03/11/2022 18:42 GMT+7

TP.HCM: Đề xuất lập tổ kiểm tra liên ngành tránh bất ổn trong thị trường lao động

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG

TTO - Trước tình trạng thiếu hụt lao động do các doanh nghiệp cắt giảm, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ đề xuất UBND TP.HCM lập tổ kiểm tra liên ngành nhằm hạn chế các nguy cơ bất ổn trong thị trường lao động.

TP.HCM: Đề xuất lập tổ kiểm tra liên ngành tránh bất ổn trong thị trường lao động - Ảnh 1.

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Văn Lâm - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Chiều 3-11, TP.HCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ giải pháp tháng 11 và công tác phòng chống dịch.

Tại đây, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết vừa qua sở đã khảo sát tình hình lao động tại 234 doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.

Kết quả có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 1.762 lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến ngày 1-11, TP có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lao động, trong đó, số lao động được cho thôi việc là 1.643 người. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc lĩnh vực may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.

Trước tình hình trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã phối hợp Liên đoàn Lao động TP và các đơn vị nắm bắt tình hình lao động, tâm tư nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp dự kiến cắt giảm, chủ động kết nối cung cầu lao động, giới thiệu người lao động đến các doanh nghiệp.

“Sở cũng đề xuất UBND TP lập tổ liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, quan hệ lao động nhằm hạn chế các nguy cơ bất ổn có khả năng xảy ra trong dịp cuối năm, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động”, ông Lâm nói.

Trước đó, tại buổi làm việc với HĐND TP chiều 2-11, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo của TP đạt 91,86% kế hoạch năm; giải quyết việc làm cho lao động đạt 63,25%.

Tính đến 1-11, trên địa bàn TP có 127 doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm, trong đó chủ lực là trung tâm giới thiệu việc làm TP và Thanh niên. Các trung tâm đã tổ chức 121 sàn tư vấn việc làm, tư vấn cho hơn 530.000 lượt người, giới thiệu được cho 156.600 người và nhận việc gần 65.000 người.

Trong năm 2022, kiểm tra 12 doanh nghiệp xăng dầu, xử lý 1,3 tỉ đồng

Thông tin về thị trường cung ứng xăng dầu tại họp báo, ông Nguyễn Tiến Đạt - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường - cho biết đến nay TP.HCM có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ, 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Đạt, tình hình kinh doanh xăng dầu trong tháng 10 tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu nguồn xăng, nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Đến 3-11, trên địa bàn TP có 65/550 cửa hàng không còn xăng, trong đó có 2 cửa hàng hết xăng và dầu.

Các cửa hàng thiếu xăng do không có nguồn cung, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết. Các cửa hàng hiện nay có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng. 24 cửa hàng đã nhập được xăng.

Theo ông Đạt, hiện nay các đơn vị tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, phát hiện các dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Ngoài ra, ông Đạt cũng cho biết trong năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành về xăng dầu của TP đã kiểm tra 12 doanh nghiệp, có 5 doanh nghiệp vi phạm bị xử lý 1,3 tỉ đồng.

Tại các doanh nghiệp này, đoàn đã lấy 89 mẫu thử nghiệm, trong có 88 mẫu đạt chuẩn và 1 mẫu không đảm bảo chất lượng. “Tuy nhiên chưa phát hiện dấu hiệu pha trộn xăng trái phép và xăng dầu giả trên địa bàn TP”, ông Đạt nói.

Trả lời câu hỏi phóng viên nêu ra về việc có xăng lậu trên địa bàn TP.HCM hay không, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết việc xăng dầu nhập lậu đã được báo chí đưa tin, nhiều đường dây đang được đưa ra xét xử.

Qua đó, có thể nhìn nhận việc kinh doanh xăng dầu lậu có trong thực tế nhưng để đánh giá ảnh hưởng thì phải cần nhiều thời gian để điều tra, nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về chi phí xăng dầu Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về chi phí xăng dầu

TTO - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để cập nhật chi phí tính giá cơ sở giá xăng dầu cần phải có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp đầu mối, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương.

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên