13/08/2018 12:09 GMT+7

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 4: Di dân khí hậu

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Năm 2013, ông Ioane Teitiota nộp đơn xin tị nạn với lý do vợ chồng ông và các con (đều sinh ra tại New Zealand) đang gặp nguy hiểm vì nước biển gây ngập trên đảo Kiribati, gia đình ông không thể trữ nước ngọt và cũng chẳng trồng trọt gì được.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 4: Di dân khí hậu - Ảnh 1.

Ông Ioane Teitiota và vợ con - Ảnh: newshub.co.nz

Ông Ioane Teitiota, 42 tuổi, cư trú trên đảo quốc Kiribati giữa Thái Bình Dương, một trong những nơi đầu tiên trên thế giới có nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng. 

Năm 2007, ông sang New Zealand sinh sống. Đến năm 2013, ông nộp đơn xin tị nạn với lý do vợ chồng ông và các con (đều sinh ra tại New Zealand) đang gặp nguy hiểm vì nước biển gây ngập trên đảo Kiribati, gia đình ông không thể trữ nước ngọt và cũng chẳng trồng trọt gì được.

Biến đổi khí hậu đã trở thành một động cơ di dân buộc các cá nhân, gia đình và thậm chí một cộng đồng tìm nơi khác sống tốt hơn.

Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới Kristalina Georgieva

Qua nhiều cấp xét xử, đến tháng 7-2015, Tòa án tối cao New Zealand bác đơn xin nhập cư của ông Ioane Teitiota. 

Tòa nhận định ông không đáp ứng tiêu chuẩn người tị nạn theo công ước Liên Hiệp Quốc vì bản thân ông không gặp nguy hiểm nào khi quay trở về đảo Kiribati, đồng thời không có chứng cứ cho thấy chính phủ đảo Kiribati thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân đối phó với biến đổi khí hậu. Tháng 9-2015, ông đã bị trục xuất.

Không có công ước quốc tế về di dân khí hậu

Ông Ioane Teitiota là trường hợp đầu tiên trên thế giới xin tị nạn vì biến đổi khí hậu. Dù vậy, vụ kiện của ông đã đánh động được nhận thức của Chính phủ New Zealand. 

Cuối tháng 10-2017, Bộ trưởng James Shaw phụ trách biến đổi khí hậu ở New Zealand thông báo chính phủ đã xem xét giải pháp cấp visa nhân đạo cho người dân các đảo Thái Bình Dương bị nước biển dâng đe dọa bởi lẽ luật pháp hiện hành của New Zealand không có quy định nào về cấp tiêu chuẩn tị nạn cho người rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu. 

Ngày 24-10-2017, tòa án nhập cư của New Zealand đã từng bác đơn của hai gia đình là cư dân đảo quốc Tuvalu xin nhập cư vì biến đổi khí hậu.

Khái niệm "di dân khí hậu" xuất hiện chính thức lần đầu tiên vào năm 1985 trong báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP). Dù vậy, đến nay luật pháp quốc tế vẫn chưa thừa nhận.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 4: Di dân khí hậu - Ảnh 3.

Tại Ethiopia, do khô hạn, bà Farah phải đi bộ 10km để mang nước về nhà - Ảnh: Jonathan Fontaine

Giám đốc Quỹ Công lý môi trường (Anh) Steve Trent nhận xét điều nghịch lý hiện nay là không có bất kỳ công ước quốc tế nào về người tị nạn và người xin nhập cư xem xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu và môi trường suy thoái. Trên thế giới chỉ có Thụy Điển và Phần Lan đồng ý cấp quy chế tị nạn cho nạn nhân thiên tai.

Cách đây 11 năm, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (trực thuộc Liên Hiệp Quốc) đã từng nêu lên mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và vấn đề di dân. 

Từ đó đến nay, ước tính mỗi năm có khoảng 27 triệu người di dân vì thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, tức mỗi phút có 41 người. 

Tháng 3-2018, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố "Tuyên bố về tình trạng khí hậu thế giới 2017". 

Báo cáo nêu trong năm 2016 đã có 23,5 triệu người di dân do ngập lụt và bão tố, trong đó hầu hết là di dân trong nước. 

Báo cáo ghi nhận trong 25 năm gần đây, khí thải cacbon dioxide (CO2) gây hiệu ứng nhà kính đã tăng từ 360 phần triệu lên hơn 400 phần triệu, dẫn đến nắng nóng khắc nghiệt và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác. 

Năm 2017 là một trong ba năm nóng nhất và là năm nóng nhất không kèm theo hiện tượng El Niño với nhiệt độ trung bình tăng 1,10C.

Năm 2050 sẽ có 200 triệu người di dân khí hậu

Báo cáo của WMO ghi nhận tình hình di dân do biến đổi khí hậu xảy ra phổ biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong bài viết đăng trên trang The Conversation (Úc) ngày 17-1-2018, tiến sĩ Alex Chapman ở Đại học Southampton (Anh) và tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí ở Đại học Cần Thơ ghi nhận tuy đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trù phú xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nhưng 18 triệu dân đồng bằng rất dễ tổn thương với biến đổi khí hậu. 

Trong 10 năm gần đây, đã có khoảng 1,7 triệu dân phải di dân vì sinh kế. Tỉ lệ di dân cao hơn hai lần so với tỉ lệ bình quân cả nước.

Có nhiều yếu tố biến đổi khí hậu thúc đẩy người dân phải di dân như nhà cửa bị sạt lở, mặn xâm nhập, khô hạn kéo dài, tổn thất phù sa và thủy sản do xây đập. 

Năm 2015-2016, đồng bằng sông Cửu Long phải đương đầu với nạn khô hạn nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. 

Nước mặn xâm nhập sâu 80km vào nội đồng gây thiệt hại cho 160.000ha đất canh tác. Sang năm sau ở Kiên Giang, cứ 100 người dân lại có một người phải sang địa phương khác tìm kế sinh nhai.

WMO dự báo đến năm 2050, số người di dân do biến đổi khí hậu sẽ tăng đến 200 triệu người. 

Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 19-3-2018, dự báo đến năm 2050 tại ba khu vực gồm châu Phi hạ Sahara, Nam Á và Mỹ Latin sẽ có 143 triệu người di dân để tránh tác động của biến đổi khí hậu (thiếu nước, thất mùa do khô hạn, nước biển dâng, bão tố...). 

Đây là lần đầu tiên WB nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với làn sóng di dân.

Tổng giám đốc WB Kristalina Georgieva cảm thán: "Từng ngày biến đổi khí hậu lại trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn về kinh tế, xã hội và sống còn". 

Bà giải thích: "Chúng tôi nhận ra mối đe dọa kể trên tại các thành phố đang đương đầu với khủng hoảng nước vô tiền khoáng hậu, tại các vùng duyên hải đang trải nghiệm với làn sóng bão tố hủy diệt và ở các vùng nông nghiệp không còn sản xuất được cây trồng chủ yếu".

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 4: Di dân khí hậu - Ảnh 4.

Năm 2015-2016, đồng bằng sông Cửu Long phải đương đầu với nạn khô hạn nghiêm trọng. Trong ảnh là một cậu bé mò cá trên dòng kênh cạn khô ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) ngày 8-3-2016 - Ảnh: STR/AFP

Biến đổi khí hậu gây ra đói kém

Trong báo cáo năm 2018 về các mục tiêu phát triển bền vững công bố ngày 20-6-2018, Liên Hiệp Quốc đánh giá xung đột và biến đổi khí hậu là hai tác nhân chính làm gia tăng số người đói và người di dân.

Lần đầu tiên từ hơn 10 năm qua, số người đói đã tăng từ 777 triệu năm 2015 lên 815 triệu năm 2016.

Thiên tai khắc nghiệt đã gây khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, đặc biệt tại châu Phi.

Tổ chức Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lưu ý năm 2017 đã có 10,7 triệu người bị đói tại Ethiopia, Kenya, Somalia và vùng tự trị Somaliland.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về điều phối nhân đạo (OCHA) phân tích có ba nguyên nhân gây ra nạn đói: khủng hoảng lương thực kéo dài, xung đột leo thang và biến đổi khí hậu.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người

TTO - Ngày 8-8, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phải kêu gọi lập quỹ cứu trợ 120 triệu USD để đối phó với tình hình khủng hoảng lương thực ở ba quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Haiti và khu vực Sahel châu Phi.


Kỳ tới: "Vua khí thải" Trung Quốc

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên