Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay sẽ cập nhật, sửa đổi cơ cấu tính giá trong giá cơ sở xăng dầu khi nhận được ý kiến của các bên liên quan - Ảnh: Quochoi.vn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay để cập nhật chi phí tính giá cơ sở giá xăng dầu cần phải có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến các chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính mới nhận được văn bản kiến nghị của bảy doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và vẫn chưa nhận được văn bản nêu ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Tài chính đã có ba văn bản, trong đó có văn bản tiếp tục gửi tới các đơn vị liên quan trong ngày hôm qua (2-11).
Theo bộ trưởng, khi thực hiện điều chỉnh phải đồng bộ theo đúng quy định của luật. Trong trường hợp giá biến động mạnh, các doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo, Bộ Công Thương gửi văn bản cho ý kiến mới làm căn cứ để Bộ Tài chính tập hợp ý kiến trình, tham mưu cho Chính phủ, quyết định điều chỉnh giá.
Cũng theo ông Phớc, hiện các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu (bao gồm chi phí premium nhập khẩu, premium nguồn trong nước, chi phí kinh doanh khác…) đã được Bộ Tài chính nhiều lần điều chỉnh, với tổng chi phí gần 2.000 đồng/lít. Do đó, theo kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp, nếu chi phí này tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng dầu làm giá tăng theo và người dân phải gánh chịu chi phí này.
Tuy vậy, tư lệnh ngành tài chính cũng cho hay Bộ Tài chính không quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu. Do đó ngay cả khi điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu thì vấn đề đặt ra là phải "điều tiết" được chi phí giữa các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ.
"Dù có tăng chi phí lên 5.000 đồng/lít hay 10.000 đồng/lít nhưng không điều phối được, doanh nghiệp đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở bên ngoài hệ thống thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay" - bộ trưởng nói.
Liên quan đến đề xuất mới đây được ông Phớc nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước ngày 28-10, Bộ trưởng Phớc cho rằng cũng không cần sửa nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Chính phủ có thể ra nghị quyết riêng về vấn đề này, tức chuyển phần chức năng của Bộ Tài chính trong quản lý mặt hàng xăng dầu sang Bộ Công Thương làm căn cứ thực hiện thống nhất một đầu mối. Việc này được thực hiện và làm theo quy trình các bước của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có thể được thực hiện sau.
Trước đó, ngày 2-11, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối xăng dầu đề nghị phối hợp cung cấp thông tin thêm về các thông tin số liệu cụ thể, đánh giá làm rõ mức biến động tăng bất thường của các khoản chi phí.
Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được công văn của Bộ Công Thương. Vì vậy để đảm bảo tính kịp thời, bộ đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5-11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước đó Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần có gửi văn bản, nêu rõ quan điểm về việc đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức.
Theo quy định của nghị định 95, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở, việc rà soát các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu.
Đối với việc rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở cũng quy định, trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá và tiến hành khảo sát thực tế các chi phí và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận