Phóng to |
Trong những cánh rừng ngập mặn, những mái nhà đìu hiu ở vùng cuối đất Cà Mau vẫn ẩn chứa nhiều ước mơ được vào đại học |
Tính chưa đầy đủ cả ấp đã có 21 “đứa” đang học ở Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, TP.HCM... Trong một đợt họp mặt sinh viên các trường ĐH mới đây do huyện U Minh tổ chức, ấp 4 đã đóng góp phân nửa trong số danh sách của xã Khánh An (xã có năm ấp). Cái ấp nhỏ xíu nằm ngay bên bờ sông Trẹm...
Ấp có 21 người vào đại học
256 hộ dân ở ấp ấy đã trở thành niềm tự hào của xã và cả huyện U Minh. Cuộc sống của người dân ở vùng vàm Cái Tàu giờ không còn gói gọn trong chuyện làm tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ, đánh bắt tôm cá... quanh năm nữa, mà là chuyện giảng đường ĐH, chuyện nắm lấy tri thức, hay chỉ đơn giản như lời chị Bảy Tấn: “Có học, tụi nó có buôn bán hay nuôi tôm cũng biết tính toán. Làm ăn mà không biết tính toán như tụi tui thì nghèo hoài à”.
Chuyện học, chuyện vào ĐH của lớp trẻ như một ngọn gió mát lành làm vơi bớt những lo toan của nhiều gia đình nghèo đã gặp phải những thử thách tưởng không thể vượt qua nổi. Nhiều ông bố bà mẹ đã phải gạt nước mắt chọn lựa giữa những đứa con của mình: đứa nào vào ĐH, đứa nào phải đi làm thợ hồ, thợ may?
Chuyện học ĐH ở cái ấp heo hút này bắt đầu từ ông Năm Nho. Ông có một cậu con trai duy nhất là Lê Chế Linh hiện đang học năm 4 khoa điện-điện tử ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và một người em họ của Linh là Nguyễn Hoàng Mai hiện học cùng lớp.
Năm đó, tin hai anh em thi đỗ vào ĐH trên thành phố đã khiến bà con ấp 4 nức lòng bởi Linh và Mai nằm trong nhóm những thanh niên đầu tiên của ấp học lên cao như vậy.
Anh Võ Văn Mừng, trưởng ấp 4, nhớ lại: “Hồi nào tới giờ dân ở đây lo kiếm sống không à, ít người nghĩ tới chuyện con mình được vào ĐH. Ai cũng mừng cho Năm Nho, cũng thấy vui khi biết con em mình ở đây có khả năng nên dù nghèo cũng phải cố lo cho tụi nó học lên cao”.
Hiện Lê Chế Linh còn gần một năm nữa mới tốt nghiệp nhưng đã được một trung tâm dạy nghề ở Thủ Đức nhận vào làm giáo viên môn thiết kế mạch điện tử. Hồi ôn thi ĐH, hai anh em ra Cà Mau mua sách vở về nhà tự học vì ở Khánh An ngay cả một trường THPT cũng chưa có nói chi lò luyện thi.
Suốt mấy năm học cấp III, Linh phải ra trọ học ở trường huyện Thới Bình bên quê ngoại, còn Mai lên tận thành phố Cà Mau. Vậy là ngoài học phí, gia đình mỗi em phải bỏ ra thêm 500.000-600.000đ/tháng để lo cho con. Số tiền ấy làm cho chuyện học trở thành khó trăm bề.
Cũng ở huyện U Minh, không riêng gì ấp 4 (Khánh An), ấp Đất Mới (xã Khánh Hội) cũng đang nổi lên như một hiện tượng bởi mấy năm qua đã cho “ra đời” trên 30 sinh viên. Ở vùng heo hút nằm sát biển này đất đai bị nhiễm mặn nên nhiều chỗ chỉ làm được một vụ lúa/năm.
Nghề đi biển cũng không kiếm được bao nhiêu vì nguồn cá tôm giờ cũng đã cạn kiệt. Những ngôi nhà mái lá nằm heo hút bên những cánh đồng rộng nhưng cỏ năn mọc đầy đang chờ mưa tới để rửa phèn.
Trong đó có một ngôi nhà mang niềm hãnh diện của 218 hộ dân Đất Mới - đó là trụ sở văn hóa của ấp, nơi bày trang trọng danh sách những chàng trai cô gái trẻ là sinh viên. Ông Phan Văn Đức có con trai là Phan Văn Tiên đang học năm cuối ĐH Y dược TP.HCM.
Ông Phan Việt Trung có hai con đã tốt nghiệp ĐH, con thứ tư là Phan Việt Phúc đang học năm 2 ngành công nghệ thông tin ở ĐH Cần Thơ. Nhà ông Văn Đình Viện có con trai Văn Hải Đăng đang học năm 5 khoa y ĐH Cần Thơ… Phan Minh Thọ (con trai của ông Phan Hoàng Nhật) học năm 2 khoa du lịch ĐH Cần Thơ...
Cũng như ở Khánh An, học trò Khánh Hội muốn lên THPT phải ra huyện hoặc lên Cà Mau trọ học. Nhiều gia đình không kham nổi nên chỉ cho con học hết cấp II.
Vậy mà ấp Đất Mới nằm tận cùng của xã lại nổi tiếng khắp Cà Mau vì có nhiều sinh viên ĐH. Nhiều gia đình ở Đất Mới cũng đã phải đứng trước chọn lựa khó khăn để con vào ĐH.
Phóng to |
Huỳnh Văn Bé ngày ngày bán nước đá nuôi anh đi học |
Vợ chồng ông Nguyện đem cầm cố 5 công đất ruộng vô thời hạn lấy một lượng vàng. Nhưng rồi vẫn không đủ tiền học cho con, cuộc sống túng bấn cứ quấn lấy gia đình.
Ông bà dằn lòng để cô con gái kế Văn Thị Thi - đang là học sinh giỏi lớp 9 của huyện Trần Văn Thời - nghỉ học để đi may gia công. Hai năm sau, tiền học cho người anh Văn Hải Đăng vẫn thiếu trước hụt sau.
Lại một lần nữa vợ chồng ông Nguyện khuyên đứa con út Văn Thị Lĩnh đang là học sinh giỏi lớp 9 nghỉ học. Lĩnh biết mình phải nghỉ học đã khóc suốt 13 ngày... nhưng rồi cũng sẵn lòng vì chuyện học của anh.
Trời sập tối, tiễn chúng tôi ra cửa vợ chồng bà Nguyện chỉ nói mỗi câu: “Cầu cho năm nay trúng mùa lúa!”. Nếu không trúng mùa thì vợ chồng bà sẽ đóng cửa lên thành phố làm thuê. Bằng mọi cách gia đình bà dốc tận lực cho con có được cái bằng cử nhân y khoa.
Cũng như gia đình ông bà Nguyện, trong ấp Đất Mới còn nhiều gia đình có người em, người chị hi sinh chuyện học cho người anh hay đứa em học. Cậu học sinh giỏi lớp 8 Trường THCS Khánh Bình Tây Nguyễn Duy Khánh đã phải nghỉ học đi làm thợ hồ gửi tiền cho hai người anh ăn học...
Cũng như Khánh, Huỳnh Văn Bé ở ấp 4 đã thôi học khi vừa xong lớp 10 vì gia đình không thể lo được nữa. Khánh đang ở nhà phụ má bán nước đá để nuôi anh Nhẫn đang học ĐH Thủy sản ở Cà Mau.
Trương Như Huỳnh vừa nghỉ hè xong đã ra TP Cà Mau xin một chân chạy bàn cho quán cà phê ở phường 1. Đêm xuống, khi quán đóng cửa, Huỳnh lại đèn sách ôn luyện chuẩn bị năm sau thi ĐH.
Bà Nguyện nhớ ngày nhận được tin người con đầu lòng Văn Hải Đăng đậu ĐH Y khoa Cần Thơ. Năm ấy trong ấp thất mùa lúa nhưng lại được “mùa” con cháu đỗ đạt ĐH nên ai cũng cần tiền. Đem chuyện khó khăn lên hỏi chi hội khuyến học ấp Đất Mới, ông Phan Việt Trung - chi hội trưởng - đã khuyên bà Nguyện cứ theo thuyết “gà mái nuôi con”: “Chịu khó bới tìm thì bao nhiêu con cũng nuôi được”. |
Đứa út Trương Như Thừa mới học lớp 8 cũng xin làm công cho một đại lý nước ngọt. Mỗi tháng 400.000đ Thừa đem về cất bọc cho chị năm sau làm sở phí thi đại học.
Bà Đặng Hồng Yến - mẹ của Huỳnh, Như và Thừa - nói: “Con gái nhà nghèo phải đi làm thuê cho người. Tủi khổ lắm nhưng không làm thì không học tiếp được”.
Bà kể có lần về thấy nhà mưa dột, chị em Như Huỳnh đứa chằng kéo tấm nilông, đứa buộc lạt lại vách nhà che chắn. “Các con tôi bằng mọi cách giữ tiền cho chuyện học mà” - bà Yến nói.
Không như những miền quê khác có truyền thống học hành, “phong trào” vào ĐH ở Đất Mới hay ấp 4 chỉ mới rộ lên năm, sáu năm gần đây.
Những gương học hành của các anh chị đã thôi thúc lớp đàn em như Nguyễn Chí Nguyện, Trương Như Huỳnh… năm nay nuôi chí thi vào ĐH. Những người trẻ tuổi đang góp phần viết lên trang đời mới cho cuộc sống nơi cuối đất này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận