Sáng 16-4, báo cáo tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận với Thủ tướng có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP.HCM sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ.
TP.HCM có chỉ thị về tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai
Theo ông Mãi, các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.
Một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, cũng như thiếu tính chủ động, sáng tạo; thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ. "Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này", ông Mãi cho hay.
Trao đổi sau đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đồng tình với nhận định của chủ tịch UBND TP. Ông Thăng cho biết đây là vấn đề tồn tại rất lớn và đề nghị TP.HCM khẩn trương có chỉ thị để tháo gỡ.
Theo ông Thăng, hiện Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo. Đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí cán bộ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng đồng tình với xác nhận của Chủ tịch Phan Văn Mãi về việc có tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của bộ phận cán bộ, công chức.
Theo ông Hùng: "Không những lo ngại mà có thể đánh giá sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong việc xử lý các công việc chung, trong điều hành của TP cũng như cả nước".
Ông Hùng chia sẻ điều đáng mừng là TP.HCM nhìn nhận và sớm có chỉ thị về tình trạng này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý TP cân nhắc các giải pháp mạnh, toàn diện hơn để có một chỉ thị đủ tháo gỡ tình trạng bế tắc này.
Theo ông Hùng, khi phân tích nguyên nhân, không thể đổ lỗi do quá trình xử lý mạnh tay với tham nhũng dẫn đến thực trạng này, cũng như không có việc hình sự hóa các thủ tục hành chính, mà những vụ việc xử lý vừa qua đều đúng pháp luật. Những việc xử lý như bài thuốc chữa trị căn bệnh tham nhũng.
"Không phải chỉ TP.HCM, có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã quyết được nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều ban, bộ, ngành và chờ đợi cho ý kiến.
Trong khi có những cái không thuộc phạm vi thẩm quyền trả lời nên các ban, bộ, ngành không trả lời cũng rất khó, trả lời cũng rất khó. Thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc", ông Hùng phân tích và đề nghị Thủ tướng hết sức quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này trên cả nước.
Sợ trách nhiệm quá sẽ là tiêu cực
Trước đó, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 20, khóa XI (mở rộng), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng về mặt tích cực, đội ngũ vì sợ sai nên sẽ làm đúng chức trách được giao, tránh những vi phạm có thể xảy ra.
Khi làm một công việc liên quan nhiều bộ phận, cơ quan khác, việc ít nhiều có nỗi sợ dính đến vi phạm cũng chính đáng. Nhưng sợ đến mức không dám làm sẽ là tiêu cực.
"Trước mắt chúng ta hãy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của một cán bộ, công chức, viên chức, nghĩ về danh dự, bổn phận của mình, của người đảng viên trước Đảng, trước nhân dân. Người dám nghĩ, dám làm là làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao", ông Nên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận