báo làm rồi mới thấy, ngày đó mình thật ngây thơ. Nhưng có ai không trưởng thành từ những chập chững bước đầu đâu?

15 năm ra trường

Thoáng cái khóa báo chí của chúng tôi đã ra trường được 15 năm. Thi thoảng, các bạn ở tỉnh về quê lên công tác có hú nhau gặp cũng thường chóng vánh, được tiếng đồng hồ hội ngộ là mừng. 

Cách đây hơn tháng, Kim Thanh, đang công tác ở Đài truyền hình tỉnh Gia Lai, xuống Sài Gòn khám bệnh, ngồi nhắc nhớ những "người xưa", thấy bạn mình có thời tung hoành rồi thành danh cũng nhiều, nhưng không ít cũng đã không tiếp tục làm nghề, chuyển hướng.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ cuối: Giảng đường Nhân văn thương nhớ - Ảnh 3.

Kỷ niệm một tháng học quân sự của lớp chúng tôi - Ảnh tư liệu

Có những bạn bè học chung lớp tôi ngày ấy thành đôi thành cặp như Bình "bồng bột" - Quỳnh Nga, Kim Nga - Văn, Hồng Thu - Mạnh Tân, Chí Quốc - Hương Giang... 

Những người họ, có bạn yêu từ thời sinh viên đến khi ra trường, kết hôn, có thêm thành viên mới. Bạn bè lập group "Báo chí 03" để liên lạc, mừng vì những hoa trái tình yêu của các bạn. Nhưng quý nhứt có lẽ là những sẻ chia khi gia đình bạn bè có tin buồn. Sự sẻ chia bao giờ cũng cần thiết, đáng trân trọng. 

Những buổi gặp nhau bất đắc dĩ bên những vành khăn trắng của bạn cũ ở Sài Gòn nhắc nhở chúng tôi trân quý từng ngày được sống, trân quý tình bạn 20 năm gắn bó dưới mái nhà Nhân văn.

Thầy cô từng dạy mình, có những vị đã nghỉ hưu, có vị đã về bên kia núi dù tuổi đời còn trẻ như cô Ưng Sơn Ca (mất năm 2010), có thầy cô chúng tôi nghe tin bệnh nặng trong mùa COVID-19 nhưng may mắn đã qua khỏi và vẫn trọn niềm yêu nghề... 

Điều đặc biệt với sinh viên báo chí chính là có những thầy cô bây giờ là đồng nghiệp. Đó là những thầy cô đứng lớp trong vai trò thỉnh giảng, vốn là nhà báo kỳ cựu đang công tác ở một cơ quan báo chí hoặc đài truyền hình nào đó.

Dù có liên lạc nhiều hay ít, gặp nhau là điều hiếm hoi, gặp lại biết vẫn còn làm báo hay chuyển hướng vì cuộc mưu sinh mỏi mệt... thì tình bạn thời đại học vẫn luôn khó phai trong lòng mỗi người, để rồi khi nhắc nhớ vẫn đong đầy xúc cảm. 

Buổi gặp chóng vánh với Lê Chinh trước sân trường Nhân văn trong tuần rồi gợi nhớ bao nhiêu gương mặt. Chúng tôi bây giờ thăm nhau chủ yếu vẫn là chuyện con cái, tuổi của lứa báo chí 03 ngày ấy sắp 40.

Rồi sẽ đến lúc kỷ niệm 20 năm ra trường rồi hơn nữa, bạn bè gặp nhau hai thứ tóc chắc vẫn nhớ hoài những tháng ngày ở ký túc xá, chờ thư tay để nhận và chiều chiều nghe radio phát vang những bài nhạc theo yêu cầu trên Đài Bình Dương, những ca khúc Làn Sóng Xanh một thời không phai, những mối tình đầu ở giảng đường đại học chắc chắn vẫn nằm đâu đó trong miền nhớ...

Những bạn bè ngày ấy dần khẳng định được tên tuổi, như Tiểu Quyên là nhà báo, nhà văn ra mắt hàng chục cuốn sách, có cuốn được giải thưởng Mai Vàng, có bạn nổi danh với vai trò bình luận thể thao nay làm biên kịch cho nhiều phim truyền hình Việt ăn khách như Bình "bồng bột"...

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 9: Lớp học... 10 sinh viên

TTO - Năm 2016, tôi trúng tuyển vào Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có trụ sở chính khi ấy nằm ở quận Tân Bình, TP.HCM.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên