Giảng đường Đại học Đà Lạt năm 2004 - Ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Rồi lại một ngày ta bước ra trường đời và đọng lại biết bao kỷ niệm khó quên nơi giảng đường như Phạm Duy đã mộng mơ "Trả lại em yêu, khung trời đại học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn...".
Mùa thu năm 1997, chiếc xe đò vừa dừng lại trong mưa, đổ xuống một đám sinh viên non choẹt, đứa tay xách vali, đứa khư khư ôm túi xách, mặt mày nhìn chung vừa ngơ ngác vừa tỏ ra hoài nghi bí hiểm với cả thế giới.
Bên kia đường, một đám sinh viên đi dắt mối cho nhà trọ kiếm thêm thu nhập thì lanh lẹ như tép: "Các bạn ơi, mình là sinh viên đây. Bạn có phòng trọ chưa?...".
Dốc Đá, Ngã Năm, Đồi Trà, Lữ Quán...
Trời thì mưa dầm dề. Dưới mái hiên rèm nước nhỏ tong tong, có một cậu tân sinh viên ốm nhách ngồi ôm cái rương gỗ chờ xe ôm chở đi tìm phòng trọ.
Chiếc Simson tành tành phả khói đánh một vòng qua Ngã Năm Đại học, tôi kịp nghe một hỗn hợp mùi từ khói thịt nướng từ dãy hàng quán xộc xệch hai bên làm dịch vị túa ra nóng trong vòm họng. Đó, cơn thèm ăn đầu tiên!
Trên một quán vỉa hè, có thể nhận ra đám sinh viên nữ nhút nhát như bám lấy áo ba hay mẹ đi tìm chỗ ăn trưa sau khi ổn định chỗ trọ đâu vào đấy.
Những ông bố Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình đội nón cối, áo màu xanh bộ đội, chân đi dép rổ trông quê kệch nhưng mặt mày khắc khổ đanh sạm lại trước cái lạnh róng riết thịt da; tương phản với mấy cô con gái rượu thiệt xinh đúng kiểu gái nhà lành của họ.
Những bà mẹ của "khúc ruột miền Trung" gốc Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị có khuôn mặt nhỏ và dài như giọt nước đang rơi, họ toát lên vẻ kham khổ với túi xách cõng lưng bên mấy cậu con trai lần đầu ra phố hãy còn nhút nhát.
Tất thảy những cha mẹ quê khi đưa con đi nhập học của thuở ấy, họ trăm thứ lo cơm áo, nhà trọ. Cái lãng mạn của cảnh sắc và những cơn mưa giá lạnh của Đà Lạt với họ hẳn quá xa lạ. Cả bọn tân sinh viên tứ chiếng cũng vậy.
Tôi thuê phòng trọ ở khu nhà liên kế thuộc xóm Gia binh thời cũ (đầu dốc đoạn đường từ cổng trường đại học đổ xuống Vườn hoa thành phố). Chủ nhà người Đà Lạt ngay từ đầu đã cho tôi được suất ăn chung trong bữa cơm gia đình.
Ngã 5 Đại học Đà Lạt năm 2004 Ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Nhờ đó, tôi may mắn vì chập chững vào đời sinh viên được ăn uống tươm tất, trong khi lũ bạn bè thì phải tính toán ngay chuyện đi tìm quán cơm nào vừa rẻ lại vừa nhiều cơm thêm để mua phiếu cơm tháng.
Phiếu cơm tháng là một mảnh giấy có ba mươi ô vuông ứng với ba mươi ngày, mỗi bữa ăn chủ quán sẽ gạch một dấu chéo vào một ô để theo dõi số suất cơm khách đã dùng.
Tôi ăn ké cơm nhà được chừng một tháng thì cô chủ bèn nói khéo để tôi đi ra ngoài tìm quán cơm sinh viên (có lẽ vì ngay từ đầu, chủ nhà đã đánh giá sai năng lực tiêu thụ tinh bột của tôi trong các bữa ăn).
Tôi lân la tìm một quán ở khu gần Trường Bùi Thị Xuân, giá thật rẻ, "canh đại dương" (toàn nước) bao la và cơm thêm thì miễn phí, nên ham hố mua phiếu cơm tháng. Mỗi bữa ăn xong, phải tha cái bụng lặc lè ra khỏi quán mệt nhừ người, nhưng khi đến nhà, qua hai con dốc thì... cơn đói kịp quay trở lại.
Dù sao, hành trình đi tìm quán cơm giá bèo cũng là một chuyến khám phá đời sống phố sinh viên để nằm lòng đường sá cho bốn năm học phải len lỏi kiếm thêm thu nhập bằng đủ thứ việc.
Lứa tân sinh viên nửa cuối thập niên 1990 chỉ cần vài ngày đi bộ rã chân tìm quán cơm giá rẻ và chỗ mua áo khoác, đồ lạnh siđa (đồ cũ) thì việc định vị những khu vực như Ngã Năm, Dốc Đá, Đồi Trà, Thông Thiên hay Lữ quán... chẳng còn xa lạ.
Khu phố sinh viên quanh trường đại học thời đó nhỏ xíu và nhà trọ còn thưa thớt, đa số phòng trọ là phòng ván, giá bèo. Những sinh viên từ các tỉnh thành xa đến nhập học không quen nhau từ trước có thể bắt đầu với màn đùa nghịch đêm về gõ lóc cóc qua vách ván để phòng bên cạnh đáp lại cũng bằng những tiếng lóc cóc.
Táo bạo hơn, có thể viết thư lên mảnh giấy nhỏ và chuồi qua những khe hở bên dưới cánh cửa phòng và cũng nhận hồi âm theo cách như vậy.
Bằng cách đó, các cô gái nguôi ngoai nỗi nhớ ba mẹ khi phụ huynh mới lên xe về quê, các anh chàng cũng nhanh chóng tìm được bạn che dù dưới mưa để con đường mỗi ngày đến giảng đường bớt đi sự lạnh lẽo. Điều gì nhen nhóm tự nhiên sau đó thì ai đoán được...
Một góc nhà trọ sinh viên Đà Lạt năm 2004 - Ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Giảng đường ngày có bốn mùa
Tôi bắt đầu quen và đoán quê nhà bạn bè qua giọng nói. Đại học Đà Lạt thuở đó đa số là sinh viên tỉnh nghèo miền Trung, nên cũng dễ kết thân bởi đa số là con nhà nghèo; ngó đứa nào bước chân vào trường ngày đầu cũng lôi thôi, nhút nhát và đầy lo lắng.
Từ những ngày đầu, chúng tôi tập làm quen với những khái niệm của học trình bốn năm như "tín chỉ" hay "học phần". Dãy nhà văn phòng của giảng đường A1 là cửa thu ngân, cũng là nơi dán bảng điểm của nhiều sinh viên nợ học phần.
Đây sẽ là chốn đem lại nhiều ký ức không mấy dễ chịu suốt bốn năm học, trong khi đó, giảng đường A8 là nơi chúng tôi trải nghiệm những buổi học đầu tiên lớp có vài trăm sinh viên đại cương với tinh thần tự chủ và tự quản "kiểu đại học" với nhiều bỡ ngỡ và ấn tượng.
Chỉ sau một tuần đến giảng đường, khung cảnh thơ mộng ấy chẳng ăn nhập gì với những môn mà tôi buộc phải học như triết học Mác Lênin, kinh tế chính trị Mác Lênin, ngữ âm học tiếng Việt hay toán cao cấp... Tôi lại phải chia não mình thành hai phần, một cho mộng mơ bên ngoài giảng đường và một cho những tín chỉ bắt buộc vì chọn ngành ngữ văn.
Phần mộng mơ bên ngoài giảng đường, cậu tân sinh viên 42kg năm ấy biết cảm nhận niềm hạnh phúc khi được học ở một trường đại học có cảnh vực quyến rũ và nổi tiếng từ trước 1975. Cậu bắt đầu nhận ra mỗi ngày, trong khuôn viên ngôi trường có một lịch sử như thu gọn lịch sử thành phố cứ mỗi một ngày có bốn mùa đi qua.
Còn phần "nợ đời" phải trả đó là một chương trình học khá cũ kỹ thì được bù bằng những giờ ngồi thư viện đến tối mịt và bụng sôi réo vì đói. Cậu nhận ra một sự thật chống lại năng lực mơ mộng: sách không làm người ta quên bữa ăn tối khi phiếu cơm tháng chẳng còn ô nào để trống mà "viện trợ" từ quê nghèo miền Trung chờ mãi chưa thấy đâu.
Lại phải học cách viết thư tay gửi về sau lời thăm hỏi sức khỏe ba mẹ là báo tình hình hết tiền cơm, tiền trọ. Kỹ năng viết thư xin tiền đã được đào luyện từ đây, cho đến khi có thể bươn chải kiếm một việc làm thêm.
Vậy đó, những ngày đầu làm sinh viên trong thành phố mộng mơ chỉ mộng mơ vừa phải!
Các cụm giảng đường nối nhau bằng con đường mòn băng qua những đồi cỏ xanh mướt, nơi những chiếc ghế đá đã được đặt như chỉ để chờ những cuộc tình và những tâm hồn thi sĩ thả mộng theo mây. Không gian của khuôn viên ngôi trường cũng là một sự xoa dịu cho mọi phiền lo từ học hành, ốm đói cho đến thất tình.
_____________________________________
Năm 1987, tôi bước vào trường thi đại học cũng vào những ngày tháng 7 nóng bức. Sau một tháng thấp thỏm chờ đợi, tôi nhận được tờ giấy báo trúng tuyển vào khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế. Niềm sung sướng vỡ òa.
Kỳ tới: Cái thời đại học còn quý hiếm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận