01/11/2022 08:30 GMT+7

Chính sách có hiệu lực từ tháng 11: Người lao động ngành bảo hiểm được tăng lương

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Người có chức vụ, sau khi thôi việc 1-2 năm không được mở doanh nghiệp cùng lĩnh vực từng quản lý. Người cai nghiện ma túy được học văn hóa, học nghề... Cụ thể ra sao? Quy định mới về bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất có gì mới?

Chính sách có hiệu lực từ tháng 11: Người lao động ngành bảo hiểm được tăng lương - Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cùng với quy định tăng lương với người làm công việc ngành bảo hiểm xã hội, đây là những chính sách pháp luật có hiệu lực từ tháng 11-2022.

1. Ai sẽ bị giới hạn quyền quản lý sau khi nghỉ việc công?

Thông tư 60/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17-11 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người từng có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý và điều hành lĩnh vực trước đây mình quản lý.

Có chín lĩnh vực được quy định rõ những ai không được thành lập doanh nghiệp, giữ chức danh, chức vụ hoặc điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã cùng lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Cụ thể gồm: quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về bảo hiểm; quản lý nhà nước về hải quan; quản lý nhà nước về giá; quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài. Thời hạn quy định với các lĩnh vực này là 24 tháng từ khi có quyết định thôi việc.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ (theo quyết định của cấp có thẩm quyền), người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước; quản lý nhà nước về tài sản công không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã cùng lĩnh vực đã từng quản lý.

2. Quy định mới về bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất

Thông tư 61/2022 có hiệu lực từ ngày 20-11, hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, đối với dự án trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án không thuộc trường hợp trên, không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm thì mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí cho việc này.

Ngoài ra, dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm có mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Người cai nghiện ma túy được hỗ trợ học văn hóa, học nghề

Thông tư 62/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19-11.

Theo đó, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước chi trả nhiều khoản như: tiền ăn, chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc; khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần; khám bệnh, chữa bệnh.

Thông tư còn quy định người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi được học văn hóa, phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chuyên đề về sức khỏe cộng đồng, pháp luật, đạo đức...

Ngoài ra, người cai nghiện bắt buộc, người sau cai nghiện ma túy chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không còn phù hợp cũng được Nhà nước chi hỗ trợ học nghề.

Tăng lương cho người lao động ngành bảo hiểm

Từ ngày 10-11, quyết định 19/2022 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế 2022-2024 có hiệu lực.

Quyết định này quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các đối tượng này gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân; người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.

Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức? Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức?

TTO - Cán bộ, công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc và chuyển ra khu vực tư: do lương thấp, áp lực công việc nặng nề hay do những lý do khác? Chủ đề này được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, tranh luận tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 27-10.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên